Saturday, August 20, 2016

Gửi cho Duy một tấm lòng

ChuyệnNướcNonMình

Trong xã hội cs, người dân cảm thấy vô vọng khi đi tìm công lý cho sự bắt bớ oan ức vô luật pháp, mà cũng chẳng biết tìm ở đâu chỉ vì pháp luật và kẻ thi hành luật pháp chỉ là một. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “Gửi cho Duy một tấm lòng ” của Phạm Thanh Nghiên sẽ được chính tác giả trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
“Chúng ta đấu tranh để loại bỏ điều 88 BLHS nhưng có những người bị bắt giam theo điều 88 đang bị chúng ta dần lãng quên…” – Tôn Nữ Khiêm Cung.
Người “đang bị chúng ta dần lãng quên” mà cô gái trẻ Tôn Nữ Khiêm Cung nhắc đến là Nguyễn Hữu Quốc Duy, một thanh niên Khánh Hòa đang bị giam giữ trong tù hơn 9 tháng nay.

Đầu đuôi câu chuyện thế này: Cậu thanh niên Nguyễn Hữu Thiên An bị tình nghi là đã xịt sơn chữ “ĐMCS” lên tường trụ sở công an phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang. Thế là sau đó An bị công an bắt. Khi An bị bắt thì Duy -anh họ của An -cũng bị công an Khánh Hòa sách nhiễu, khủng bố, gây khó khăn như câu lưu, đe dọa, thu giữ tài sản…
Hơn một tháng trời không có tin tức, Duy vì thương em và vì yêu lẽ phải nên mới đi tìm công lý cho An. “Tìm công lý” trong khả năng của Duy khi ấy, là lên mạng công khai quan điểm bênh vực cho An và nhờ người đưa tin, lên tiếng cho em họ mình. Sở dĩ phải “nhờ người đưa tin, lên tiếng” vì theo nhận định của Tôn Nữ Khiêm Cung thì Duy “không thuộc phe phái, không tổ chức, không được ai biết đến và không có sức ảnh hưởng” trong giới tranh đấu.
Rồi Duy cũng bị bắt. Các hành vi bị cho là “chống nhà nước CHXHCNVN” của Duy là công khai lên án những sai trái, bất công với một thái độ còn dè dặt và … động chạm đến nhân quyền. Nếu coi tất cả những việc làm đó là có “tội” thì tội của tôi và của nhiều người khác còn tày đình hơn tội của Duy nhiều. Vụ bắt giữ Duy là một trong những trường hợp điển hình của nạn bắt giữ tùy tiện. Cái gọi là luật pháp đã bị công an Khánh Hòa coi là trò chơi và không quá lời khi nói “Công Lý chỉ là một anh hề” để miêu tả cho vụ việc này. Chỉ có điều, màn hài kịch không có tiếng cười, thay vào đó là một phận người bị định đoạt, một bà mẹ tuyệt vọng và một gia đình bị xáo trộn.
Bản tin Mạng Lưới Blogger Việt Nam tiếp xúc với đại diện Lãnh sự quán Hoa Kỳ đưa ra hôm 08/01/2016 có nhắc đến trường hợp của Nguyễn Hữu Quốc Duy như sau: “Một công an đã thông báo miệng với gia đình rằng anh Duy bị bắt vì “sử dụng Facebook vi phạm pháp luật vì tuyên truyền chống phá nhà nước theo điều 88”.
Người thân và gia đình Duy không nhận được bất kỳ văn bản nào về việc bắt giữ người ngoài lệnh miệng. Hai tuần sau khi con trai bị bắt, bà Nguyễn Thị Nay đã đến công an chất vấn, yêu cầu phải có các văn bản liên quan đến việc bắt Nguyễn Hữu Quốc Duy thì phía công an mới cung cấp cho bà giấy khám nhà và lệnh bắt.”
Chi tiết này làm tôi nhớ đến mẹ mình. Hồi tôi bị bắt, mẹ tôi- khi ấy đã 70 tuổi- phải gõ cửa hết chỗ này đến chỗ khác để tìm con mình, xem tôi bị giam ở đâu. Khi biết tôi ở Trần Phú, mẹ tôi lại tiếp tục chặng đường đòi quyền được tiếp tế cho con. Tôi đã mong biết bao nhiêu cái ngày ra tòa và trông đợi chuyến chuyển trại để được gặp mẹ mình. Tôi từ chối kháng án cũng là để được gặp mẹ tôi sớm hơn. Vả lại tôi nghĩ, mình không có tội, không nhận tội thì dù có ra tòa phúc thẩm, cũng y án mà thôi.
Sau này, tôi đã rất ân hận vì có lần trách mẹ mình về việc bà không thông báo cho công luận biết chuyện tôi tuyệt thực trong tù. Tôi tuyệt thực ba lần, để tranh đấu cho quyền lợi chính đáng của những người tù khác. Không phải mẹ tôi không muốn. Bà không biết phải liên lạc hay thông báo với ai, lên tiếng ở đâu để hỗ trợ cho con mình.
Bây giờ, tôi coi việc phải chống chọi một mình trong những cơn nguy khốn trên bước đường đấu tranh không những là cách để mình trưởng thành, mà coi đó là cơ hội để chinh phục thử thách. Nhưng tôi không thoát khỏi cảm giác ngậm ngùi và tủi thân cho Duy (mặc dù chưa chắc Duy đã thích điều ấy) khi cảm nhận rằng vì lý do nào đó, Duy ít được nhắc đến. Tôi, Nguyễn Hữu Quốc Duy, Nguyễn Hữu Thiên An hay bất cứ ai cũng không có quyền, không có tư cách đòi hỏi người khác quan tâm đến mình. Nhưng trên phương diện của một người tranh đấu cho lẽ phải, lên tiếng cho một người bị đối xử bất công, cũng là việc nên làm. Nguyễn Hữu Quốc Duy đã làm được điều đó và hiện người thanh niên ấy đang phải trả giá cho hành động đẹp đẽ của mình.
Tôi và Duy có nhiều điểm chung như cùng bị bắt ở tuổi 30, cùng bị buộc tội “chống nhà nước”. Và đáng hãnh diện hơn, tôi và Duy đều có người mẹ hết lòng bênh vực, bảo vệ và ủng hộ cho lý tưởng của con mình. Khác là, nếu coi việc nhận được nhiều sự đồng cảm và sẻ chia là điều may mắn, thì tôi may mắn hơn Duy.
Trong một lá thư gửi cho tôi, nhạc sĩ Đình Đại đã viết : “trừng phạt lớn nhất đối với người có tội chính là sự cầm tù. Và tội ác lớn nhất cũng chính là sự cầm tù những người vô tội.”
Tôi và những người yêu lẽ phải đều tin rằng Nguyễn Hữu Quốc Duy vô tội. Tôi không làm được gì để giúp Duy, giúp cô Nay, nhưng cũng xin hướng về em như một niềm an ủi để sau này khi trở về, em biết rằng em không cô đơn.
Phạm Thanh Nghiên

No comments:

Post a Comment