Chủ Nhật, 17.04.2016
Kính thưa quý thính giả, để điểm lại những sự kiện nổi bật tuần qua xin mời các bạn thính giả theo dõi buổi hội luận giữa ĐPV Hoàng Ân và PV Trường An.
Hoàng Ân: Cám ơn chị Mỹ Linh, HA xin kính chào quý thính giả đang theo dõi chuyên mục VNTQ, xin mến chào anh TA.
Trường An: TA xin kính chào quý thính giả của đài DLSN cùng chị HA.
Hoàng Ân: Để mở đầu buổi hội luận ngày hôm nay HA
xin được hỏi là anh có ghi nhận như thế nào trước việc vợ của Mục sư
Nguyễn Công Chính lại bị lực lượng công an đánh trọng thương?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Vào sáng hôm thứ Năm vừa qua, bà Trần Thị Hồng, vợ của Mục sư Nguyễn
Công Chính đã bị công an phường Hoa Lư, thành phố Pleiku, đánh đập gây
trọng thương chỉ vì bà Hồng không chịu trình báo việc đi gặp phái đoàn
nhân quyền của Mỹ vào ngày 30/3 vừa qua.
Theo lời kể của bà Hồng thì một nhóm công an và dân phòng ập vào nhà
bà vào lúc sáng yêu cầu bà lên đồn để làm việc. Tuy nhiên bà Hồng từ
chối vì đã đến giờ phải chở con đi học. Ngay lập tức bọn công an xông
đến khống chế tay chân bà Hồng và ném lên xe đưa về đồn Hoa Lư. Tại đây,
bà Hồng liên tục bị đánh đập vì cương quyết không khai về chuyện đi gặp
phái đoàn nhân quyền Mỹ vào cuối tháng 3 vừa qua.
Cho đến trưa khi thấy bà Hồng gần ngất xỉu thì lũ công an lại vất bà
lên xe chở về trước cổng nhà. Vì hai đầu gối bị đánh quá nặng nên hàng
xóm phải dìu bà vô nhà. Bà Hồng cho biết là ngay sau khi nhận được tin
tức, tòa đại sứ Mỹ đã gọi điện thoại cho bà Hồng để nghe tường trình về
vụ hành hung này.
Nhân đây tôi cũng xin được nói thêm cho quý thính giả của đài DLSN về
việc dư luận Sài Gòn đang xôn xao về một đoạn phim trên mạng, thu cảnh
một công an đã xử dụng vũ lực đánh gục một người đàn ông bán hàng rong
trên đường Phạm Phú Thứ ở phường 4, quận 6 – Sài Gòn. Theo đó nạn nhân
là anh Minh Phong 28 tuổi bán ổi trên lề đường, trong khi né tránh bọn
trật tự đô thị thì bị tay thượng sĩ công an chận lại và đánh đập đến bất
tỉnh.
Hoàng Ân: Ngoài sự kiện vợ của Mục sư Nguyễn Công
chính và anh bán hàng rong bị lực lượng công an hay còn gọi là lực lượng
còn đảng còn mình đánh trọng thương thì còn sự kiện nào nữa không thưa
anh?
PV Trường An: Dạ có thưa chị, vào hôm thứ Tư vừa qua
nhà đấu tranh Ngô Duy Quyền lại bị công an áp giải từ Bắc Giang về Hà
Nội để thẩm vấn, liên quan đến lá thư mà ông gửi cho bộ trưởng Trần Đại
Quang trước đây.
Sau 9 tiếng bị thẩm vấn, ông Quyền được trả tự do. Ông cho biết là
giới công an đã vặn hỏi ông về lá thư có nội dung chất vấn bộ công an về
các vụ hành hung một số nhà đấu tranh Nguyễn Chí Tuyến, Đinh Quang
Tuyến và Trịnh Anh Tuấn. Ngoài ra lá thư cũng đề cập đến các vụ người
dân đột tử trong các đồn công an, điển hình như cái chết của thiếu niên
Đỗ Đăng Dư. Lá thư được gửi đi vào năm 2015, và ông Quyền đã liên tục bị
công an triệu lên đồn thẩm vấn nhiều lần.
Xin được nói thêm, ông Ngô Duy Quyền là chồng của Luật sư Lê Thị Công
Nhân, một tù nhân lưong tâm. Ông Quyền cũng là thành viên của hội Bầu
bí Tương thân, một tổ chức dân sự độc lập ở Hà Nội.
Hoàng Ân: Trong hai ngày vừa qua, nhà cầm quyền tỉnh
Bình Định đã huy động một lực lượng đông đảo đến cưỡng chiếm khu đất
của hội thánh Tin Lành ở thị trấn Phú Phong với lý do để xây công viên.
Xin anh nhắc lại sự kiện này để quý thính giả của đài DLSN cùng nghe?
Trường An: Đúng như chị vừa nói, vụ cưỡng chiếm khu
đất diễn ra sau khi giáo hội Tin Lành liên tiếp gửi đơn phản đối. Mục sư
Nguyễn Ngọc Thắng, quản nhiệm hội thánh Phú Phong, cho biết là cuộc
cưỡng chiếm diễn ra một cách bất ngờ. Lực lượng công an đã bao vây nhà
thờ và yểm trợ cho các xe cơ giới san bằng khu đất.
Cũng theo Mục sư Thắng, hội thánh Phú Phong suốt 65 năm qua đã sở hữu
khu đất rộng khoảng một mẫu, nhưng sau cuộc cưỡng chiếm vào mấy năm
trước thì chỉ còn lại khoảng 1000 thước vuông, và bây giờ thì cũng bị
tước đoạt luôn.
Hoàng Ân: Trong báo cáo mới nhất về tình hình nhân
quyền trên thế giới, bộ ngoại giao Mỹ đã nêu ra hàng loạt các vụ đàn áp
nhân quyền tại Việt Nam. Xin anh nói rõ hơn về việc này?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Được biết bản báo cáo nhấn mạnh rằng, bạo quyền Việt Nam tiếp tục hạn
chế gắt gao các quyền tự do của công dân, điển hình như quyền tự do bầu
cử, ứng cử, thành lập hội đoàn hay công đoàn, và đặc biệt là quyền tự
do ngôn luận. Bộ ngoại giao Mỹ cũng dẫn chứng về hàng loạt các vụ đàn áp
và bỏ tù những người bất đồng chính kiến trong năm 2015, và các vụ hành
hung đánh đập những người đấu tranh cho nhân quyền và xã hội dân sự.
Điểm tích cực duy nhất của Việt Nam mà báo cáo Nhân quyền 2015 nêu
lên là trong năm qua, Hà Nội đã tái xét một số vụ án oan ức và truy tố
những kẻ liên quan.
Hoàng Ân: Trong một diễn biến khác, vào hôm thứ 2
vừa qua, gần 1 ngàn công nhân ở Hải Phòng đã mở cuộc đình công để đòi
quyền thành lập nghiệp đoàn nhằm tranh đấu cho quyền lợi của mình. Anh
vui lòng nhắc lại sự kiện này?
Trường An: Theo tôi được biết, cuộc đình công diễn
ra ở công ty Bluecom Vina của Nam Hàn, sản xuất phụ tùng điện tử trong
khu công nghiệp Tràng Duệ ở thành phố Hải Phòng. Theo giải thích của
công nhân thì giới chủ nhân Nam Hàn đã bóc lột sức lao động quá mức,
buộc công nhân phải làm nhiều giờ và không cho nghỉ ngày cuối tuần.
Sau nửa ngày đình công, giới chủ nhân hứa hẹn cho phép thành lập công
đoàn tại cơ xưởng, cũng như điều chỉnh giờ làm việc, tăng phụ cấp đi
lại nhưng cương quyết không đồng ý việc mỗi tháng được nghỉ hai ngày thứ
Bảy. Chính vì thế giới công nhân vẫn tiếp tục đình công.
Hoàng Ân: Theo như báo chí lề đảng VN loan tin thì
mỗi ngày ở tại VN có hàng trăm người bị chết vì ung thư. Anh có ghi nhận
như thế nào về việc này?
Trường An: Theo tôi được biết, phát biểu trong buổi
hội thảo về ung thư vào hôm thứ 4 vừa qua. Thứ trưởng Y tế Việt Nam Phạm
Lê Tuấn báo cáo là mỗi ngày có 205 người chết vì các chứng bệnh ung thư
tại Việt Nam.
Ông Tuấn cho biết thêm là con số người bị ung thư đều gia tăng trong
mấy năm qua, với chứng ung thư thực quản gia tăng nhanh nhất, từ tỷ lệ
cứ 4 người cho mỗi 100 ngàn dân vào năm 2000, đã lên đến 10 người vào
năm 2010. Đồng thời có 6 loại ung thư phổ biến tại Việt Nam là ung thư
vú, gan, đại tràng, miệng và dạ dày.
Các chuyên gia tham dự buổi hội thảo đều nhận định rằng, việc phòng
ngừa và chữa trị ung thư tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu
chuyên môn trong giới y sĩ và thiếu thốn phương tiện kỹ thuật.
Hoàng Ân: Nay chuyển qua lĩnh vực kinh tế, Viện
Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam vừa công bố một báo cáo là hơn
7 tỷ Mỹ kim của VN đã bị tuồn ra nước ngoài. Theo anh thì con số mà bộ
này đưa ra đó có đúng không?
Trường An: Dạ vâng!
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam vừa công bố một báo
cáo cho thấy lượng tiền chuyển ra hải ngoại đã gia tăng đột biến vào
cuối năm ngoái, lên đến 7 tỷ 300 trăm triệu Mỹ kim, ngay sau khi Trung
Cộng phá giá đồng Hoa tệ vào tháng 8.
Cũng theo báo cáo thì ngân sách nhà nước Việt Nam tiếp tục thâm thủng
lớn, với tỷ lệ hơn 6% so với con số 5% mà quốc hội ấn định. Và hơn 25%
ngân sách hiện nay là dùng vào việc thanh toán các khoản nợ đáo hạn và
và trà tiền lời.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới vừa đưa ra dự báo là nợ công của
Việt Nam sẽ gia tăng lên mức 64% vào năm nay và sẽ đạt mức giới hạn 65%
mà quốc hội Việt Nam ấn định trong hai năm tới. Theo thống kê của nhà
nước Việt Nam thì tổng nợ công vào năm ngoái là 120 tỷ Mỹ kim, tức mỗi
người dân Việt, già trẻ lớn bé, đang gánh một khoản nợ là 1300 Mỹ kim.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, con số 1300 Mỹ kim mỗi đầu
người là quá cao, vì cách đây 6 tháng, con số này chỉ vào khoảng 1000 Mỹ
kim. Có nghĩa là trong 6 tháng qua, nhà nước Việt Nam đã đi vay mượn
quá nhiều để bù đắp vào sự thâm thủng trong ngân sách.
Hoàng Ân: Cám ơn PV Trường An đã chia sẻ các tin tức
và nhận xét để gửi đến thính giả của Đài ĐLSN. Kính chào tạm biệt và
hẹn gặp lại anh và quý thính giả trong chương trình tuần tới.
No comments:
Post a Comment