Thứ Tư, 20.04.2016
Thưa quý thính giả, tấm lòng của người làm cha, làm mẹ luôn bao la, luôn lo lắng cho sự an nguy của con cái. Nhưng, Luật sư Lê Văn Luân một lần nữa đã trấn an mẹ và khẳng định rõ đường đi của mình. Anh luôn quyết tâm bảo vệ công lý trong vai trò luật sư. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình hôm nay, mời quý thính giả cùng theo dõi bài viết "Tâm Sự Với Mẹ" được trích từ Facebook Luật sư Lê Văn Luân, qua giọng đọc của Minh Nguyệt để tiếp nối chương trình tối nay.
Sáng nay, sau một giấc ngủ ngắn và đầy trằn trọc, tôi dậy sớm, nhìn Mẹ, nhìn sự âu lo ấy, tôi lại thấy buồn bã và nặng nề.
Đêm qua, tôi về muộn, đã thấy như vậy rồi. Tôi hiểu điều gì và thứ gì đang nằm trong đầu và sau ánh mắt phiền muộn ấy của bà.
Sáng dậy, tôi nói với Mẹ, bằng một suy nghĩ của một đứa con, nhưng là
của một người đàn ông từng trải và độc lập, về những suy nghĩ của bà,
về tôi.
Tôi có hơi gay gắt, nhưng đủ để bà hiểu rằng, dù ở hoàn cảnh nào, với
bất cứ điều gì xảy ra, Mẹ hãy cứ luôn tự hào về đứa con của Mẹ.
Mẹ nói: thôi con ạ, đừng nói, đừng viết, đừng làm những điều con đang
làm nữa. Con kiếm tiền và làm việc chăm chỉ là được. Như người ta cũng
làm mà có như con đâu.
Tôi nhìn Mẹ với ánh mắt thẳng tắp mà nói: con của Mẹ, chỉ có lòng
chính trực, một chút tử tế để sống và cống hiến. Con cũng muốn kiếm
tiền, một cách bình thường nhất. Nhưng con làm nghề này, làm công việc
của pháp luật và bảo vệ công lý, con không thể nhìn những lời biện hộ
của mình, bằng luật pháp, bằng sự khách quan và đầy công tâm trở nên vô
nghĩa. Người ta cũng làm, cũng sống, nhưng thưa Mẹ, con không thể nghĩ
mình sẽ cầm tiền chạy án, mình sẽ bảo họ phải lách việc này, việc kia,
dối trá để thoát tội, hoặc cũng không thể bất lực trước sự buộc tội mà
không có căn cứ.
Tôi lại nói tiếp: Mẹ sinh ra con, cho con cuộc sống và hình hài,
nhưng con có cuộc sống, sự lựa chọn và cách làm của mình, nhưng dù thế
nào, con vẫn là con Mẹ, vẫn luôn ngẩng cao đầu để sống, để Mẹ tự hào về
điều đó. Không ai phải lo cho con cả. Con biết Mẹ sợ hãi và lo lắng
nhiều thứ. Nhưng con vốn đã không bao giờ có sự sợ hãi hay nếu có, con
đã ném nó vào sọt rác từ lâu rồi, từ khi không còn ăn đòn roi của Cha
nữa.
Nếu sống như những gì xã hội này đang diễn ra, con không làm được.
Rồi mai này con sẽ dạy con cái con thế nào, lại luồn cúi, lại phong bì
thày cô giáo, lại chạy chọt xin việc khi ra trường, dù có tài mấy cũng
không thể ngóc đầu lên được, nếu không làm vậy hay sao? Con có thể kiếm
tiền, nhưng cũng không thể làm ngơ trước những bất công, vì con là người
làm về nó, hiểu nó và con không thể chấp nhận nó. Bà cần ra nước ngoài
sống một vài năm để hiểu thực sự đất nước và con người họ đang được
hưởng những gì, thì Mẹ sẽ không còn suy nghĩ nào như hôm nay nữa.
Mẹ đừng dạy con hay nhắc con về những thứ mà Mẹ không hiểu, không
biết trong lòng xã hội này nó đang diễn ra như thế nào. Con cũng có thể
cầm tiền chạy án, nhưng con cũng có thể đi tù vì làm điều đó, và con
cũng không thể làm trái với suy nghĩ, tư duy và nhân cách của chính
mình.
Tôi xách cặp rồi đi ra cửa đi làm như mọi ngày.
Mẹ!
Mẹ có biết, khi con còn đang là cậu sinh viên học Đại học Bách khoa
Hà Nội, con đã từng ao ước và mong muốn sẽ trở thành một nhà toán học,
hoặc chí ít là một lập trình viết phần mềm cự phách. Và lúc đó, Mẹ đi
xem bói, về nói với con rằng, con sau này sẽ rất giỏi về luật và chính
trị. Con không tin và còn cười nhạo phủ nhận bởi thực tại lúc ấy không
nói lên hay thể hiện chút gì về điều đó cả.
Nhưng giờ, con biết, con tin vào một chút gì đó gọi là số phận, là
Chúa đã sắp đặt cũng như lựa chọn cho mỗi người một vị trí, hay nói to
tát hơn, là sứ mệnh nào đó.
Con biết, nỗi sợ của Mẹ, cũng như những người khác trong xã hội này
hôm nay. Nhưng con không làm khác được, vì những suy nghĩ phải tiếp tục
chung sống với những lề thói xấu xa, những tiêu cực, tha hóa, con không
thể chấp nhận được mình là người ngoài cuộc và lại cuốn theo nó. Con
làm, bằng tình yêu, bằng trách nhiệm, của một con người, vô điều kiện,
dù trường lớp hay cách giáo dục họ đang khiến những con người phải khòm
lưng dung dưỡng hay nhắm mắt thờ ơ với những giá trị ấy.
Vì nếu ngược lại, sau này, con sẽ mở miệng dạy con cái con thế nào về
nhân cách? Về giá trị làm người? Về sự công bằng? Về tình yêu quê
hương, đồng loại? Khi sinh ra nó?
Ai sẽ dạy chúng, vì nếu hôm nay không cố gắng thay đổi để tạo ra cơ
hội sống đàng hoàng cho chúng, thì con cũng sẽ không có tư cách để dạy
chúng làm người. Con không thể làm người không ra gì mà lại thuyết giáo
bắt chúng phải tốt đẹp. Chẳng lẽ, con chở đứa bé đằng sau mà con không
đội mũ bảo hiểm và vô tư vượt đèn đỏ nhưng rồi lại dạy bảo chúng không
được làm thế? Chẳng lẽ con cầm phong bì và đến nhà cô giáo xin xỏ cho nó
qua môn hay được điểm cao, thì sau này con dạy nó phải làm ngược lại,
không làm như vậy ra sao?
Con không sống đúng đắn hay không có những chuẩn mực làm người, thì
con cũng sẽ không có giá trị nào để mà dạy dỗ những đứa con của mình.
Chẳng lẽ, sống tử tế và hành động tử tế nó lại trở thành một nỗi sợ hãi trong suy nghĩ và con mắt mọi người đến thế sao?
Mẹ, Cha, hãy cứ sống bình thường, vui vẻ và đàng hoàng, con làm điều
tốt, làm việc góp ích cho xã hội, thì Bố, Mẹ phải luôn tự hào vì điều
đó, dù có xảy ra điều gì đi chăng nữa, chứ sao lại phải e dè, lo lắng,
phiền muộn?
Vì, phải va chạm đi, để biết họ đối xử với mình như thế nào, bằng
cách gì và cũng là để hiểu rằng, làm người tử tế nó thực sự khó đến
dường bao.
Họ làm gì, kệ họ, đừng bận tâm, làm Cha, Mẹ con, và tôn trọng con,
việc con làm và những lựa chọn của con. Chẳng thể nào đánh gục được con,
vì 31 năm qua bao nhiêu khổ cực, nghiệt ngã và cả đau đớn đã quất vào
con mà con vẫn lỳ lợm đi đến hôm nay. Nên Mẹ đừng lo, chỉ ngoại trừ khi
con cũng xấu xí và làm điều vi phạm pháp luật hay trái lương tâm của
mình.
Con cứ sống đàng hoàng, con nghĩ, là đồng loại, ai cũng có trái tim
và sự tỉnh thức, nên họ sẽ suy nghĩ và chắc cũng chẳng bao giờ làm điều
tồi tệ với những người tử tế và một tâm hồn tự do đâu.
Và, những gì càng tấn công mà không quật ngã được con, thì chắc chắn chỉ làm con cứng rắn và mạnh mẽ hơn mà thôi.
Con trai,
Của Bố và Mẹ!
FB LS Lê Văn Luân
No comments:
Post a Comment