Thứ Hai, 25.04.2016
CÁ CHẾT HÀNG LOẠT LÀ DO CÔNG TY FORMOSA XẢ CHẤT ĐỘC RA BIỂN
Báo Tuổi Trẻ trích dẫn nguồn tin từ Tổng cục Môi trường VN cho biết
là tập đoàn Formosa ở Vũng Áng đã xử dụng chất kịch độc để súc rửa đường
ống và thải ra biển, dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt ở ven biển 4
tỉnh miền trung.
Nguồn tin trên cũng khẳng định là tập đoàn Formosa đã không thông báo
cho giới hữu trách VN khi xử dụng hóa chất cực mạnh để súc rửa đường
ống. Tuy nhiên khi bị các phóng viên chất vấn thì tập đoàn này giải
thích là họ không biết về qui định nói trên.
Cũng theo tờ Tuổi Trẻ, trích dẫn lời Thứ trưởng bộ tài nguyên môi
trường Võ Tuấn Nhân, thì vào năm 2014, tập đoàn Đài Loan đã làm đơn xin
xây dựng đường ống xả nước làm nguội đường ống ra vịnh Sơn Dương. Đường
ống này có đường kính 1 thước 2 và tổng chiều dài là 1 cây số 3, ở độ
sâu 12 thước dưới mặt nước biển. Bộ tài nguyên môi trường VN đã chấp
thuận dự án này với điều kiện là nước thải phải trải qua quá trình thanh
lọc trước khi xả ra biển.
Trong khi đó thì phó thủ tướng VN, Trịnh Đình Dũng, vào hôm qua kêu
gọi giới chuyên viên quốc tế trợ giúp điều tra nguyên nhân dẫn đến hiện
tượng cá chết hàng loạt suốt mấy tuần qua, thuộc các vùng duyên hải dài
đến mấy trăm cây số của bốn tỉnh miền trung từ Hà Tĩnh cho đến Thừa
Thiên – Huế.
DÂN HÀ NỘI TẨY CHAY HẢI SẢN VÌ HIỆN TƯỢNG CÁ CHẾT HÀNG LOẠT Ở MIỀN TRUNG
Giới buôn bán hải sản ở Hà Nội đang điêu đứng vì tin tức cá chết hàng
loạt ở miền trung, khiến người dân Hà Nội tẩy chay các hải sản vì sợ
chúng bị nhiễm độc.
Nhiều chủ vựa hải sản ở các ngôi chợ lớn đã tạm thời đóng cửa, một số
vựa nhỏ thì chuyển sang rao bán các loài cá nước ngọt hay các loại cá
sinh sống rất xa bờ biển như cá ngừ, cá thu. Một tiểu thương tại chợ
Nghĩa Tân cho biết là tin tức về hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền
trung đang gây tác hại rất lớn đến việc mua bán hải sản, bất chấp là
giới tiểu thương cam kết các hải sản này đến từ các tỉnh miền bắc như
Quảng Ninh, Hải Phòng hay Thái Bình. Không chỉ có các loại cá, mà ngay
cả tôm cua, nghêu sò ốc hến cũng không ai dám mua.
TỆ NẠN CƯỜNG HÀO ÁC BÁ ĐANG LỘNG HÀNH Ở MIỀN QUÊ.
Tệ nạn cường hào ác bá càng ngày càng lộng hành ở mức báo động tại
các vùng thôn quê với hai vụ cưỡng đoạt đất đai của dân vừa diễn ra tại
Đắc Lắc và Hải Dương.
Trong vụ đầu tiên, khi cục thi hành án chưa làm thủ tục theo phán
quyết của tòa thì phó chủ tịch xã Ea Tân, thuộc huyện Krông Năng tỉnh
Đắc Lắc, đã tự động ký lệnh cưỡng chế đất đai của một gia đình. Theo
lệnh của tay phó chủ tịch xã Phan Văn Trong thì gia đình ông Hoàng Văn
Bộ có thời gian là năm ngày phải hoàn trả khu đất cho ông Bùi Văn Bông
nếu không thì sẽ bị công an kéo đến cưỡng chế.
Trong khi đó thì tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, vào cuối tuần
qua một nhóm côn đồ đã kéo đến đập phá nhà cửa và vơ vét tài sản của một
số gia đình trong khu đất mà nhà cầm quyền huyện này muốn lấy để giao
cho công ty xi măng Hoàng Thạch khai thác đá vôi. Trong khi người dân
vẫn đang ngả giá về số tiền bồi thường cho việc di dời thì xảy ra vụ đập
phá nói trên. Theo lời kể của người dân thì ba ngày trước đó, một nhóm
máy xúc và máy ủi kéo đến khu đất này nhưng bị người dân ngăn chận,
khiến họ phải rút lui.
LÀO, CAMPUCHIA VÀ BRUNEI ỦNG HỘ DÃ TÂM ĐỘC CHIẾM BIỂN ĐÔNG CỦA TRUNG CỘNG
Ngoại trưởng Trung Cộng, ông Vương Nghị, vào hôm qua hí hửng tuyên bố
là ba nước Lào, Campuchia và Brunei đã đồng ý là vấn đề Biển Đông không
liên quan gì đến khối ASEAN vì thế không muốn vấn đề này gây ảnh hưởng
đến mối quan hệ giữa Trung Cộng và khối ASEAN.
Thông cáo báo chí của bộ ngoại giao cho rằng đó là một đồng thuận
quan trọng của ba nước Lào, Campuchia và Brunei trong chuyến công du của
họ Vương. Thông cáo cũng nói thêm là 3 nước nói trên cũng ủng hộ lập
trường đối thoại song phương giữa Trung Cộng và các quốc gia đang tranh
chấp về chủ quyền Biển Đông, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác không
nên nhúng tay vào các tranh chấp này.
Theo giới quan sát viên quốc tế thì việc Campuchia ủng hộ Trung Cộng
không có gì đáng ngạc nhiên vì lâu nay nhà cầm quyền Hun Sen vẫn luôn
ủng hộ lập trường Trung Cộng về Biển Đông, thậm chí là Campuchia còn bác
bỏ vấn đề Biển Đông trong nghị sự khi làm chủ tịch luân phiên khối này
vào năm 2012.
No comments:
Post a Comment