Thứ Hai, 11.04.2016
Thái độ vô trách nhiệm của những cơ quan có nhiệm vụ báo động cho quốc dân biết về những tai họa có thể xảy ra cho quốc gia là không thể chấp nhận và tha thứ được. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: "Khi chúng ta bị muôn trùng vây" của NS Tuấn Khanh sẽ được Quê Hương trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Một người bạn kể lại rằng sự hoang mang của người dân đồng bằng sông
Cửu Long (ĐBSCL) về nạn khô hạn và ngập mặn ngày càng nhiều.
Tại Sóc Trăng, người dân ở đây kể rằng nhiều gia đình đã tìm cách bán
đất đai – dĩ nhiên là với giá rẻ rúng – để dời đi, tìm một nơi khác để
sống sót cho qua tai ương ngay tại quê nhà của mình.
Không chỉ là người làm ruộng mới khổ sở, những người nuôi cá tại Trà
Vinh đang vớt lên hàng loạt những con cá lóc bị ghẻ lở và chảy máu toàn
thân do ao hồ bị ngập mặn. Các loại thuỷ sản nước ngọt đang giãy giụa
tuyệt vọng trong sự kinh hoàng bất lực của nông dân.
Trên những chuyến đò, trên các chuyến xe liên tỉnh... Người ta đang
râm ran nói về nơi mình đến – miền lục tỉnh bao la sông nước – nhưng giờ
thì đang chết dần. Những vùng đất dồi dào sản vật của miền Nam có thể
sẽ chỉ là chuyện kể như trong cổ tich.
Rõ là một quốc gia đang bị bao vây. Và bao vây một cách êm đềm vì
người ta không nghe tiếng kêu cứu hay phản đối đúng mức cho sự sinh tồn
của dân tộc mình.
Sự kiện ngập mặn hôm nay của ĐBSCL chỉ là hiện tượng tái diễn của năm
2015, nhưng lần này mức độ khốc liệt hơn ảnh hưởng đến hàng triệu
người. Thế nhưng, chính Uỷ ban Sông Mekong Việt Nam cũng "bao vây" người
dân mình bằng những tin tức hết sức mù mờ và chủ quan về tác hại của
đập thuỷ điện Trung cộng.
Uỷ ban này được lập ra bằng tiền thuế của người Việt Nam, để phối hợp
cùng ba nước khác, thuộc dòng hạ lưu sông Mekong là Lào, Thái Lan,
Campuchia... để đối phó, báo động khi tình hình có thể ảnh hưởng đến
quốc gia.
Uỷ ban Sông Mekong Việt Nam thiếu khả năng, thiếu thông tin hay vô
trách nhiệm với đất nước của mình? Không phải hôm nay chuyện ngập mặn,
khô hạn mới được biết tới. Từ năm 2011, tức năm năm trước, thế giới đã
liên tục có những tin tức báo động và kêu gọi Việt Nam hãy cẩn trọng về
các dự án trên sông Mekong, bao gồm của Lào, Thái Lan, đặc biệt là các
dự án trên thượng lưu, vùng Vân Nam của Trung cộng. Lạ lùng nhất, ở vị
trí của mình, uỷ ban ấy lại rất điềm nhiên, thậm chí còn ra báo cáo,
khẳng định vào tháng 10/2015: rằng những tác động từ đập của Trung cộng
là "tương đối nhỏ".
Từ tháng 11/2011, trên tờ Deutsche Welle (DW) đã có một bài bình luận
" Mekong dams threaten food and security: Các đập trên sông Mekong đe
dọa đến thực phẩm và an ninh", nhắc rằng lưu vực sông khổng lồ này, với
sự đa dạng sinh học chỉ đứng sau sông Amazon, đang bị đe doạ một cách
đáng sợ. Việc làm khô hạn hay hạn chế dòng chảy của sông Mekong có thể
làm ảnh hưởng đến lượng đánh bắt hàng năm, vào khoảng 15 triệu tấn (giá
trị hàng tỷ USD) và làm cằn cỗi đời sống hai bên bờ. Cơ quan WWF của
Liên hiệp quốc dự báo đến năm 2025, sẽ có 90 triệu người sống quanh đôi
bờ sông này, trong đó 50% là sinh tồn bằng thiên nhiên. Việc kiểm soát
dòng chảy sẽ là nguyên nhân quan trọng dẫn đến đói nghèo và hỗn loạn.
Tháng 11/2015, tức chỉ mới đây, tờ Straits Times cũng kêu gọi sự lưu
tâm của các nước qua sự phân tích trên thực tế, của cây viết chuyên về
vùng Đông Dương Nirmal Ghosh, rằng tác động của các đập thuỷ điện đối
với Việt Nam là hết sức nghiêm trọng. Độ nhiễm mặn sẽ tràn vào đất liền
là vùng ĐBSCL đe doạ nhiều vùng trồng lúa. Và rồi một phần bờ biển dài
600 km phía Nam Việt Nam bị mất dần, với tốc độ 4 – 12 m một năm.
Rõ ràng là cả thế giới đều biết, đều cùng chung sức tìm hiểu và nhắc
nhở, nhưng chỉ có người dân, kẻ chịu nạn sớm và nhọc nhằn nhất, thì lại
là người biết sau cùng. Họ đã bị bao vây khỏi sự hiểu biết vì lẽ gì?
Những câu chuyện như vậy, nhắc chúng ta nhớ lại những ngày Quốc hội
Việt Nam được nhìn thấy với những đại biểu ngủ ngon trong nghị trường.
Những đại biểu khác thì chơi game và nhiều lần Quốc hội tuyên bố về sớm
vì không có gì để bàn. Những người đại diện của nhân dân, cũng bao vây
hiện tình đất nước của mình với nhân dân bằng sự rảnh rỗi và nhẹ nhàng.
Nó cũng nhắc chúng ta nhớ, suy nghĩ và sự minh bạch rộng rãi và cần
thiết cho cuộc chiến 1979, cho Gạc Ma 1988, hay cho cuộc chiến mất đảo
Hoàng Sa 1974, là điều quan trọng để người Việt thoát khỏi những vòng
vây nhạt nhoà về lịch sử của chính mình. Trong những vòng vây ấy, có
những người dân cuống cuồng tự tìm một con đường sống sót cho mình,
không muốn nghe những lời êm dịu và trấn an vô nghĩa như của uỷ ban Sông
Mekong Việt Nam. Có những người im lặng và cay đắng vì mình đã tin
tưởng hết lòng. Trong những câu chuyện kể về Lý Sơn, người ta nói đã
không còn nhìn thấy ông Mai Phụng Lưu – con sói biển vẫn luồn qua các
con tàu của Trung cộng ở gần Hoàng Sa. Có lẽ cũng đến lúc ông Lưu muốn
lùi lại, giữ cho mình không là một biểu tượng quá rõ ràng về can đảm và
liều lĩnh cho tổ quốc, trong khi các ông nghị vẫn gọi những tàu tấn công
vào ngư dân Việt Nam là "tàu lạ" hoặc mới mẻ và dè dặt hơn "được mô tả
là tàu Trung Quốc".
Không chỉ có những hiểm nguy bên ngoài đang bao vây đất nước. Mà ngay
cả những ngôn luận mập mờ, sự vô trách nhiệm không bị truy xét, quan
trọng hơn hết là những kẻ sành sỏi việc thụ hưởng quyền lợi cá nhân
nhưng vô trách nhiệm với tổ quốc và dân tộc, cũng là một loại trùng vây
ngày đêm, đáng ghê sợ lúc này.
Và những kẻ bao vây, làm trì trệ sự hiểu biết, nhận thức và tinh thần
của người dân Việt Nam, có phải là những người đáng bị xét là đang
chống lại chính đất nước mình?
Tuấn Khanh
No comments:
Post a Comment