VIỆT NAM YÊU CẦU TRUNG CỘNG RÚT GIÀN KHOAN RA KHỎI VỊNH BẮC BỘ
Bộ ngoại giao VIỆT NAM vào hôm qua lên tiếng yêu cầu Trung Cộng phải
rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vịnh Bắc Bộ để tránh gây thêm căng
thẳng giữa hai nước.
Báo chí lề đảng cho biết thêm là VIỆT NAM cũng trao công hàm phản đối
cho đại sứ Trung Cộng tại Hà Nội. Trong cuộc họp báo vào hôm qua, phát
ngôn nhân Lê Hải Bình tuyên bố là "VIỆT NAM kiên quyết phản đối và yêu
cầu Trung Cộng phải hủy bỏ kế hoạch khoan giếng dầu, rút ngay giàn khoan
Hải Dương 981 ra khỏi vịnh Bắc bộ và không có thêm các hành động đơn
phương làm phức tạp thêm tình hình".
Theo giới quan sát viên, tuyên bố nói trên diễn ra sau khi tân thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng hứa hẹn là sẽ quyết tâm bảo vệ chủ
quyền đất nước.
Cần nhắc lại là hai năm trước đây, Trung Cộng cũng đưa giàn khoan Hải
Dương vào thềm lục địa VIỆT NAM, dẫn đến các vụ bạo loạn chống Tàu ở
nhiều tỉnh thành tại VIỆT NAM.
HÀ NỘI HỦY BỎ HỢP ĐỒNG DỰ ÁN SÔNG ĐÀ 2 CỦA NHÀ THẦU TRUNG CỘNG
Tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào hôm qua đã chấp thuận đề nghị hủy
bỏ hợp đồng ký kết với nhà thầu Trung Cộng về dự án đường ống dẫn nước
Sông Đà 2.
Cần biết là trước sự phản đối mạnh mẽ của dư luận, nhà cầm quyền
thành phố Hà Nội đã đề nghị ngưng mua loại ống nước do Trung Cộng sản
xuất. Lý do chính yếu là đường ống dẫn nước Sông Đà 1 cũng mua vật liệu
từ Trung Cộng, và trong 6 năm hoạt động đã bị nứt bể đến 17 lần, khiến
hàng chục ngàn dân ở Hà Nội không có nước sạch để sinh hoạt.
Để giải quyết sai lầm nói trên, nhà cầm quyền Hà Nội xúc tiến dự án
Sông Đà 2, và công ty Tân Hưng của Trung Cộng đã trúng thầu khi ra giá
thấp hơn các đối thủ đến 10%.
Trong chỉ thị đưa ra vào hôm qua, ông Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngưng
ký hợp đồng với Tân Hưng về việc cung cấp các ống gang dẻo, đồng thời
thẩm định và chọn lựa nhà thầu khác.
VIỆT NAM SIẾT CHẶT VIỆC XUẤT CẢNG LAO ĐỘNG SANG NHẬT
Trước sự than phiền của Nhật về làn sóng bỏ trốn của công nhân Việt,
bộ lao động VIỆT NAM đã quyết định đình chỉ việc xuất cảng lao động của
một số văn phòng tuyển mộ có tỷ lệ công nhân bỏ trốn ở Nhật quá cao.
Theo quyết định nói trên thì các công ty nào có tỷ lệ công nhân bỏ
trốn cao hơn 5% sẽ bị ngưng giấy phép hoạt động, và các công ty còn lại
phải có biện pháp ngăn chận tình trạng này.
Cần biết là tại VN hiện có 73 công ty tuyển mộ công nhân xuất cảng
sang Nhật, và tính đến đầu tháng 4 này đã có hơn 100 ngàn người Việt
được đưa sang Nhật làm việc trong mấy năm qua.
Trong khi đó thì báo chí lề đảng cho biết là Hà Nội vừa ký một thỏa ước về việc xuất cảng công nhân sang Úc làm việc.
TỆ NẠN THAM NHŨNG KHIẾN VIỆT NAM BỊ XẾP HẠNG THẤP VỀ MÔI TRƯỜNG KINH DOANH
Tệ nạn tham nhũng và vòi tiền hối lộ đã khiến cho VIỆT NAM bị xếp
hạng thấp nhất về môi trường kinh doanh trong khối ASEAN, và không khá
hơn các nước Lào, Campuchia và Miến Điện.
Phát biểu tại cuộc hội thảo kinh tế ở Sài Gòn vào hôm thứ Tư, một
quan chức thuộc phòng công nghiệp và thương mại VIỆT NAM tuyên bố là
VIỆT NAM tiếp tục nằm trong nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh
thấp nhất khu vực ASEAN. Theo quan chức này thì các công ty luôn than
phiền về tệ nạn tham nhũng, đòi tiền hối lộ và các lệ phí nằm ngoài sổ
sách. Và nếu không diệt trừ được các tệ nạn này thì môi trường kinh
doanh của VIỆT NAM sẽ tiếp tục đi xuống, và thua cả ba nước Lào –
Campuchia – Miến.
INDONESIA GIA TĂNG LỰC LƯỢNG ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI TRUNG CỘNG
Chính phủ Indonesia đã quyết định tăng cường lực lượng quân sự ở quần
đảo Natuna sau khi bị hải quân Trung Cộng công khai khiêu khích. Theo
kế hoạch này thì quân đội Nam Dương sẽ bố trí các hệ thống phòng không
tối tân nhất trên quần đảo Natuna sát Biển Đông để đối phó với sự hung
hăng của Trung Cộng.
Theo một nguồn tin thì trong cuộc họp của hội đồng an ninh quốc gia,
chính phủ Nam Dương quyết định điều động 4 đơn vị đặc nhiệm đến đảo
Pulau Natuna Besar, tức hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Natuna. Đây là
các đơn vị được trang bị các giàn cao xạ Oerlikon Skyshield 35 ly, có
thể bắn 1000 phát đạn mỗi phút. Ngoài ra hội đồng an ninh quốc gia Nam
Dương cũng đề nghị chi thêm ngân sách để xây dựng một căn cứ có thể đồn
trú các chiến đấu cơ và 2 ngàn quân thường trực tại quần đảo Natuna.
Cần nói thêm, quần đảo Natuna gồm có 270 hòn đảo, nằm giữa bán đảo Mã
Lai và Borneo, thuộc chủ quyền của Nam Dương nhưng bây giờ thì một số
hòn đảo lại nằm trong "đường lưỡi bò" mà Trung Cộng vẽ ra.
QUỐC HỘI MÃ LAI TIẾP TỤC ĐIỀU TRA VỤ TAI TIẾNG CỦA THỦ TƯỚNG
Sau nhiều tháng điều tra, một ủy ban thuộc quốc hội Mã Lai tuyên bố
là Ngân hàng Phát triển Mã Lai, do thủ tướng Najib Razak thành lập, đã
bị thất thoát gần 4 tỷ Mỹ kim mà không hiểu tại sao. Ủy ban này đưa ra
yâu thẩm vấn hai vị chủ tịch và tổng giám đốc ngân hàng này, nhưng không
đề cạp gì đến nhân vật chính là Thủ tướng Razak.
Theo hồ sơ dày 106 trang của ủy ban kiểm toán quốc hội Mã Lai thì gần
4 tỷ Mỹ kim của Ngân hàng Phát triển đã biến mất một cách bí ẩn, và các
chính phủ Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Singapore và Hồng Kông đang phối hợp điều
tra theo đề nghị của Mã Lai.
Cần nhắc lại là vụ tai tiếng về thụt két công quỹ nổ ra vào năm 2015,
với cáo buộc là Thủ tướng Razak đã bỏ túi cả tỷ Mỹ kim. Tuy nhiên một
cuộc điều tra sau đó nói rằng, số tiền 681 triệu Mỹ kim trong trương mục
cá nhân của ông Razak là do một tiểu vương Ả Rập hiến tặng.
No comments:
Post a Comment