Thứ Ba, 26.04.2016
Giáo dục Việt Nam quá thối nát? Bạn thực sự nghĩ nền giáo dục hiện tại đang suy tàn như vậy sao? Tôi không nghĩ nền giáo dục Việt Nam đang xuống cấp như nhiều người vẫn nói. Hôm nay, tôi muốn cùng bạn nghiêm túc truy xét tận cùng nền giáo dục Việt Nam để khẳng định lại giá trị thật sự của nền giáo dục ấy và tìm ra một giải pháp thích hợp cho nền giáo dục nước nhà.
Thực trạng nền giáo dục Việt Nam
Bạn là người quan tâm đến xã hội, đặc biệt đến giáo dục chắc chắn sẽ
đồng ý với ý kiến của nhiều người hiện nay về thực trạng giáo dục Việt
Nam: thối nát, lạc hậu, giáo điều. Tôi lại không nghĩ nền giáo dục Việt
Nam tiêu cực đến mức vậy, ngược lại nó đang rất thành công, rất linh
hoạt và hoàn thành tốt trách nhiệm của nó.
Những hình ảnh các cô cậu trong chiếc áo học trò đánh hội đồng bạn
học, những câu chuyện suy đồi đạo đức của một bộ phận không nhỏ các giáo
viên, những kết quả bết bát khi so sánh với các nền giáo dục nước ngoài
và cuối cùng là khả năng cạnh tranh kém cỏi của sinh viên Việt Nam so
với thế giới đã khiến chúng ta đi đến những kết luận đầy tính tiêu cực
trên. Có lẽ chúng ta quá nóng vội khi đưa ra những khẳng định trên về
nền giáo dục Việt Nam mà bỏ sót một điều quan trọng bậc nhất trong nền
giáo dục Việt Nam.
Giáo dục là phương tiện của chính trị.
Khi chúng ta nhìn thấy thế giới ngoài kia đang phát triển từng giờ,
văn minh từng ngày, giàu có từng năm chúng ta hốt hoảng khi nhìn lại quê
hương. Thời gian càng tới Việt Nam càng lùi, càng lùi so với đà phát
triển của thế giới và chúng ta la lên rằng: giáo dục Việt Nam thối nát
lắm rồi. Bạn ơi, bạn sai rồi. Giáo dục Việt Nam không hề thối nát như
bạn nghĩ, mà thực ra nó đã hoàn thành tốt mục đích ban đầu của nó: Giáo
dục là phương tiện cho chính trị.
Tôi rất nghiêm trang để nói với bạn điều đó, chúng ta sai rồi, chúng
ta đã chỉ trích sai hệ thống giáo dục con người xã hội chủ nghĩa rồi.
Bạn nhìn cho rõ, suy cho tận bạn sẽ thấy nền giáo dục này quá thành
công, quá tuyệt vời, quá sức tưởng tượng để có thể nói thành lời.
Nó thành công khi hoàn thành tốt một phương tiện để duy trì nền chính
trị độc đảng. Nó quá tuyệt vời khi đã tạo ra những thần dân hơn là công
dân. Chúng ta đã sai khi nghĩ rằng giáo dục phải là giáo dục, con người
phải được giải phóng. Giải phóng khỏi các giáo điều cũ kỹ, giải phóng
khỏi sự cuồng tín, giải phóng khỏi sự man rợ, vô cảm, vô trách nhiệm, để
thay vào đó là tạo ra những công dân tự do về ý chí, độc lập về nhận
thức, có tinh thần trách nhiệm, liên đới với xã hội vân vân....
Chúng ta lấy khuôn mẫu của Mỹ, Phương Tây, Nhật Bản rồi đối chiếu với
kết quả của giáo dục Việt Nam và đi đến những nhận xét hoàn toàn thiếu
thực tế. Ở nước ngoài người ta không chấp nhận biến giáo dục làm phương
tiện cai trị, nên người ta mới có những kẻ thích phản kháng và nổi loạn
như vậy. Ở Việt Nam, chúng ta chấp nhận để giáo dục làm phương tiện cho
chính trị, nên con em chúng ta mới trở nên ngu muội và trơ lì như thế.
Thử hỏi giáo dục mà như là một công cụ cho quyền lực chính trị như vậy,
thì làm sao đòi hỏi kết quả khác đi được. Bởi thế, tôi và các bạn đã
hoàn toàn sai lầm khi chỉ trích nền giáo dục Việt Nam.
Chúng ta bảo giáo dục này xấu xa, thối nát, lạc hậu chẳng khác nào
chửi vào đống phân bò: sao mày thối thế, sao mày mất vệ sinh thế? Giáo
dục Việt Nam đã không được độc lập để có thể tự hành động, tự phát
triển, tự sửa đổi, tự sáng tạo nên chúng ta không thể làm gì được nó.
Nguyền rủa nó, nhổ nước bọt vào nó, khước từ nó là chúng ta đang làm với
chính chủ nhân của nó, đó chính là thể chế chính trị. Muốn cải cách
giáo dục, muốn cách mạng nó hay làm bất kỳ điều gì tốt cho nó, chỉ có
thể làm hai việc sau: một là thay đổi thể chế chính trị để nó phù hợp
với lý tưởng giáo dục mà chúng ta mong muốn; hai là yêu cầu giáo dục
phải tách rời khỏi chính trị, nó phải được độc lập hoạt động.
Thể chế chính trị dân chủ và tự do
Tôi đang đưa bạn vào vấn đề chính trị, một vấn đề mà tôi nghĩ nó
không mấy dễ chịu đối với chúng ta. Thật sự nếu tránh được nó khi bàn về
giáo dục, tôi cũng đã tránh để có nhiều người đọc bài viết này. Nhưng
thật gian dối và không công bằng với nhau khi tôi né tránh nó. Với lại,
tôi không muốn bàn về giáo dục một cách hời hợt và không thực tế. Tôi
muốn nói vấn đề giáo dục một cách thực tế, có nghĩa là nếu đưa ra một
giải pháp thì nó phải có hiệu quả đối với tầng lớp nghèo khó trong xã
hội.
Thể chế chính trị ở Việt Nam đang là lực cản lớn nhất cho một nền
giáo dục thật sự. Và không thể làm gì khác hơn ngoài sự thay đổi nó,
thay đổi một thể chế chính trị độc tài sang một thể chế dân chủ và tự do
thật sự. Những con em của các gia đình tầng lớp công nhân và nông dân
chỉ có thể hi vọng vào nền giáo dục khi nó được hoạt động độc lập. Và
giáo dục chỉ trở lại với vai trò đúng đắn của chính nó là khi chúng ta
có một nền thể chế dân chủ và tự do.
Tôi đang yêu cầu bạn tham gia các hoạt động chính trị chăng? Không,
xin bạn đừng hiểu nhầm. Tôi chỉ hy vọng nếu bạn không chống đối lại thể
chế này thì cũng đừng ủng hộ nó. Bạn không thể lên tiếng chống lại sai
trái mà hệ thống chính trị này đang làm thì đừng hùa theo bọn họ chống
lại những người tranh đấu cho dân chủ và tự do. Nếu bạn không thể chống
tham nhũng thì cũng đừng thờ ơ, lãnh đạm với những người chống tham
nhũng. Họ cần bạn ủng hộ và lên tiếng giúp họ khi bị nguy nan. Nếu bạn
không thể chống lại những tên công an đánh dân thì cũng đừng thờ ơ, bỏ
mặc với các nạn nhân của họ. Mỗi người làm một ít và dứt khoát không
tiếp tay và ủng hộ những sai trái do thể chế này gây ra thì tôi nghĩ
chúng ta sẽ có thể mơ đến một sự thay đổi tích cực cho quê hương, gia
đình và con em của mình.
Joseptuat
No comments:
Post a Comment