Thứ Sáu, 22.04.2016
Đối với đảng CSVN, đảng mới là cứu cánh, tổ quốc chỉ là phương tiện. Chính vì thế nhà cầm quyền VN chưa bao giờ cương quyết bảo vệ chủ quyền dân tộc mà chỉ hèn nhát quỵ lụy trước quan thầy mà thôi. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: "Việt Nam phải hành động mạnh hơn."sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.
Từ đầu năm đến nay, Cộng Sản Việt Nam đã phải lên tiếng hai lần yêu
cầu Trung Cộng đưa giàn khoan Hải Dương 981 đi nơi khác. Mỗi lần, họ lại
nói Trung Cộng phải "ngưng các hành động đơn phương làm tình hình thêm
phức tạp," từ phi trường tới đài hải đăng trên những hòn đảo nhân tạo.
Nói đi nói lại, vẫn chỉ nói suông, đã ba năm nay rồi.
Trung Cộng cho giàn khoan HD 981 vào trấn ngự ở hải phận nước ta lần
đầu năm 2014. Họ rút đi, tiếp tục thăm dò đáy biển trong một vùng rộng
lớn, từ Vịnh Bắc Việt sang tới Vịnh Bengal thuộc Ấn Ðộ Dương. Không có
lý do nào khiến họ phải đưa cả khối kim loại khổng lồ bơi qua bơi lại
vùng biển nước ta liên tiếp, nếu không phải vì động cơ chính trị. Mao
Trạch Ðông vẫn nhắc nhở: Chiến tranh là chính trị. Thăm dò đáy biển cũng
là chính trị. Cả hai lần phản đối HD 981 trong năm nay đều trùng hợp
với những sự kiện chính trị trong nội bộ Cộng Sản Việt Nam. Lần trước,
vào Tháng Giêng, 2016, là hai ngày trước khi Việt Cộng họp đại hồi kỳ
thứ 12. Lần mới nhất, diễn ra sau khi quốc hội Hà Nội tấn phong bà Kim
Ngân, Trần Ðại Quang và Nguyễn Xuân Phúc lên làm chủ tịch Quốc Hội, chủ
tịch nước và thủ tướng.
Tại sao Bắc Kinh lại đưa HD 981 tới "diễn võ" vào đúng các thời điểm
đó? Ông Tập Cận Bình muốn gửi lời chúc mừng tới đám tay chân ở Hà Nội
khi thấy họ thành công trong "công tác sắp xếp nhân sự" đẹp ý thiên
triều? Hay là ông ta "dương oai" để thách thức, đe dọa tất cả những
người dân Việt Nam nào còn có ý kháng cự cuộc bành trướng của Trung
Quốc? Ông ta chỉ cần dùng một mũi tên để bắn cả hai con chim, vừa khích
lệ vừa đe dọa?
Chiến thuật "diễn võ, dương oai" này là một phần trong chiến lược
"bóc bắp cải" của Tướng Trương Thiệu Trung Trung Cộng đang lần lượt bóc
từng lá bắp cải, để dần dần thống ngự cả vùng biển Ðông Nam Á, hoàn
thành Ðường Tơ Lụa Trên Biển. Chiến pháp này được thực hiện chậm chạp,
có thể kéo dài trong một thế hệ đến một nửa thế kỷ, có thể còn lâu dài
hơn nữa. Trong thời gian đó, Cộng Sản Trung Hoa sẽ cố giữ một thế quân
bình, gọi là ổn định, trong mạng lưới bang giao quốc tế. Họ sẽ tránh
không gây chiến, để các cường quốc khác, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Ðộ, và các
nước Châu Âu không có lý do can thiệp vì tự do hàng hải bị ngăn trở.
Trung Cộng vẫn coi Mỹ là kẻ thù. Dân chúng lục địa được báo, đài của
đảng cho "học tập căm thù" mỗi ngày. Nhưng giới lãnh đạo họ biết rằng
không thể khiêu khích Mỹ đến độ gây ra xung đột lớn. Kinh tế hai quốc
gia đang gắn bó với nhau, nhưng Trung Quốc cần bán hàng Mỹ và chạy đuổi
theo kỹ thuật tân tiến của Âu Mỹ nhiều hơn Mỹ cần Trung Quốc. Kinh tế
Trung Quốc sẽ sụp đổ nếu chiến tranh xẩy ra, còn nước Mỹ sẽ chịu đựng
được cơn "sốc" đó; như hai cuộc đại chiến trong thế kỷ 20 đã cho thấy.
Trong chiến lược bắp cải này, Bắc Kinh luôn luôn chiếm vai chủ động,
liên tục đặt thế giới trước những "sự đã rồi." Với các hành động quân sự
cũng như hành chánh và pháp lý. Họ đắp những hòn đảo nhân tạo, lập phi
trường, đặt hỏa tiễn, dựng hải đăng hay các đài khí tượng. Những hành
động này diễn ra âm thầm và bất ngờ, không để cho thế giới kịp trở tay.
Các hành động xâm lấn đã gia tăng cường độ và nhịp độ nhanh hơn trong
ba năm qua. Trung Cộng buộc các nước khác phải đàm phán song phương,
không muốn các cường quốc can dự. Trong những cuộc đàm phán song phương
này, vừa chia rẽ vừa cô lập hóa bên địch, Trung Cộng đặt vấn đề theo
cùng một khuôn mẫu: Những gì tôi chiếm được đều là của tôi rồi, không
bàn đến; những gì anh còn giữ được, chúng ta sẽ thảo luận để chia phần!
Bắc Kinh sử dụng các đòn hành chánh, công bố lập huyện Tam Sa, công khai
sát nhập Hoàng Sa và Trường Sa vào đảo Hải Nam. Trong khi đó, họ từ
chối không công nhận thẩm quyền của các tòa án trọng tài quốc tế.
Những bước chiến thuật này đã thành công. Các nước Ðông Nam Á bị đè
nén đã lâm thế thụ động, không thể phản ứng tương xứng và kịp thời, rồi
càng ngày càng yếu thế. Cho tới gần đây tình thế mới thay đổi,
Philippines, rồi Malaysia, Indonesia dám phản ứng mạnh mẽ. Thế giới được
đánh thức dậy, nhìn rõ âm mưu bành trướng của Cộng Sản Trung Quốc; các
chính phủ Mỹ, Nhật Bản, Australia đã tỏ thái độ cứng rắn hơn. Mọi người
bắt đầu nhìn thấy vùng biển Ðông Nam Á đang trở thành một vùng tranh
chấp quyền lợi của tất cả các nước trong thế kỷ 21, không còn là xung
đột riêng giữa các nước nhỏ trong vùng và Trung Quốc. Ngay đến các nước
Châu Âu cũng tự đặt mình vào cuộc, như hội nghị G-7 vừa qua đã cho thấy.
Ai cũng thấy nền "trật tự toàn cầu" sau Chiến Tranh Lạnh đang có cơ
thay đổi, do Trung Cộng cố ý gây ra.
Ðây là một cơ hội cho nước Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam. Từ hai
ngàn năm trước, dân tộc Việt Nam phải đóng vai con đê ngăn chặn làn sóng
bành trướng của Hán tộc xuống vùng Ðông Nam Á. Khi nước Việt Nam bị
chia đôi ở vĩ tuyến 17 vào năm 1954, con sông Bến Hải cũng trùng hợp với
lằn ranh đã chia đôi ảnh hưởng của Hán tộc với văn minh Ấn Ðộ trong
những thế kỷ đầu Công nguyên. Bây giờ là lúc nước Việt Nam cần có một
chính quyền dám đứng lên đối đầu với cuộc xâm lăng của đế quốc đỏ Trung
Hoa. Cả thế giới sẽ đứng về phía mình, dân tộc Việt không thể bỏ lỡ cơ
hội này. Những lời tuyên bố phản đối giàn khoan Hải Dương 981 chỉ là một
lối phản ứng yếu ớt. Vì tương lai dân tộc, vì nền hòa bình của cả vùng
Ðông Nam Á và thế giới, Việt Nam phải hành động mạnh bạo hơn; để Trung
Cộng không thể tiếp tục bóc bắp cải, mà lá cải đầu tiên đang bị bóc dần
dần chính là đất nước chúng ta.
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment