Thứ Bảy, ngày 06.12.2014
Kính chào quý vị thính giả, NHỮNG
VẤN ĐỀ CỦA CHÚNG TA tuần này xin được thảo luận tiếp phần cuối về Vấn đề
Tranh Chấp Biên Giới giữa Việt Nam và Kampuchia , nói nôm na là "Tranh
chấp biên giới Việt-Miên". Diễn giả là ông Trương Nhân Tuấn, một nhà
nghiên cứu chuyên về biên giới Việt Nam và là tác giả tác phẩm biên khảo
"Biên Giới Việt Trung 1885-2000". Ông Trương Nhân Tuấn tham dự cuộc
thảo luận này từ Marseille, Pháp Quốc.
7/ Tại sao vào thời điểm này thì một số dân chúng Miên lại
nêu ra vấn đề biên giới với VN?Liệu có bàn tay Trung Cộng đằng sau các
vụ biểu tình của dân chúng Miên không ?
Như đã nói ở trên, sau 1975, lãnh thổ chỉ là cái cớ để TQ kích động
khiến Khmer đỏ gây hấn VN. Thì bây giờ cũng vậy, vấn đề lãnh thổ cũng là
cái cớ để TQ khích động tinh thần bài Việt trong dân chúng Kampuchia
trong thời gian gần đây.
Vấn đề là biên giới trên đất liền đã được hai bên ký hiệp định và các
mốc giới vừa được cắm xong. Hai bên đều thỏa mãn với yêu sách của mình,
vì việc phân giới được thực hiện trên tinh thần bình đẳng, không ai ép
ai. Do đó sử dụng lãnh thổ vùng biên giới để kích động đã không còn hữu
hiệu. Những người Kampuchia hiện nay lên tiếng chống VN thuộc phe Sam
Rainsy, một người theo dân tộc chủ nghĩa, rất thân TQ. Lá cờ đầu để
những người này trương lên chống VN trước kia là các cột mốc biên giới,
nay đổi lại là vùng Khmer Krom và những người dân bản địa sống ở đó.
Nhưng việc khích động người dân như thế không dễ dàng, nếu không có
một cái cớ chính đáng nào đó. Điều này lại do nhà cầm quyền CSVN tạo ra.
Đó là chính sách hà khắc của nhà cầm quyền này lên những người dân của
họ. Điều này không làm ai ngạc nhiên, vì chính đồng bào ruột thịt của họ
là dân miền Nam cũng bị phân biệt đối xử. Những người dân bản địa (mà
nhiều người hiện nay gọi là người Việt gốc Miên) bị truất hữu ruộng đất,
và đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến người dân ở đây chống
nhà cầm quyền VN.
Nếu ta xét lại những đòi hỏi của những người tổ chức biểu tình chống
VN ở Nam Vang thì ta thấy nó không rõ ràng, đôi khi mâu thuẩn. Những yêu
sách của họ như buộc VN phải « nhìn nhận sự thật lịch sử », hay nhìn
nhận « VN chiếm đất của Kampuchia » đều có vẻ không thực tế.
Vấn đề là họ đã lầm lẫn giữa quyền sở hữu đất đai của những người dân
bản địa bị nhà nước CSVN truất bỏ, với chủ quyền về lãnh thổ.
VN có chủ quyền về lãnh thổ ở các khu vực mà dân Khmer gọi là Khmer
Krom, điều này đã được củng cố bởi thời gian hàng nhiều thế kỷ qua, cũng
như được bảo đảm bởi luật lệ quốc tế. Ý nghĩa của từ chủ quyền ở đây là
« quyền lực chủ tể » trên vùng lãnh thổ đó chứ không phải là « quyền
làm chủ », hay quyền sở hữu vùng lãnh thổ đó như nhiều người đã hiểu
lầm. Quyền lực chủ tể có thể ban phát quyền sở hữu về đất đai, nhưng
cũng có thể truất hữu, hay bãi bỏ quyền đó. Vấn đề là nhà nước CSVN lạm
dụng « quyền chủ tể » này, truất hữu hàng loạt ruộng đồng, nhà cửa,
không chỉ của dân bản địa, mà của nhân dân trên khắp ba miền đất nước,
gây sự bất mãn cùng cực nơi mọi tầng lớp người dân. Cán bộ CS lạm dụng
quyền chức, lấy đất của người thấp cổ bé miệng giao cho những thế lực
tài phiệt nhằm trục lợi. Các điều này tạo ra những bất công, làm cho sự
thù hận của người dân ngun ngút đến trời cao.
Vì vậy, do nhập nhằng về khái niệm, những người dân bản địa phẫn uất
đã bỏ VN sang sinh sống ở Kampuchia. Tại đây họ được các thế lực bài
Việt kích động, trở lại chống VN. Điều cần nhấn mạnh : họ là người VN,
sinh đẻ tại VN, tổ tiên của họ đã ở trên vùng đất đó từ lâu đời. Điều
ngạc nhiên là đến bây giờ những người này vẫn bị xem là « người Việt gốc
Miên ». Tức là chính sách phân biệt giai cấp của CSVN đã đổi màu để
biến thành chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Trên đất Kampuchia, mặc dầu họ có chung nguồn gốc xa xôi, nhưng họ
vẫn là người VN. Để tạo sự tin tưởng nơi người Kampuchia chính gốc,
những người dân Việt ly hương này chống VN còn cực đoan hơn những người
dân Kampuchia chính gốc. Đây là một hiện tượng tâm lý, dễ bị người khác
lợi dụng.
Điều đáng lo ngại là TQ có thể sử dụng lớp người bất mãn này, nuôi
dưỡng họ, huấn luyện họ. Trong khi kinh tế Kampuchia lại có khuynh hướng
phát triển hơn VN. Việc này càng tạo cho Kampuchia một sức hút khiến
người Việt đổ xô về đây tìm cách sinh sống. Tất cả các yếu tố này đều
nguy hiểm cho VN. Ta không thể bỏ qua viễn tượng, một ngày nào đó, chính
những người Việt này được TQ vũ trang để trở về chống lại VN.
Lúc đó, một VN yếu, kinh tế kém phát triển, kéo theo sự yếu kém về quân sự, có thể dễ dàng bị lệ thuộc vào nước ngoài.
8/ Và đâu là giải pháp cho các vấn đề này ?
Như đã nói, vấn đề bài Việt ở những người dân bản địa VN, vấn đề đòi
lại đất, là do từ chính sách hà khắc của nhà nước CSVN. Chủ trương « sở
hữu tập thể về đất đai » thực ra là để tạo một nguồn kinh tài cho đảng
CSVN. Ở VN hiện hữu cái gọi là « quĩ đất ». Lãnh đạo có thể sử dụng đất
từ các « quĩ » này như là một nguồn tài chánh, tương tự như các mỏ dầu
khí, đưa vào ngân sách quốc gia để chi phí điều hành. Việc lạm dụng đã
tạo ra tại VN một tầng lớp dân oan, những người trắng tay vì đất đai bị
truất hữu. Việc truất hữu phần nhiều không minh bạch, vì mục đích của nó
không nhằm phục vụ cho quyền lợi của số đông mà chỉ cho một vài cá
nhân, tài phiệt. Những người dân oan này phần nhiều là những người dân
tộc thiểu số vùng tây bắc, trên tây nguyên, hay ở miền Nam.
Trong khi việc tạo « quĩ đất » không hề thúc đẩy kinh tế phát triển.
Ngược lại, tệ nạn đầu cơ về nhà đất đã tạo ra những bong bóng tài chính
đe dọa sự hiện hữu cũng như các hoạt động chủ yếu của ngân hàng. Nền
kinh tế VN có nguy cơ sụp đổ.
Khi đã biết được nguyên nhân thì biện pháp chế ngự hệ quả không phải
là việc khó khăn. Đối với những người dân bản địa ở miền Nam, để họ
không bỏ nước sang Kampuchia lập tổ chức chống đối, điều nhà nước cần
phải làm là cho những người đó thấy là sống ở VN sung sướng, thoải mái
hơn là sống ở Kampuchia. Việc này không chỉ áp dụng cho những người dân
bản địa, mà cho chung mọi người dân VN. Tức là kinh tế VN phải phát
triển hơn Kampuchia. Chế độ VN nhân bản, tình người hơn chế độ
Kampuchia. Tức là, chỉ còn cách duy nhất là thay đổi thế chế chính trị :
dân chủ hóa chế độ. Chỉ dưới một chế độ dân chủ VN mới có thể phát
triền lành mạnh.
Tiếp theo là trả lại cho người dân những gì đã là của họ. Những gì
của tổ tiên họ đã tạo ra, đã là của họ, thì phải trả lại cho họ. Trả ở
đây là trả quyền sở hữu đất đai chứ không phải từ bỏ « chủ quyền lãnh
thổ ». Kế đến là xây dựng một chính sách « hòa giải dân tộc ». Làm thế
nào cho mọi người dân thấy rằng họ được tôn trọng. Tôn trọng về nhân vị
là tôn trọng văn hóa, tôn giáo, lịch sử, lề lối sinh hoạt... của người
dân đó.
Sẽ không có biện pháp nào khác. Mọi đàn áp, trừng trị tù tội hôm nay
sẽ không dẹp được ngọn lửa căm hờn, mà chỉ làm cho áp lực ngày càng tăng
thêm. Một khi nhà nước yếu đi, vì lý do kinh tế thí dụ vậy, thì ngọn
lửa này sẽ bùng cháy mãnh liệt. Nếu được sự tiếp tay của ngoại bang, thì
VN sẽ không có cách nào trấn áp được. Lãnh thổ bị phân liệt là điều sẽ
đến.
No comments:
Post a Comment