Thứ Bảy, ngày 27.12.2014
Kính thưa quý thính giả, hơn một
trăm năm trước, nước Việt có một người xuất thân nông dân, do ảnh hưởng
bởi phong trào Cần Vương, ông quyết định tiếp tay xây dựng phong trào
Duy Tân, đáp ứng chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”
của cụ Phan Chu Trinh, nhằm đưa dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của thực
dân Pháp. Trong tiết mục “Danh Nhân Nước Việt” tuần này, chúng tôi xin
gửi đến quý thính giả bài “Chí Sĩ Trần Quý Cáp”, của Việt Thái qua giọng
đọc của Hoài Phương và Nam Hương để kết thúc chương trình phát thanh
tối hôm nay
Một thác tiếng tròn vì Tổ quốc,
Ngàn năm tiết rạng chói nho quan.
Tấm bia đồ sộ đầy ghi tạc,
Mãi với non sông được vững vàng.
Chí sĩ Trần Quý Cáp sinh năm 1870 tại thôn Thái La, xã Bất Nhị, huyện
Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông thông minh, học giỏi, từ nhỏ đã nổi tiếng
trong vùng, được nhiều sĩ phu cả nước biết tên. Năm 1904, ông thi đỗ
tiến sĩ. Tuy nhiên, vào lúc bấy giờ nền nho học đã tàn, tân học đang
phát triển và đất nước đang lâm vào giai đoạn đen tối.
Các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương trong nước đều bất
thành. Trong khi đó, thực dân Pháp cấu kết với quan lại triều Nguyễn
ngày càng đặt ra nhiều loại sưu thuế nặng nề nhằm bóc lột người dân. Đặc
biệt là các cuộc khởi nghĩa Cần Vương do các thủ lãnh như Nguyễn Duy
Hiệu, Trần Văn Dư, Phan Bá Phiến... tiếp nhận làn gió mới của cách mạng
thế giới qua các bài viết của các nhà cách mạng Pháp, cũng như của một
số nhà cách mạng Trung Hoa như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi...
Chỉ một thời gian ngắn sau khi đỗ đạt, Trần Quý Cáp đã cùng Phan Chu
Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và nhiều bạn bè phát động phong trào Duy Tân.
Phong trào này nhanh chóng lan rộng khắp miền Trung, từ Thanh Hóa đến
Bình Thuận.
Năm 1905, ba vị thủ lãnh của phong trào Duy Tân đã tổ chức chuyến
"Nam du" vào các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa để tiếp tục xây dựng
phong trào, phổ biến dân quyền, vận động xóa bỏ lối học từ chương, phổ
biến lợi ích của tân học, tân văn hóa... Đi đến đâu các cụ Trần Quý Cáp,
Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng cũng được tầng lớp trí thức và dân
chúng niềm nở tiếp đón. Tại Bình Định, cụ Phan Chu Trinh làm bài thơ
"Chí Thành thông thánh", còn Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng làm bài
phú "Danh Sơn Lương Ngọc". Bài phú "Danh Sơn Lương Ngọc" kêu gọi sự thức
tỉnh nơi tầng lớp trí thức về nỗi nhục mất nước và đã tạo một tiếng
vang lớn trong dư luận lúc bấy giờ.
Năm 1906, nhận thấy tiếng tăm của Trần Quý Cáp trong dân chúng cũng
như trong giới sĩ phu yêu nước, thực dân Pháp bổ nhiệm ông làm chức Giáo
thọ tại Thăng Bình - Quảng Nam.
Tuy không muốn ra làm quan, nhưng trước sự thúc giục của mẹ già và bè
bạn thân thiết nên Trần Quý Cáp đã nhậm chức. Tuy nhiên, ngược lại với ý
đồ của kẻ thù, khi giữ chức Giáo thọ tại Thăng Bình, Trần Quý Cáp càng
có thêm điều kiện giao du và truyền bá rộng rãi các tư tưởng của phong
trào Duy Tân. Đi đến đâu ông cũng diễn thuyết và đề ra các chương trình
cải cách văn hóa và phát triển kinh tế.
Đến đầu năm 1908, chỉ mấy năm sau khi phong trào Duy Tân ra đời, hàng
trăm trường học ở miền Trung đã được dựng lên nhằm phổ biến chữ quốc
ngữ, giảng dạy các môn khoa học, lịch sử. Mỗi ngôi trường đã trở thành
trung tâm bài trừ các hủ tục và truyền bá lòng ái quốc. Đặc biệt, ở
Quảng Nam và một số tỉnh khác, nhờ ảnh hưởng của phong trào Duy Tân, dân
chúng đã bắt đầu nổi dậy biểu tình đòi giảm thuế. Trước tình hình này,
Pháp chuyển ông về làm Giáo thọ tại huyện Tân Định, tức huyện Ninh Hòa
tỉnh Khánh Hòa ngày nay.
Tháng 5 năm 1908, tại Quảng Nam, một cuộc biểu tình đòi giảm thuế,
bắt nguồn từ huyện Đại Lộc, lan ra các huyện xung quanh, lên đến hàng
chục ngàn người tham dự, kéo đến bao vây tòa công sứ Pháp tại Hội An.
Quá đỗi lo sợ, thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn đã thẳng tay đàn
áp. Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và nhiều nhà lãnh đạo khác của
phong trào Duy Tân bị bắt giam. Riêng Trần Quý Cáp bị giam tại huyện
Diên Khánh, cách Nha Trang khoảng 10 cây số, sau đó xử chém ông bên bờ
sông Cạn ở phía Đông thành cổ Diên Khánh vào ngày 15/8/1908.
Trong giờ phút cuối cùng của đời mình, Trần Quý Cáp đã tỏ rõ khí
phách của một bậc anh hùng. Với gông đeo trên cổ, hai tay mang xiềng
xích, từ nhà lao Diên Khánh tới cầu Sông Cạn, ông đã hiên ngang bước đi
và gật đầu chào dân chúng Diên Khánh trước khi đao phủ ra tay.
Cái chết của Trần Quý Cáp gây xúc động trong dân chúng, nhất là các nhân sĩ địa phương nên đã có bài thơ:
Sông cạn vì đâu nước cạn sông,
Phải chăng khô lệ khóc Trần Công.
Thương dân thức tỉnh đôi hàng phú,
Xót nước vung gươm chặt xích còng.
Mượn bút giải bày thân cá chậu,
Hát to giải thoát kiếp chim lồng.
Năm 1970, để ghi nhớ công lao và tinh thần yêu nước của chí sĩ Trần
Quý Cáp, một đền thờ mang tên Trung Liệt Điện (còn gọi là đền thờ Trần
Quý Cáp) được xây dựng bên cầu sông Cạn, cách Nha Trang 10 cây số về
hướng Tây. Nhiều tỉnh thành miền Nam dưới thời VNCH có đường phố và
trường học mang tên nhà chí sĩ đáng kính của dân tộc.
* * *
Mặc dù sinh ra và lớn lên ở đất Quảng Nam, nhưng chí sĩ Trần Quý Cáp
đã trở thành một danh nhân sáng chói của tỉnh Khánh Hòa. Phong trào Duy
Tân nói chung, và cụ Trần Quý Cáp nói riêng, là những tấm gương điển
hình cho phong trào đấu tranh bất bạo động tại VN và sẵn sàng hợp tác
với thực dân Pháp để mở thêm trường học nhằm nâng cao dân trí.
Đáng nói hơn nữa là hơn một thế kỷ sau đó, không ai không công nhận
là chủ trương "nâng dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" của phong trào
Duy Tân là con đường rất chính xác, có thể giành lại độc lập, theo kịp
đà tiến hóa của nhân loại mà không phải đổ quá nhiều máu xương để cuối
cùng vẫn là một quốc gia chậm tiến và lạc hậu như ngày hôm nay. Thê thảm
hơn nữa là sau bao nhiêu núi xương sông máu, dân tộc VN vẫn không có
được sự tự chủ mà ngày càng lệ thuộc vào kẻ thù truyền kiếp phương Bắc,
từ chính trị, quân sự cho đến kinh tế.
Thế nhưng vẫn chưa muộn nếu các tầng lớp trí thức VN hiện nay kịp
thời thức tỉnh như thế hệ của cụ Phan Chu Trinh và Trần Quý Cáp để can
đảm đứng lên giải thể chế độ cộng sản và quang phục quê hương!
Việt Thái
No comments:
Post a Comment