Thứ Năm 18.12.2014
Sự phồn vinh và phát triển tột cùng
của đảo quốc Đài Loan, so sánh với lục địa Trung Quốc là chứng minh
hùng hồn không thể chối cãi giữa sự ưu việt của dân chủ đa nguyên và độc
tài đảng trị Mác –Lê. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận
của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: "Củng cố nền dân chủ ở Đài Loan" sẽ được
Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Mấy ngàn du khách từ Hoa Lục bay sang Đài Loan để "xem dân chủ" chắc
đã nhận được "một bài học dân chủ thực sự". Bài học là: Sống Dân Chủ là
như thế! Du khách chứng kiến 23 triệu dân Trung Hoa trên hòn đảo này thi
hành quyền thay đổi người cầm quyền.
Cuộc bỏ phiếu vừa qua chỉ chọn người lên ngồi 11,130 ghế trong chính
quyền địa phương, từ thị trưởng, xã trưởng, hội đồng xã, huyện, và các
chức vụ khác. Nhưng sau khi đảng cầm quyền thất bại nặng nề, Thủ tướng
Giang Nghi Hoa đã đệ đơn từ chức. Ông nói thẳng lý do: "Kết quả cuộc bỏ
phiếu cho thấy các cử tri không hài lòng về chính phủ". Tổng thống Mã
Anh Cửu chấp nhận đơn từ chức và nói thêm: "Tôi đã nghe thấy tiếng nói
của dân chúng, và tôi không lẩn tránh trách nhiệm phải bắt đầu các cải
tổ".
Tiếng nói của 18 triệu rưỡi cử tri Đài Loan được bày tỏ rõ ràng. Tại
sáu thành phố lớn nhất, nơi hai phần ba dân Đài Loan cư ngụ, Quốc Dân
Đảng mất ba ghế thị trưởng tại Đài Bắc, Đài Trung và Đào Nguyên. Thị
trưởng Tân Đài Bắc Chu Lập Luân được dân bầu lại, nhưng đã mất 150,000
phiếu so với hơn một triệu phiếu ông đạt được bốn năm trước. Đảng Dân
Chủ Tiến bộ (tức Dân Tiến) vẫn giữ được hai cứ địa Đài Nam và Cao Hùng ở
phía Nam; thắng lợi ở Đài Trung cho thấy họ đang tiến lên miền Bắc.
Trước cuộc bỏ phiếu Quốc Dân Đảng kiểm soát 15 trong số 22 huyện và
thành phố, nay chỉ còn 6. Đảng Dân Tiến Bộ chiếm thêm được 9 huyện và
thành phố.
Dân chúng chán ghét Quốc Dân Đảng vì nhiều lý do. Mùa Xuân vừa qua,
sinh viên đã biểu tình chiếm trụ sở quốc hội, phản đối bản thỏa hiệp
giữa Đài Loan và Trung Cộng, gia tăng trao đổi thương mại, mở sang các
dịch vụ. Phong trào lấy huy hiệu là Hoa Hướng Dương, được dân thủ đô ủng
hộ, kết quả là chính quyền phải nhượng bộ. Dân chúng cũng bất mãn vì
giao thương giữa hai nước chỉ làm giầu cho giới tư bản Đài Loan trong
khi lương bổng của người lao động vẫn không tăng, khiến khoảng cách giàu
nghèo còn rộng hơn ở Nam Hàn và Nhật Bản. Chính quyền Đài Loan cũng bị
mang tiếng vì những xì-căng-đan, như vụ một xí nghiệp bán dầu ăn lọc ra
từ nước cống, vụ nổ ống hơi đốt làm chết 32 người, vụ hạ sĩ Hồng Trọng
Khâu chết trong khi bị giam trừng phạt, chỉ vì anh ta mang điện thoại
cầm tay có máy hình vào trại, trái với luật lệ. Hai trăm ngàn người đã
xuống đường tại Đài Bắc dự đám tang của anh ta vào đầu Tháng Tám.
Đài Loan còn nhiều đảng chính trị ngoài Quốc Dân Đảng và Dân Tiến.
Đảng Xanh, đề cao bảo vệ môi trường sống đưa ra 9 ứng cử viên, 2 người
đắc cử, làm ủy viên trong Huyện Tân Trúc, nhờ các người tình nguyện đạp
xe đạp đi vận động. Đảng Cây, mới tách từ Đảng Xanh đầu năm nay, do cựu
tổng thư ký đảng Xanh Phan Hàn Thanh lãnh đạo, chủ trương bảo vệ quyền
lợi của cây cối, chó, mèo, và những người không được cất tiếng nói, đã
thắng một ghế thị trưởng trong cuộc bầu cử này. Đảng Dân Bản Thổ Đài
Loan (Đài Loan Đệ nhất Dân tộc đảng, đưa ra 6 ứng cử viên, 3 người đắc
cử.
Ngoài các đảng chính trị, Đài Loan cũng có rất nhiều hiệp hội, đoàn
thể của các công dân độc lập với các đảng phái. Và một số các tổ chức
thuộc xã hội công dân cũng tham dự vào cuộc tranh luận chính trị lần bỏ
phiếu này. Họ kêu gọi cử tri "trừng phạt" đảng cầm quyền, vì những vụ
thực phẩm thiếu an toàn đã bị phanh phui. Trước ngày bỏ phiếu, hai sinh
viên lãnh đạo phong trào Hoa Hướng Dương là Hồng Sùng Yến và Lưu Kính
Văn đã tố cáo quan chức Quốc Dân Đảng thông đồng với hai đại công ty
thực phẩm, che đậy những vi phạm luật lệ vệ sinh và an toàn thực phẩm.
Nói chung, không khí vận động tranh cử và cuộc bỏ phiếu vừa qua cho
thấy dân Đài Loan đã tiến vững chắc trên con đường xây dựng và củng cố
thể chế dân chủ. Những du khách từ Trung Quốc qua chắc hẳn phải ngửi
thấy mùi dân chủ tự do nó khác không khí họ quen thở ở trong nước Tàu.
Nhà cầm quyền cộng sản ở Bắc Kinh chứng kiến cảnh Quốc Dân Đảng đại
bại, chắc chắn lo ngại. Mặc dù Quốc Dân Đảng và Cộng sản Đảng từng là tử
thù từ thập niên 1930, nhưng ngày nay họ lại là đồng minh trong chủ
trương một nước Trung Hoa thống nhất. Đảng Dân Tiến, ngược lại, được đa
số dân Đài Loan ủng hộ vì họ muốn tách ra làm một quốc gia độc lập.
Trước cuộc bỏ phiếu, chính quyền Bắc Kinh đã giúp các nhà kinh doanh và
thương gia Đài Loan đang làm ăn trong lục địa được mua vé máy bay giảm
giá để "về quê bỏ phiếu". Trong kỳ bầu cử năm 2012, 80% những người hồi
hương này ủng hộ ông Mã Anh Cửu, đương kim tổng thống Quốc Dân Đảng.
Hiện nay số dân ủng hộ chính sách của Tổng thống Mã Anh Cửu đã xuống tới
20%. Căn cứ vào kết quả cuộc bỏ phiếu vừa qua, Quốc Dân Đảng sẽ khó giữ
được ngôi tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2016.
Nhưng chính quyền Quốc Dân Đảng không phải chỉ nghĩ tới hợp tác với
Trung cộng. Họ vẫn lo bảo vệ cuộc sống tự do dân chủ và nền kinh tế
thịnh vượng của đảo quốc. Ba ngày sau cuộc bỏ phiếu, chính phủ Đài Loan
đã cho phóng thử một loại hỏa tiễn địa-không mới, tên là Thiên Cung III,
đã được thí nghiệm từ ba năm trước đây. Hôm Thứ Ba 2, tháng 12 năm
2014, các nhà sản xuất tuyên bố rằng loại tên lửa mới này sẽ thay thế
hỏa tiễn Hawk do Mỹ cung cấp trước đây.
Hỏa tiễn Thiên Cung III, cùng với hỏa tiễn Patriot Mỹ đã bán cho, sẽ
bảo vệ đảo quốc trong vòng 20 năm tới chống lại các hỏa tiễn cũng như
phi cơ của địch quân. Bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết Trung cộng hiện
đang đặt 1,500 hỏa tiễn nhắm sang hòn đảo này. Nhưng từ thời Mao Trạch
Đông, đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn thận trọng, chỉ hô hào miệng nhưng
không bao giờ tính chuyện đem quân sang đánh Đài Loan. Trong khi đó thì
"sức mạnh mềm" của cuộc sống dân chủ và thành quả một nền kinh tế tự do
tại Đài Loan vẫn từ từ chinh phục lòng người dân trong lục địa. Dân Đài
Loan mới thực hiện quyền thay đổi chính quyền, chỉ bằng việc đi bỏ
phiếu. Tại sao dân Trung Hoa trong lục địa không được hưởng quyền tự do
như vậy?
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment