TÒA QUỐC TẾ ĐỒNG Ý XEM XÉT CÁC ĐỀ NGHỊ CỦA VN VỀ TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG
Tòa Trọng tài Quốc tế vào hôm qua đã ra một thông báo yêu cầu
Philippines cung cấp thêm dữ liệu trong vụ kiện Trung Cộng về chủ quyền
Biển Đông, đồng thời cho biết là tòa sẽ xem xét các đề nghị của VN khi
phân xử vụ kiện này.
Thông báo này được đưa ra chỉ hai ngày sau khi chấm dứt thời hạn cho
phép Trung Cộng có ý kiến trước khi phiên tòa khai mạc. Theo thông báo
mới thì tòa trọng tài ra kỳ hạn cho Philippines là từ nay đến ngày 15/3
năm tới, Phi phải cung cấp thêm các hồ sơ và bằng chứng về chủ quyền của
mình tại Biển Đông. Và mặc dù Trung Cộng liên tục bác bỏ vai trò của
tòa án này, thông báo chung này vẫn đưa ra yêu cầu là Trung Cộng phải
trả lời về các luận điểm mà Phi nêu lên trước ngày 16/6 năm tới.
Riêng về phía VN, tòa án thông báo là họ đã nhận được văn bản phản
đối chủ quyền "đường lưỡi bò" mà Trung Cộng áp đặt tại Biển Đông, và đã
yêu cầu hai nước Phi và Trung Cộng phải trả lời các vấn đề mà phía VN
nêu lên.
CÁC TÀI SẢN THAM NHŨNG ĐƯỢC TẨU TÁN RẤT TINH VI
Nhà cầm quyền Sài Gòn vừa gửi một báo cáo đến ban Nội chính Trung
ương và một số cơ quan cao cấp, nội dung cho biết là việc thu hồi các
tài sản tham nhũng ở mức rất thấp vì chúng được tẩu tán một cách rất
tinh vi, đặc biệt là khi được chuyển ra nước ngoài.
Báo cáo này là nhằm tường trình kết quả 2 năm diệt trừ tham nhũng
theo các nghị quyết của đảng và nhà nước. Nội dung cho biết là hiệu quả
đạt được rất thấp vì các khó khăn trong thủ tục hành chính, quá trình
điều tra quá rắc rối và chậm trễ khiến cho các quan tham có đủ thời gian
để tẩu tán các tài sản tham nhũng. Một khó khăn khác là thái độ bất hợp
tác của các quan tham, cũng như tình trạng bao che lẫn nhau.
Chính vì thế báo cáo đổ lỗi cho những sơ hở trong hệ thống nhà nước
và thủ tục rườm rà, dẫn đến việc tẩu tán tài sản tham nhũng nên khó có
thể thu hồi được. Báo cáo cũng thú nhận là việc kê khai tài sản vẫn chưa
minh bạch và khó kiểm chứng được.
3) ẤN ĐỘ BÁN THÊM CÁC TÀU TUẦN DUYÊN CHO VN
Báo chí Ấn Độ cho biết là một tập đoàn đóng tàu của họ đã chọn xong
loại tàu tuần duyên sẽ bán cho VN trong thời gian tới. Đây là loại tàu
vỏ nhôm có tốc độ cao, do tập đoàn Garden Reach Shipbuilders &
Engineers của Ấn sản xuất, có chiều dài 37 thước, tức ngắn hơn các tàu
tuần duyên Ấn khoảng 13 thước.
Cựu phó đô đốc AK Verma, chủ tịch tập đoàn đóng tàu này, cho biết là
công ty ông đã gửi mẫu mã cho VN và nếu không có gì thay đổi thì VN sẽ
đặt mua từ 7 đến 8 chiếc loại này, theo kế hoạch cho VN vay 100 triệu Mỹ
kim để mua vũ khí của Ấn.
CUBA YÊU CẦU HOA KỲ BÃI BỎ CÁC CẤM VẬN KINH TẾ
Chỉ một ngày sau khi tái lập quan hệ ngoại giao chính thức, chủ tịch
Cuba Raul Castro lên tiếng yêu cầu Mỹ phải hủy bỏ các cấm vận về kinh tế
và thương mại đối với Cuba, mà nước Mỹ đã áp đặt lên đảo quốc này suốt
50 năm qua.
Cần biết là vào hôm thứ Tư vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ
tịch Raul Castro đã có cuộc thảo luận trên điện thoại về việc cải thiện
mối quan hệ giữa hai nước, trong đó có việc Cuba trả tự do cho một gián
điệp Mỹ để đổi lấy 3 điệp viên Cuba đang bị Mỹ giam giữ. Thế nhưng
quyền quyết định hủy bỏ cấm vận là thuộc quốc hội Mỹ, và theo giới bình
luận gia thì đảng Cộng Hòa luôn phản đối việc tháo bỏ cấm vận Cuba.
Phát biểu trên đài truyền hình sau cuộc nói chuyện với Tổng thống
Obama, ông Raul Castro nói rằng Cuba sẵn sàng đối thoại về các bất đồng
với Mỹ về nhân quyền, dân chủ và các chính sách đối nội của chế độ cộng
sản Cuba.
TỔNG THỐNG NGA TRẤN AN DÂN CHÚNG VỀ TÌNH TRẠNG KHỦNG HOẢNG KINH TẾ
Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố là nền kinh tế Nga sẽ phục hồi
trong vòng 2 năm tới, bất chấp tình trạng xuống dốc thê thảm của đồng
Nga kim.
Cần nhắc lại là các cấm vận của khối Âu châu và Hoa Kỳ, cộng với việc
giá dầu thô sụt xuống mức kỷ lục, đã khiến cho nền kinh tế Nga điêu
đứng trong nhiều tháng qua, mà điển hình nhất là đồng Nga kim đã mất giá
hơn 60% tính từ đầu năm đến nay.
Tuyên bố trên đài truyền hình vào hôm qua, ông Putin cho biết là ngân
hàng trung ương Nga có đủ trữ lượng ngoại tệ để bình ổn nền kinh tế và
hy vọng là sẽ giải quyết được vấn đề Ukraine trong các cuộc đàm phán sắp
tới.
No comments:
Post a Comment