Thứ Bảy 20.12.2014
Kính thưa quý thính giả, Lịch sử
Việt Nam ghi nhận, các danh tướng Tây Sơn cả đời xông pha trận mạc,
chiến đấu oanh liệt, vì nghĩa quên mình để cứu dân cứu nước. Trong Tây
Sơn Thất Hổ tướng có Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết, người đã cùng nghĩa quân
Tây Sơn đánh đuổi giặc Thanh, dựng lại ngọn cờ tự chủ cho dân tộc. Ông
là một tướng quân đóng góp công sức rất lớn trong chiến thắng Ngọc Hồi -
Đống Đa, tiêu diệt quân Thanh xâm lược vào đầu Xuân Kỷ Dậu 1789. Trong
tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối hôm nay, chúng tôi xin gửi đến quý
thính giả bài "Đô Đốc Nguyễn Văn Tuyết" của Việt Thái qua giọng đọc của
Tam Thanh.
"Ra sức trừ khử sự đau khổ cho dân, vì cả cõi đời này mà tiêu diệt hết mọi bất bình, đó là sở nguyện của ta".
Đó là câu nói lưu danh của Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết.
Đô đốc Tuyết tên là Nguyễn Văn Tuyết, một danh tướng nhà Tây Sơn
trong lịch sử Việt Nam. Ông là một trong 7 hổ tướng của quân Tây Sơn,
dưới trướng đức Quang Trung – Nguyễn Huệ. Danh tướng Nguyễn Văn Tuyết là
người ở xã An Nhơn, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc huyện Tây
Sơn, tỉnh Bình Định).
Tương truyền trước khi Tây Sơn khởi nghĩa vào năm 1771, ông là người
có sức mạnh, giỏi võ. Tình cờ trên bước đường phiêu bạt, ông gặp được
một người thầy võ hết lòng yêu thương chỉ dạy và gả con gái. Khi nghe
Nguyễn Nhạc ở Tây Sơn chiêu mộ hào kiệt, ông cùng vợ trở về quê nhà, sau
đó đầu quân và được nhà Tây Sơn trọng dụng.
Năm 1773, Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc đánh chiếm huyện lỵ Tuy Viễn,
giao cho ông và Huyền Khê đóng giữ. Tháng 5 năm 1788, sau khi Vũ Văn
Nhậm bị giết tại Thăng Long về tội lộng hành, binh quyền của Vũ Văn Nhậm
được Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ giao lại cho Ngô Văn Sở, và Đô đốc
Nguyễn Văn Tuyết được cử làm phụ tá.
Cuối năm Mậu Thân (1788), khi Tôn Sĩ Nghị chỉ huy 29 vạn quân Mãn
Thanh tràn sang xâm lăng nước Việt, ông lãnh trọng trách gấp rút về Phú
Xuân, cấp báo quân tình nguy cấp và cùng bộ tham mưu nghiên cứu sách
lược chống quân Thanh.
Ngày 22/12/1788, vua Quang Trung xuất quân tiến đánh Bắc Hà. Trong
lệnh xuất quân vào ngày 30 tháng Chạp năm Mậu Thân, vua Quang Trung chỉ
thị: Đô đốc Lộc, Đô đốc Tuyết đốc xuất tả quân, trong đó gồm có thủy
quân vượt biển tiến vào sông Lục Đầu, Đô đốc Tuyết tiếp ứng ở mặt
Đông...
Sách "Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ", ghi chi tiết:
"...Đạo quân thứ hai đi đường thủy, do đô đốc Nguyễn Văn Tuyết chỉ
huy, từ Biện Sơn tiến vào sông Lục Đầu, tiêu diệt quân cần vương của Lê
Chiêu Thống ở Hải Dương và tiến lên uy hiếp cạnh sườn phía Đông của Tôn
Sĩ Nghị đóng ở bờ sông Hồng, tiếp ứng cho đạo quân chủ lực và các đạo
quân khác đánh vào Thăng Long..."
Vào những năm cuối cùng của triều đình Tây Sơn, sau khi vua Quang
Trung qua đời, trước thế mạnh của quân Nguyễn Ánh, sau khi thất trận
nhiều lần, hai vợ chồng Ðô đốc Tuyết phò tá vua Cảnh Thịnh cùng gia
quyến sang sông Nhị Hà, rút lên vùng rừng núi phía Bắc. Tướng Lê Chất
dẫn quân truy đuổi kịp, Ðô đốc Tuyết ra lệnh cho vợ là Trần Thị Lan hộ
tống vua Cảnh Thịnh rút trước, còn ông ở lại ngăn chận. Sau một hồi kịch
chiến, ông bị trúng đạn tử trận...
Quân nhà Nguyễn truy đuổi, Trần Thị Lan ra sức chống cự, nhưng chỉ ít
lâu thì cả đoàn đều bị bắt. Không để đối phương làm nhục, Trần Thị Lan
tự sát cùng với Thái hậu Bùi Thị Nhạn vào ngày 16 tháng 6 năm Nhâm Tuất
(1802).
Sách "Nhà Tây Sơn" có viết về vợ chồng Đô đốc Tuyết rằng: Nguyễn Văn Tuyết đã cùng vợ con tuẫn nghĩa sau khi Bắc Thành thất thủ.
Đô đốc Tuyết được người dân Bắc Hà xem là một trong Tây Sơn Thất Hổ
tướng gồm: Võ Văn Dũng, Võ Đình Tú, Trần Quang Diệu, Nguyễn Văn Tuyết,
Lê Văn Hưng, Lý Văn Bưu và Nguyễn Văn Lộc.
Hiện nay, tại đường Hoàng Diệu thuộc quận Phú Nhuận, Sài Gòn, có một
ngôi đền thờ ông và tại quận 7 - Sài Gòn có con đường mang tên Đô đốc
Tuyết.
***
Luận về nhà Tây sơn, có người đã cho rằng, trong lịch sử Việt Nam, có
lẽ không có tướng lãnh nào chịu nhiều thiệt thòi như các danh tướng nhà
Tây Sơn. Tất cả đều có một đời "đánh Nam dẹp Bắc" với hàng loạt chiến
công hiển hách, thế nhưng sau khi chiến thắng, vua Gia Long của triều
Nguyễn đã ra lệnh giết hại và xóa bỏ mọi dấu vết liên quan đến quân Tây
Sơn, khiến hậu thế khó có thể tìm hiểu nhiều về những danh tướng này.
Ngay cả sách giáo khoa môn sử Việt dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, cũng
không nêu rõ họ tên của nhiều tướng lãnh Tây Sơn như Đại đô đốc Bảo, Đô
đốc Tuyết, Đô đốc Lộc...
Thế nhưng dù muốn bôi xóa lịch sử, nhà Nguyễn vẫn không thể xóa bỏ
được cuộc chiến thắng lẫy lừng của quân Tây Sơn trong dịp Tết Kỷ Dậu
1789, với hơn 20 vạn quân Thanh bị quét sạch chỉ trong vòng 5 ngày, với
tên tuổi của các vị tướng như Đô đốc Tuyết, đô đốc Lộc cùng các trận
đánh như Ngọc Hồi, Hạ Hồi, Đống Đa đã đi vào dòng lịch sử bất diệt của
dân tộc VN.
Đáng nói hơn nữa là trong khi đảng CSVN không ngớt lời ca tụng triều
đại Tây Sơn, nhưng thực tế cho thấy họ không kế thừa được hào hùng chống
ngoại xâm như Tây Sơn Thất Hổ tướng, nếu không muốn nói là còn khiến
anh linh các bậc tiền nhân như Đô đốc Tuyết phải xấu hổ vì thái độ "hèn
với giặc Tàu" nhưng lại "ác với dân" của đảng CSVN.
Hơn 200 năm trước, đất nước đã sản sinh ra một thế hệ kiêu hùng, hiên
ngang đánh bại đạo quân Thanh hùng mạnh của vua Càn Long bên Tàu. Nhưng
nay thì thời thế đổi thay, lũ con cháu tự xưng là "anh hùng" lại ẩn núp
trong bờ, trong khi các ngư dân Việt bị các chiến hạm Trung Cộng rượt
đuổi, vây bắt và cướp bóc hằng ngày trên Biển Đông. Thái độ nhu nhược đó
nếu không gọi là "hèn với giặc" thì phải gọi bằng gì? Hay là gọi "hổ
phụ sinh khuyển tử" mà người Tàu thường dùng để chê bai những đứa con
yếu đuối nhu nhược thời xưa và nay?
Việt Thái
No comments:
Post a Comment