Monday, December 8, 2014

Góp phần giải mã Độc tài với Tham nhũng

Thứ Hai, ngày 08.12.2014    
Độc tài đảng trị đồng nghĩa với tham nhũng. Kêu gọi một chế độ độc tài CSVN chống tham nhũng trong bản chất là một nghịch luận phi lý. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Thiện Tùng với tựa đề: "Góp phần giải mã độc tài với tham nhũng."sẽ được Thanh Bình trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.
Đảng là trừu tượng (phi vật thể) như một cơ thể, đảng viên là cụ thể (vật thể) là những tế bào, chúng có mối quan hệ tương tác trong tồn tại và tiêu vong.
Thể chế chính trị độc tài như linh hồn, tham nhũng như thể xác. Chúng cũng có mối quan hệ tương tác sống chết.
Đảng là trừu tượng làm sao có thể tham nhũng, đảng viên là cụ thể mới làm được việc ấy. Nhưng chỉ khi nào đa số đảng viên tham nhũng thì gọi đảng ấy là đảng tham nhũng cũng không oan. Vì biết không rõ tỷ lệ đảng viên "mắc bịnh" tham nhũng nên tôi chưa dám gọi Đảng CSVN là đảng tham nhũng.
Từ mối quan hệ tương tác như vừa nói, cho ta quyền kết luận: "Không thể có chống tham nhũng thật sự dưới thể chế chính trị độc tài". Tạo dựng thể chế chính trị độc tài không phải để giải trí mà để vụ lợi. Vụ lợi của thể chế chính trị độc tài không phải cho mọi người mà cho riêng nhóm người trong thể chế ấy. Những "món ngon vật lạ" họ chia cho nhau mặc cho dân tình khốn khó.
Quan chức ở các nước theo thể chế chính trị dân chủ được dân chúng chọn lựa kỹ càng, có tài đức, thuộc loại tinh hoa dân tộc. Họ dùng tiêu chuẩn đức tài để thi thố làm quan. Khi được chọn làm quan, họ được hưởng lương xứng đáng với công của mình đóng góp cho xã hội. Họ luôn toàn tâm toàn ý, ra sức rèn luyện, tu dưỡng để được tín nhiệm lâu dài, để có tiền lương nuôi sống bản thân và gia đình – nặng về lương.
Quan chức ở các nước theo thể chế chính trị độc tài do lãnh đạo thể chế ấy cử ra, ít chú trọng về tài đức mà nặng về dòng tộc, thân hữu. Vì kém tài đức nên họ tranh thủ thời gian chụp giựt, vì biết mình không thể thọ lâu ở ghế quan. Lương đối với họ không thành vấn đề, lộc bổng mới là vô tận. Lo cho bản thân và gia đình đủ sống là chuyện nhỏ, lo cho bản thân và gia tộc được giàu sang mới là đích đến – nặng về lộc bổng.
Dưới thể chế dân chủ quan do dân cử ra, họ thật sự là đầy tớ của dân, họ quản lý xã hội theo pháp luật, không có sự hà hiếp dân. Họ biết xấu hổ từ chức khi không còn xứng đáng. Đôi khi cũng có quan chúc lén tham, khi phát hiện họ bị xử trị đến nơi đến chốn.
Dưới thể chế độc tài, quan chức do giới cầm quyền của thể chế ấy cử ra. Hành vi của họ chỉ là làm đầy tớ; quản lý xã hội theo cảm tính ( luật rừng) chớ không tuân theo pháp luật chung; luôn thủ vai như quan Thừa sai thời Pháp thuộc được cử đến cai trị đám dân đen; tham nhũng trở thành thuộc tính... Họ lỳ lắm: không biết xấu hổ là gì; đôi khi "ăn" không cần chùi mép; dù tín nhiệm thấp cùng cực nhưng vẫn còn có phiếu "tín nhiệm" nên không có chuyện từ chức, trừ phi cấp trên họ cách chức, nhưng cách chức nhiều quá lấy ai làm việc, dung dưỡng cho quan tham trở thành chứng bịnh của thượng cấp.
Độc tài và tham nhũng như linh hồn và thể xác, chúng không thể tồn tại đơn lẻ. Vì vậy phải khẳng định "thể chế độc tài không bao giờ chống tham nhũng thật". Từ lời nói và việc làm đều là động tác giả, chỉ là những viên thuốc hạ nhiệt khi dân chúng lên cơn sốt.
Người chăn nuôi bò chẳng hạn, không bao giờ họ đem hết đàn bò tế Thần đâu, lâu lâu người ta chọn một con bò già, bò bịnh hoặc vô sinh, thịt để tế Thần. Không phải tế vô điều kiện đâu, mỗi lần tế, miệng người ta lâm râm cầu Thần phò hộ cho cả đàn bò được khỏe mạnh, sinh sản tốt. v.v.
Dưới thể chế độc tài, quan tham không kể xiết, quá sức chịu đựng, người dân biểu tình, khiếu kiện khắp nơi. Để an dân, lâu lâu cũng thay phiên nhau nói "Nếu trị không được tham nhũng tôi từ chức", "Phải trị tham nhũng để bảo vệ chế độ"... rồi thành lập ban nầy tổ chức nọ để diệt "chuột và sâu bọ" với quyết tâm "gặp hốt liền, không nói nhiều". Hốt được mới có mấy con, Trưởng ban chống tham nhũng kêu lên "Ném chuột coi chừng vỡ bình" và "đánh thì đánh nhưng không xới lên". Thế là đàn chuột tha hồ phá, nếu bị truy đuổi rút vào bình . Đối với những kẻ ăn không biết chùi mép, bị dân chúng đồng thanh lên án như Dương Chí Dũng, Bầu Kiên, Trần văn Truyền... chẳng hạn, không thể che giấu được, dầu đau lòng, Đảng buộc phải xử trị họ theo pháp luật. Vậy là chống tham bằng lời nói hay thực hành đều là động tác giả, là những liều thuốc an thần tiêm vào dân để hạ nhiệt nhằm bảo vệ đại cục.
Trao đổi với BBC hôm 22/11/2014, ý kiến của của Luật sư Trần Quốc Thuận được trang Bauxite Việt Nam đăng lại với tựa đề " Ủy viên Bộ Chính trị hãy công khai tài sản", có đoạn: "Tôi hy vọng sau vụ ông Truyền thì có thể Đảng và Nhà nước đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng và đặc biệt trên Facebook, trên Internet, người ta có dịp đưa hình ảnh những người có tài sản lớn lên. Cái đó cũng là việc đấu tranh chống tham nhũng...". Ông đề xuất thêm: "Từ việc ông Truyền, nên chăng, muốn lấy lòng tin của nhân dân một cách rõ ràng thì phải công khai tài sản đăng trên báo hết, các ông lãnh đạo cấp cao lần xuống các địa phương, làm gương trước. Cũng như nghị quyết Trung ương 4 là phải kiểm điểm từ trên xuống..."
"Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép chống tham nhũng" Luật sư Thuận ơi. Đảng ta gần như hết cách mà ông xúi hoài. Thay vì xúi Đảng chọn thể chế Dân chủ để tồn tại còn hơn... Luật sư nói không sai, nhưng phải biết mình đang sống với thể chế nào, những đề xuất của Luật sư chỉ đúng dưới thể chế Dân chủ. Cũng từ đề xuất của Luật sư, tôi nêu ra 2 câu hỏi:
1/ Công khai tài sản quan chức lên báo để chết hết hay sao ?
2/ Bộ Luật sư chưa ngao du trên Internet nên chưa thấy gia sản quan chức ? – Hãy vào Google gõ địa chì "CLB NOKIA.wordpress.com" sẽ thấy nhà cửa của quí quan ông, quan bà mà choáng ngợp, đừng quên tham quan nhà cụ Lê Khả ở nội đô, nội thất có trống đồng Đông Sơn, ngà voi... và bên cạnh có vườn rau sạch chỉ với giá trị 12 ngàn đô.
Tôi có cảm nhận: Tham nhũng ở nước ta đã hết thuốc chữa. Đảng ta đang chống tham nhũng mang tính cách tượng trưng nhầm tạm thời an dân để cầm hơi. Chống tham nhũng thật cũng chết mà không chống cũng chết. Xử lý tham nhũng còn khó hơn thay đổi thể chế chính trị.
Thiện Tùng

No comments:

Post a Comment