Monday, December 15, 2014

Một ngày bình yên, trong một đất nước bình yên là như thế!!!

Thứ Hai 15.12.2014   
Chủ đích phá đám, ngăn chặn bất cứ buổi họp mặt tọa đàm nào của các công dân bất chấp sự hiện diện của các nhân viên sứ quán ngoại quốc đã cho thấy sự sợ hãi tột cùng của CSVN. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: " Một ngày bình yên, trong một đất nước bình yên là như thế!!!" của Phương Bích sẽ được Tâm Anh trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Tôi nhận được thông báo của Diễn đàn xã hội dân sự, về cuộc "Tọa đàm về Cơ chế của LIÊN HIỆP QUỐC về Bảo vệ Người Bảo vệ Nhân quyền", tổ chức tại nhà thờ Thái Hà vào sáng ngày 26/11/2014. Trước đó, tiến sĩ Quang A cũng trao đổi trên diễn đàn về cuộc nói chuyện với đại diện Bộ công an (là đối tượng được mời tham dự buổi tọa đàm). Việc các vị ấy từ chối tham dự không có gì khiến người ta phải ngạc nhiên. Nhưng nó cũng cho thấy sự bối rối của các vị ấy hơn là sự trơ trẽn. Nhận lời thì sợ rằng đương nhiên thừa nhận sự tồn tại của các tổ chức dân sự khác, trong khi nhà cầm quyền chỉ muốn các tổ chức đó lệ thuộc vào nó, là tổ chức độc tôn trên đất nước này. Không nhận lời thì vắng cô chợ vẫn đông, hiến pháp không cấm người dân tọa đàm với nhau, về mọi thứ trên đời, kể cả về tính chính danh của đảng cầm quyền này hay không.
Rút kinh nghiệm từ các cuộc hội thảo, tọa đàm trước đây bị quấy rối, ngăn cản khi được tổ chức tại các hội trường đi thuê hay đi mượn, hay ở quán cà phê. Cuộc tọa đàm lần này, được các Cha dòng Chúa Cứu Thế nhà thờ Thái Hà cho mượn hội trường.
Thế nên sáng nay tôi đi khá sớm, phòng tắc đường. Vừa dắt xe ra khỏi hầm, thấy 3 chú an ninh đang ngồi chờ vêu mặt. Chú lớn tuổi nhất tiến lại gần. Hai chị em chào hỏi nhau rôm rả. Tôi hỏi: Lại phải canh à? Rõ khổ! (tôi đoán đã canh thì canh từ sớm lắm).
Chú ấy hỏi chị đi đâu? Tôi thật thà bảo, chị đến nhà thờ Thái Hà. Chú ấy còn biết nói gì, ngoài việc "khuyên bảo" tôi đừng đi, nên ở nhà chăm bố già. Lại phải tranh luận tý rằng các chú làm nhiệm vụ cứ làm, còn khuyên thì cả về trách nhiệm lẫn nắm bắt thông tin ngoài xã hội, chị mới là người khuyên các chú. Ai lại khuyên ngược đời thế? Chị đi còn để xem có ai phá buổi tọa đàm này không? Xem ông Phạm Quang Nghị nhận xét rằng Hà Nội rất bình yên có đúng không? Thôi, chị đi đây kẻo muộn, tranh luận thì để lúc khác.
Tôi phóng xe đi, thú thực trong lòng rất thương các em nó. Chúng nó không canh tôi thì khắc có người khác canh. Ai canh tôi cũng thương cả - rất thực lòng.
Ngay đoạn từ Nguyễn Lương Bằng rẽ vào, đã có một xe CSGT án ngữ. An ninh, dân phòng rải từ ngoài đường vào đến cổng nhà thờ. Một thành viên của Đại sứ quán Úc có thắc mắc, tại sao an ninh lại không dám vào nhà thờ? Cậu Lã Việt Dũng giải thích, theo Luật pháp, thì đất nhà thờ không phải đất công cộng, mà là thuộc quyền cai quản của nhà thờ (tôi hiểu nôm na là giống như các cơ quan quản lý trụ sở của mình vậy?), thế nên khi chủ nhà không mời thì khách không được vào.
Mọi người đến đông dần. Tất cả các thành viên của các Sứ quán đều phải đi bộ từ ngoài ngõ vào, vì xe ô tô bị chặn ngay từ ngoài đường Nguyễn Lương Bằng. Trước khi tôi đi, đã kịp đọc thông báo của tiến sĩ Nguyễn Quang A trên mạng, rằng ông đang bị năm sáu người cản trở, khi ông đi bộ trên đường Nguyễn Văn Cừ - Gia Lâm từ lúc 5 giờ sáng. Ông phải đi bộ vì bị những người kia chặn không cho ông lên xe buýt.
Như vậy, với tuổi ngoài 60, tiến sĩ Nguyễn Quang A đã đi bộ hơn 10 km để sang Hà Nội. Vợ con ông đi xe máy kèm theo, phòng bất trắc. Hơn 9 giờ sáng, ông đã đến được ngã tư Ô Chợ Dừa và đang bị chặn quyết liệt ở đó. Có lẽ Ban tổ chức chưa lường được tình huống này, nên chưa có sự điều phối người để hỗ trợ tiến sĩ. Khi tôi hỏi, thì biết đã có vài giáo dân ra đón bác Quang A. Không yên tâm lắm, tôi xuống nhà, phóng xe về phía Ô Chợ Dừa. Vừa ra khỏi cổng nhà thờ, thấy chừng nửa trăm nhân viên an ninh ngồi dọc 2 bên đường – uống nước trà và chờ đợi! Ngoài đường cũng nửa trăm nữa đang đứng duyệt binh hai bên ngõ.
Tôi phóng xe đi, mắt chăm chăm nhìn sang bên kia đường. Đến đầu Ô, thấy một đám đông đông trên vỉa hè, tôi bèn dắt xe sang đường, lại gần mới nhận ra bác Quang A đang đứng giữa vòng vây, nhờ vóc dáng cao lớn của bác ấy. Tôi gọi to:
- Bác Quang A!
Bác ấy chen ra, mặt đầy mồ hôi. Tôi bảo bác ấy:
- Bác lấy xe em mà đi này
Nhưng bác ấy bảo không có mũ. Tôi bảo bác cứ đi đi, xe đạp điện không cần mũ. Một cậu an ninh bảo: thế sao chị lại đội mũ? Anh Trương Văn Dũng đứng cạnh đó, bèn tháo mũ bảo hiểm đưa cho bác Quang A, nhưng chính lúc tranh cãi lằng nhằng đó, bác Quang A đã nhanh chân rảo bước khỏi đám đông, mấy thanh niên chạy ùa theo để ngăn cản, nhưng bị chúng tôi la lối phản đối. Rốt cuộc họ đành lẵng nhẵng đi theo chúng tôi và bác Quang A
Vừa đi vừa nhìn bác ấy mồ hôi ướt đầm, thấy thương và cảm phục người đàn ông này quá. Đừng ai nói rằng trí thức Việt Nam chẳng làm gì nữa nhé.
Đến lối rẽ vào ngõ, chỗ này mới thực sự là chốt cuối cùng – đông đặc người!
Tất cả chúng tôi lập tức gần như lọt thỏm vào trong đám đông an ninh và dân phòng. Một bác giáo dân trung niên, dùng lưng che trước mặt bác Quang A như kiểu che cho thủ lĩnh, bị đám an ninh đe dọa gì đó, nhưng bác ấy rất cứng, bảo chả có lý do gì bắt bác ấy cả. Trong lúc xô đẩy hỗn loạn, tôi bèn lách ra, phi xe vào nhà thờ, quẳng xe ngay tại cổng, cùng lúc có Lã Việt Dũng, mấy người phụ nữ ở các sứ quán đang đi ra cổng. Hẳn cô gái tên Mai Thanh lúc trước đã kịp phóng xe về nhà thờ "xin hỗ trợ" cho bác Quang A.
Tất cả chúng tôi hối hả đi ra đường, nhìn thấy bác QA đang bị ép sát vào phía tường nhà dân. Mấy tay an ninh dùng lưng chắn đường những phụ nữ ở sứ quán đang tìm cách len vào chỗ bác ấy. Mọi người cố ẩy mấy cái lưng ra, bảo sao người Hà Nội gì mà bất lịch sự thế. Giờ mới thấy gã họ Lã dũng cảm. An ninh đông đặc thế mà hắn len vào tít phía trong, nắm tay bác QA đưa ra. Thoát ra khỏi lớp an ninh này, lớp an ninh khác lại trờ tới. Một phụ nữ Châu Âu cao lớn vừa đi tới, lên tiếng gọi tiến sĩ QA. Hai người bèn a lên, vòng tay ôm nhau qua một cái lưng của tay an ninh nào đó, tôi đứng đằng sau, tiện tay đẩy mạnh bác Q.A cho ra khỏi hẳn cái đám đông như ruồi bu ấy....Giằng co thêm một tý, chả hiểu sao lúc đó họ lại buông, nên tất cả chúng tôi đi vào trong nhà thờ bình an. Sau này, anh Trương Văn Dũng kể, có nghe được bọn họ hỏi nhau: có chặn nữa không? Một tay nào đó bảo: Thôi!
Thế đấy mấy chú an ninh nhé. Nếu hôm nay chị ở nhà, làm sao chị biết được thành phố ta thanh bình như ông Phạm Quang Nghị nói là như thế nào. Ới ông Nghị ơi, lần sau xin mời ông đích thân ra đường nhé!
Phương Bích

No comments:

Post a Comment