KHÔNG QUAN CHỨC NÀO THỪA NHẬN VIỆC ĂN HỐI LỘ CỦA CÔNG TY NHẬT
Sau mấy tuần mở cuộc điều tra, bộ giao thông VN thông báo là toàn bộ
14 quan chức cao cấp của ngành hỏa xa đều phủ nhận việc ăn hối lộ của
một công ty Nhật. Thông cáo này cho biết thêm là phái đoàn do một thứ
trưởng giao thông cầm đầu sang Nhật cũng chưa có kết quả vì nội vụ đã
chuyển giao cho cảnh sát Nhật để điều tra.
Cần nhắc lại là vào cuối tháng vừa qua, báo chí Nhật loan tin là chủ
tịch công ty tư vấn giao thông (viết tắt là JTC) đã thú nhận việc hối lộ
cho một quan chức "cao cấp" của ban quản lý dự án đường sắt VN một số
tiền lên đến 800 triệu Yen, tức khoảng 800 ngàn Mỹ kim, để được trúng
thầu. Nhà cầm quyền VN sau đó đã ngưng chức một loạt cán bộ để yêu cầu
giải trình.
Tuy nhiên vào hôm qua, chánh thanh tra bộ giao thông VN loan báo là
14 quan chức này đã đệ nạp báo cáo, nội dung khẳng định là họ không hề
dính líu hay tiếp tay trong vụ hối lộ này.
DÂN QUẢNG BÌNH LẬP CHƯỚNG NGẠI VẬT, PHONG TỎA NHÀ MÁY GÂY Ô NHIỄM
Vào hôm qua, hàng trăm người dân xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh
Quảng Bình đã rải đá tảng, cây cối và cột điện trên khắp mặt đường dẫn
vào nhà máy xi măng Áng Sơn 2 để phản đối tình trạng ô nhiễm môi trường
mà nhà máy này gây ra.
Nhiều người dân cho biết là nhà máy xi măng này đã gây ô nhiễm trầm
trọng suốt mấy năm qua, và mặc dù họ đã nhiều lần gửi đơn than phiền đến
các cấp chính quyền nhưng không được giải quyết. Việc phong tỏa vào hôm
qua đã khiến nhà máy phải dừng hoạt động, và các cấp chính quyền cũng
như nhà máy đã đồng ý mở cuộc đối thoại với dân.
Trong một diễn biến khác vào hôm qua, hàng trăm tiểu thương chợ Bến
Thủy đã bao vây trụ sở tiếp dân của nhà cầm quyền thành phố Vinh để phản
đối kết luận của ban thanh tra thành phố này về việc thu phí quá cao và
nhiều khoản thu không minh bạch tại chợ này.
Được biết là vào tháng 9 năm ngoái, giới buôn bán ở chợ Bến Thủy đã
gửi đơn tố cáo những việc làm mờ ám của ban quản lý chợ này, khiến nhà
cầm quyền phải lập đoàn thanh tra. Tuy nhiên một số kết luận của đoàn
thanh tra đã không làm thỏa mãn các tiểu thương, nếu không muốn nói là
có tính bao che cho các hành vi sai trái của ban quản lý chợ Bến Thủy.
NÔNG DÂN MIỀN NAM KHÓC RÒNG VÌ TRÚNG MÙA LÚA NHƯNG KHÔNG BÁN ĐƯỢC
Hàng trăm ngàn nông dân miền Nam đang khóc ròng bên những đống lúa
chất cao như núi vì không bán được cho ai. Đáng buồn hơn nữa là hàng
trăm ngàn mẫu ruộng lúa đang chín vàng ở khắp các tỉnh nhưng không thể
gặt vì còn chờ giới thương lái đến mua.
Nhưng dù có được người mua thì giới nông dân vẫn lỗ nặng. Hiện giá
lúa loại tốt chỉ ở mức 4 đến 5 ngàn đồng một ký, nhưng có nguy cơ tiếp
tục giảm giá trong những ngày tới.
Cần biết là vài tuần trước đây, nhà cầm quyền VN mạnh mẽ tuyên bố là
sẽ thu mua một triệu tấn gạo để dự trữ. Con số này quá thấp so với sản
lượng thu hoạch hiện nay. Chỉ riêng tỉnh Kiên Giang, sản lượng gạo của
vụ mùa này là vào khoảng 2 triệu 200 ngàn tấn nhưng chỉ tiêu thu mua của
Hiệp hội Lương thực là 84 ngàn tấn tại tỉnh này.
LÀN SÓNG BIỂU TÌNH BẠO ĐỘNG TẠI TỈNH QUẢNG ĐÔNG – HOA LỤC
Nhà cầm quyền Bắc Kinh đã lên tiếng đe dọa người dân tỉnh Quảng Đông
sau khi xảy ra nhiều vụ biểu tình bạo động tại tỉnh này trong mấy ngày
qua.
Giới truyền thông Trung Cộng đã che dấu các tin tức về cuộc biểu tình
dữ dội tại thành phố Mậu Danh tỉnh Quảng Đông vào hôm Chủ nhật vừa qua,
với nhiều người bị thương bị thương trong các cuộc giao chiến với lực
lượng đàn áp. Cuộc biểu tình nổ ra là nhằm phản đối kế hoạch xây một nhà
máy sản xuất hợp chất paraxylene, một nguyên liệu thiết yếu trong ngành
sản xuất chai lọ bằng nhựa.
Vào hôm thứ Ba, làn sóng biểu tình đã lan sang tỉnh Quảng Châu kế
cận. Các hình ảnh trên mạng cho thấy cảnh người dân giao chiến với cảnh
sát và nhiều xe hơi bị đốt cháy. Nhà cầm quyền hai tỉnh này đã giận dữ
lên án người biểu tình là "vi phạm pháp luật" và tuyên bố là sẽ đình chỉ
việc xây dựng các nhà máy hóa chất này.
PHILIPPINES TUYÊN BỐ KHÔNG SỢ HÃI VIỆC TRỪNG PHẠT KINH TẾ CỦA TRUNG CỘNG
Chính phủ Philippines vào hôm qua tuyên bố là sẽ bảo vệ chủ quyền
quốc gia đến cùng, bất chấp sự thiệt hại kinh tế đến từ việc gián đoạn
mậu dịch với Trung Cộng.
Bộ trưởng thông tin Phi tuyên bố trong một thông cáo báo chí là chính
phủ có nhiệm vụ bảo đảm nền an ninh quốc gia và nền kinh tế quốc dân,
bất chấp sự đe dọa của bất cứ quốc gia nào. Tuyên bố này được xem là lời
trả đũa đối với lời đe dọa của Trung Cộng là nước Phi sẽ gánh chịu mọi
hậu quả đến từ việc kiện tụng Trung Cộng tại tòa án quốc tế trong cuộc
tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Mặc dù không nói rõ các biện pháp ứng phó của chính phủ Phi đối với
các biện pháp trừng phạt kinh tế của Trung Cộng, nhưng bộ trưởng thông
tin Herminio Coloma cho biết là nước Phi sẽ có những giải pháp để ổn
định nền kinh tế quốc gia. Cần nói thêm là nước Phi xuất cảng khoảng 746
triệu Mỹ kim hàng hóa sang Trung Cộng vào năm ngoái và nhập về khoảng
670 triệu Mỹ kim hàng hóa từ Trung Cộng.
CAMPUCHIA SẮP ĐI ĐẾN THỎA THUẬN GIỮA HAI PHE CHÍNH TRỊ
Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng bế tắc về chính trị tại
Campuchia đang được phá vỡ sau vài tháng đàm phán giữa phe cầm quyền và
liên đảng đối lập.
Cần nhắc lại là Campuchia đã rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị
sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7 năm ngoái, với phe đối lập tố cáo là
có gian lận và phủ nhận kết quả bầu cử này. Quốc hội Campuchia đã không
thể hoạt động suốt mấy tháng qua vì sự tẩy chay của 55 dân biểu đối
lập.
Trong mấy ngày qua, một số thủ lãnh đối lập cho biết là họ sẵn sàng
trở lại bàn đàm phán nếu chính phủ Hun Sen đồng ý về một số nhượng bộ,
chẳng hạn như phải cải tổ Uỷ ban Tuyển cử Quốc gia với số thành viên
được bổ nhiệm phải tương đương giữa mỗi bên. Đồng thời phe đối lập cương
quyết giữ nguyên đề nghị tổ chức bầu cử lại vào tháng 5 tới đây dưới sự
giám sát chặt chẽ của nhân viên Liên Hiệp Quốc.
No comments:
Post a Comment