Monday, April 21, 2014

Tin tức ngày thứ Hai, 21.04.2014

NHÓM CÀ PHÊ NHÂN QUYỀN Ở NHATRANG SẼ KIỆN CÔNG AN VỀ VỤ HÀNH HUNG HỌ

Nhóm Cà Phê Nhân Quyền cho biết là họ sẽ khởi kiện công an Nha Trang về vụ hành hung và bắt bớ họ vào hôm thứ Bảy tuần qua.
Cần nhắc lại là nhóm này đang mở cuộc thảo luận bàn tròn về các đề tài dân chủ và nhân quyền, trong đó có vấn đề chống tra trấn và vấn nạn người dân bị đánh chết trong đồn công an, thì bất ngờ bị công an côn đồ tấn công vào quán cà phê mà họ đang tụ họp trên đường Trần Phú ở bờ biển Nha Trang. Sau khi họ chống đối lệnh giải tán của bọn công an thì một nhóm côn đồ đã nhào vào gây rối. Một số thành viên bị công an ép đưa lên taxi, và ngay sau đó bị đánh đập ngay trên xe.
Các blogger Paulo Thành Nguyễn và Mẹ Nấm cho biết là công an đã thẳng tay tát vào mặt và thậm chí bóp cổ các phụ nữ phản đối các hành động thô bạo của chúng. Nhóm Cà Phê Nhân Quyền cho biết là họ rất bất ngờ trước hành động đàn áp này, vì hai tháng trước đây, hai buổi thảo luận tương tự tại Hà Nội và Sài Gòn đã diễn ra vô cùng êm đẹp, mặc dù có an ninh mật vụ bủa vây chung quanh.
Vào hôm qua, một tờ báo lề đảng ở Nha Trang thậm chí còn vu khống nhóm Cà Phê Nhân Quyền là gây rối trật tự xã hội và "chống phá chính quyền". Chính vì thế, nhóm đấu tranh này quyết định khởi kiện lực lượng công an mật vụ Nha Tranh về các hành vi khủng bố và bắt bớ phi pháp nói trên.

CON SỐ DÂN OAN MỖI LÚC MỘT ĐÔNG THÊM

Nhà cầm quyền CSVN vừa lên tiếng thú nhận là số lượng dân oan mỗi lúc một gia tăng, mà điển hình là trụ sở tiếp dân của trung ương phải trực diện đến 7 hay 8 đoàn người khiếu kiện mỗi ngày, với vài trăm người mỗi đoàn.
Theo báo cáo của vụ tiếp dân vửa gửi lên văn phòng chính phủ, chỉ trong năm 2013 và 3 tháng đầu năm nay, số lượng người nộp đơn khiếu nạn tại các trụ sở tiếp dân đã gia tăng hơn 30% so với năm 2012. Nội dung kiện cáo liên quan chủ yếu đến lãnh vực đất đai bị cưỡng chiếm hay giá cả bồi thường không thỏa đáng.
Báo cáo viết rõ là hiện tượng dân oan vẫn tiếp tục kéo dài vì không được chính quyền các cấp giải quyết một cách rốt ráo, nếu không muốn nói là thiếu trách nhiệm hay chỉ biết đùn đẩy trách nhiệm.

NGƯỜI DÂN DỰNG LỀU BAO VÂY MỘT TRẠI NUÔI HEO Ở TỈNH THANH HÓA

Vào cuối tuần qua, hàng trăm người dân xã Yên Tâm, huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa, đã dựng lều bao vây một trại nuôi heo đã gây ô nhiễm môi trường sinh sống của họ suốt mấy năm qua.
Theo lời người dân, trại heo này được thành lập từ năm 2008 và hiện nuôi khoảng 4 ngàn con heo giống nhưng không có tường bao quanh và hệ thống giải quyết chất thải cũng như mùi hôi thối, gây ô nhiễm trầm trọng cho dòng sông Hón Măng, nguồn nước sinh hoạt chính yếu của xã Yên Tâm.
Cuộc dựng lều bao vây trại nuôi heo này đã cắt đứt con đường vận chuyển thức ăn vào trại. Người dân Yên Tâm đang thay phiên nhau canh gác suốt ngày để chờ đợi các cấp chính quyền đến nơi giải quyết.

NHẬT BẢN XÂY DỰNG CĂN CỨ GẦN QUẦN ĐẢO TRANH CHẤP VỚI TRUNG CỘNG

Chính phủ Nhật đã xúc tiến việc xây dựng một trạm radar quân sự gần quần đảo đang tranh chấp chủ quyến với Trung Cộng có tên gọi là Sensaku, nhưng Trung Cộng gọi là Điếu Ngư.
Căn cứ này được xây trên đảo Yogani, cách quần đảo Sensaku 150 cây số, và sẽ có 150 nhân viên luân phiên làm việc tại trạm radar này theo nhiệm kỳ 2 năm. Tuyên bố trong ngày khởi công xây dựng, bộ trưởng quốc phòng Nhật nói rằng đây là lần đầu tiên nước Nhật mở rộng vòng đai phòng vệ kể từ khi Hoa Kỳ trao trả hòn đảo Okinawa vào năm 1972.

HOA KỲ ĐIỀU ĐỘNG BINH SĨ ĐẾN BA LAN ĐỂ GIA TĂNG ÁP LỰC VỚI NƯỚC NGA

Tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Nga về vấn đề Ukraine đang gia tăng thêm khi chính phủ Mỹ quyết định điều động binh sĩ đến Ba Lan và Estonia để gia tăng áp lực đối với Nga.
Theo một số nguồn tin thì Hoa Kỳ dự định gửi 200 binh sĩ tham gia cuộc tập trận quân sự với hai đồng minh Ba Lan và Estonia mà Hoa Kỳ tuyên bố là "nhằm tăng cường khả năng đối phó trên bộ, trên không và trên biển" của hai quốc gia cựu cộng sản.
Quyết định này cũng nhằm trấn an các quốc gia Đông Âu đang tỏ ra lo ngại về cuộc căng thẳng tại Ukraine sau khi các phe nhóm thân Nga đang tấn chiếm nhiều vùng đất của Ukraine và làn sóng này có nguy cơ diễn ra tại các quốc gia từng là chư hầu của Liên Xô trước đây.

No comments:

Post a Comment