Thứ Sáu, ngày 25.04.2014
Hành hạ thể xác chưa đủ mà phải kèm
thêm khủng bố tinh thần để hủy hoại hoàn toàn sự đối kháng của những
nhà đấu tranh cho tự do dân chủ. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình,
chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết của Kính Hòa có tựa đề: "
Sự khủng bố tinh thần " sẽ được Tâm Anh trình bày để tiếp nối chương
trình tối hôm nay
Những xung đột giữa dân chúng với bộ máy công lực ở Việt nam ngày
càng mang tính bạo lực. Gần đây nhất là vụ bạo động tại xã Bắc Sơn, Hà
tĩnh. Bên cạnh đó, sự khủng bố về tinh thần cũng đã và đang được sử dụng
trong suốt chiều dài tồn tại của chế độ cộng sản.
Xuất phát từ ý thức hệ đấu tranh giai cấp, tất cả các đảng cộng sản
khi giành được chính quyền đều xây dựng một bộ máy công an rộng lớn để
thực hiện cái gọi là đấu tranh giai cấp của họ. Người đầu tiên thành lập
mô hình nhà nước cộng sản là Lenin, ông ta đã định nghĩa nhà nước cộng
sản một cách ngắn gọn là: "Nhà nước-dùi cui." Tức là: Nhà nước chỉ là
biện pháp cưỡng bách, đúng hơn là cơ quan đàn áp của một giai cấp đối
với các giai cấp khác trong xã hội. Định nghĩa này được Milovan Djilas,
người từng là nhân vật số hai của đảng cộng sản Nam tư trích dẫn trong
tác phẩm "Giai cấp mới" của ông xuất bản hồi những năm 50 của thế kỷ
trước.
Các số liệu được tiết lộ từ Trung cộng cho biết kinh phí dành cho
công an, mật vụ của nước này cao hơn cả số tiền dành cho quân đội.
Và nhà nước cộng sản tổ chức bộ máy công an mật vụ này cắm rễ sâu
xuống đến từng làng xã ở thôn quê hay các tổ dân phố ở đô thị. Sau khi
Đông Đức bị sụp đổ, người ta biết được rằng cứ trong tám người dân của
quốc gia này thì có một người không ít thì nhiều liên quan đến bộ máy
công an.
Ở Việt nam chưa có số liệu nào được đưa ra, nhưng cũng dễ thấy hình
ảnh của bộ máy ấy dàn trải khắp nơi, từ các phòng công an có ký hiệu
đứng đầu là chữ P, các loại công an từ bộ, từ tỉnh, cho đến dân phòng ở
những khu phố. Qua những hình ảnh từ những cuộc biểu tình bị đàn áp, đôi
khi người ta thấy số nhân viên công an, an ninh với đủ loại sắc phục
còn đông hơn cả những người biểu tình.
Qua những phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại, hình ảnh đàn
áp bằng bạo lực của công an dễ dàng được nhận thấy, từ chuyện lôi kéo
người biểu tình, người nông dân đòi đất lên xe, cho đến gần đây là việc
đàn áp của hàng trăm công an tại Bắc sơn Hà tĩnh.
Nhưng bên cạnh đó còn có một sự áp bức tinh thần khó thấy hơn. Sự
khủng bố này gieo rắc sự sợ hãi và thường xuyên nhắm tới những người trí
thức như là: quăng đồ dơ vô nhà, khám nhà, phá nhà, tịch thu và lục lọi
trên máy tính nhằm tìm những tài liệu mà họ cho là có ảnh hưởng tới an
ninh nhà nước.
Gia đình của những người bị công an nhắm tới cũng thường được cơ quan
công an sử dụng để làm công cụ áp lực với những người đối kháng. Giáo
sư Đoàn Viết Hoạt kể lại cơ quan công an đã sử dụng gia đình ông ra sao
để trục xuất ông sang Hoa Kỳ:
"Thế là họ đưa nhà tôi từ bên Mỹ về, vào thẳng trong trại để thuyết
phục tôi đi. Các con tôi và các bạn tôi cũng muốn tôi đi bởi vì họ lo
sức khỏe của tôi, đã bốn năm không có tin tức gì hết. Thậm chí nhà tôi
còn lo là liệu tôi có ngồi xe lăn không.
Vì những lời thỉnh cầu như vậy nên tôi đồng ý đi thì họ lại bắt làm
một đơn xin đặc xá để xuất ngoại chữa bệnh, thì tôi không chấp nhận. Tôi
nói chỉ làm đơn xuất ngoại chữa bệnh thôi chứ không đặc xá. Ba lần như
vậy. Cuối cùng thì họ không bắt tôi làm đơn nữa."
Những chuyện viết đơn, hoặc ký xác nhận là việc mà công an hay sử
dụng với những người đối kháng. Mới đây nhà văn Phạm Đình Trọng bị cơ
quan công an mời lên để ký ...những bài ông đã viết với chính tên của
ông.
Sự kiểm soát và gieo rắc sợ hãi về tinh thần như thế được mở rộng ra
trong cả giới sinh viên Việt nam đang du học ở nước ngoài để kiểm soát
họ và ngăn cản những sinh hoạt chính trị, tinh thần của họ. Sinh viên
Nguyễn Tường từ Đài Loan cho biết:
"Du học sinh ở đây thành lập những nhóm và có những đảng viên cài cắm vào, hoặc là những người mang hơi hướng bảo thủ, cộng sản.
Họ lập hồ sơ để biết những hoạt động ở nước ngoài thế nào. Em cũng bị
rắc rối vì họ áp lực lên gia đình. Gia đình em bảo là em không được
tham gia những hoạt động chính tr, hay diễn đạt những tư tưởng trái với
nhà nước lên những trang công cộng như là Facebook.
Họ cai trị bằng cách gieo rắc sợ hãi, lên mình và lên cả người thân và gia đình nữa. Và đó là cái em đang lo."
Sự áp chế tinh thần đó bao gồm cả triệt hạ nguồn sống, đe dọa về tinh
thần và thể xác. Mục sư Nguyễn Trung Tôn, từ Thanh Hóa cho phóng viên
Anh Vũ biết như vậy về hoàn cảnh gia đình ông. Và đối với nhiều trí thức
thì sự áp chế tinh thần còn khủng khiếp hơn cả bạo lực. Sau lần làm
việc với cơ quan công an, nhà văn Phạm Đình Trọng cho chúng tôi biết:
"Thế nhưng mà cái bạo lực bằng cơ bắp, bằng dùi cui nó không nguy
hiểm bằng bạo lực tinh thần anh ạ. Công an sử dụng bạo lực với người
dân, đánh chết chỗ nọ chỗ kia thì cũng đã là nguy hiểm, nhưng mà cái bạo
lực mà công an cứ hành người dân, cứ gọi lên gọi xuống thì đó là một
thứ bạo lực tinh thần.
Để kết thúc, chúng tôi xin mượn lời Milovan Djilas, ông nói rằng
những kém cỏi về nội tại của mô hình cộng sản về kinh tế và xã hội làm
cho những người cộng sản cần có một tổ chức đồng nhất về tư tưởng. Và do
đó, theo ông, chính là nguyên nhân của sự áp chế tinh thần của các nhà
nước khi dùng bộ máy công an khổng lồ của họ.
Kính Hòa
No comments:
Post a Comment