Sunday, April 13, 2014

Nói Với Người Cộng Sản

Chủ Nhật, ngày 13.04.2014    
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục Nói Với Người Cộng Sản. Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. Nói Với Người Cộng Sản do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian.
Kính chào quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm và các bạn công an, bộ đội,
Cách nay 39 năm, nước Việt Nam ta đang chuẩn bị chứng kiến một chiến thắng vang dội của phía cộng sản miền Bắc trong cuộc nội chiến 21 năm với chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Hôm nay chúng ta hãy cùng xem lại chút tâm sự cuối đời của nhà văn quân đội, đại tá cộng sản Nguyễn Khải – người đã góp phần vào biến cố đó. Đó là tùy bút "Đi tìm cái tôi đã mất", được viết vào năm 2006, hai năm trước khi Nguyễn Khải qua đời.
Mở đầu tùy bút, Nguyễn Khải viết thế này:
«Năm 70 tuổi tôi bắt đầu chán viết, người rã ra, đọc sách cũng nằm, đọc được mười lăm phút chữ nghĩa đã lòe nhòe, chả rõ mình đang đọc cái gì. Rồi ngủ. Ngủ như chim, một chớp mắt đã tỉnh, tiếp tục đọc nốt cái nửa trang đọc dở vẫn cứ lờ mờ vì chả còn nhớ họ viết cái gì trong cái nửa trang vừa đọc. Cũng năm ấy tôi được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 2. Mừng thì rất mừng nhưng tôi đã nhận ra ngay đây là tấm bia mộ sang trọng cắm lên một đời văn đã tới hồi phải kết thúc.»
Thưa quí vị, quí bạn, tại sao đại tá, đảng viên cộng sản Nguyễn Khải lại tỏ ra quá mệt mỏi và chán chường đến thế, và tại sao ông còn tỏ ý giễu cợt cả cái giải thưởng mang tên Hồ Chí Minh như vậy?
Những đoạn sau đây trong tùy bút sẽ cho chúng ta thấy lý do làm nên tâm trạng bi quan đó của Nguyễn Khải khi ông nhìn lại chế độ Hồ Chí Minh và cả cuộc đời riêng đã sống và phục vụ cho chế độ đó.
Về tư cách các quan chức Việt Nam hiện nay, Nguyễn Khải tả:
"Nhìn những gương mặt quan chức của tỉnh hôm nay mà kinh ngạc. Mặt người nào cũng đầy những múi thịt, sần sùi, nói nhiều, cười to, lời lẽ nhạt nhẽo, dung tục,... Có một buổi tối có một anh chàng to béo đến chơi với gia đình, cả vợ lẫn chồng nhà chủ ăn nói thưa gửi, bộ điệu khúm núm. Anh ta ngồi ưỡn người trên ghế tựa, hai chân xoạc rộng, hai bàn tay đặt lên bụng, nói hỏi trống không, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn tôi nhưng không hỏi gì, chào cũng không, mắt nhìn cứ lừ lừ, mà hắn chỉ đáng tuổi con tuổi cháu. Tôi cứ nghĩ tay này hẳn là dân buôn bán ở tỉnh có họ hàng gì với anh chủ nhà, tạt qua chốc lát rồi đi. Nhưng anh bưu tá lại bảo đó là ông chủ tịch xã."
Còn đây là phẩm chất của toàn hệ thống chính trị dưới con mắt Nguyễn Khải:
"Người cầm quyền cấp cao nhất và cấp thấp nhất đều biết cách nói mơ hồ, càng nói mơ hồ càng được đánh giá là chín chắn. Và nói dối, nói dối hiển nhiên, không cần che đậy. Vẫn biết rằng nói dối như thế sẽ không thay đổi được gì vì không một ai tin nhưng vẫn cứ nói. Nói đủ thứ chuyện, nói về dân chủ và tự do, về tập trung và dân chủ, về nhân dân là người chủ của đất nước còn người cầm quyền chỉ là nô bộc của nhân dân. Rồi nói về cần kiện liêm chính, về chí công vô tư, về lý tưởng và cả quyết tâm đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ,...»
Nhìn vào cả nền văn học nghệ thuật và sự nghiệp văn chương của cá nhân trong chế độ cộng sản, Nguyễn Khải kết luận:
«Một nền văn nghệ phải phục vụ chính trị (mà chính trị thì sớm nắng chiều mưa) là đã mất một nửa tự do rồi, lại phải phục vụ chính trị theo nghĩa các chủ trương, chính sách của từng thời kỳ thì còn gì là tự do nữa...Tôi cũng được giải thưởng văn chương cao nhất cấp quốc gia, nhưng tôi biết chỉ mươi năm nữa, thời thế đổi thay chắc chả còn ai nhớ tới mình nữa. Tôi là nhà văn của một thời, thời hết thì văn phải chết, tuyển tập, toàn tập thành giấy lộn cho con cháu bán cân. »
Nhìn lại quá khứ trước thời cộng sản, Nguyễn Khải viết: «Suốt 80 năm sống dưới ách đô hộ của Pháp, chúng ta vẫn đặt được những viên gạch đầu tiên cho nền văn xuôi Việt Nam... Nhiều truyện được đọc từ tuổi niên thiếu vẫn ám ảnh ta tới tận lúc tuổi già và một loạt các nhà thơ, nhà phê bình văn học của cái thời gọi là thuộc địa đã trở thành những tên tuổi lớn tồn tại mãi mãi trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc.
Làm thân nô lệ mà vẫn trỗi lên thành những tài năng lớn là sao?»
Còn nhìn lại chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã đổ, Nguyễn Khải kể:
« Năm đất nước mới thống nhất vào Sài Gòn được gặp gỡ các nhà văn nhà báo, các nghệ sỹ của chế độ cũ mà thèm. Họ sống thoải mái quá, nói năng hoạt bát, cử chỉ khoáng đạt, như chưa từng biết sợ ai. Còn mình thì đủ thứ sợ... Người lúc nào cũng căng cứng, nói năng gióng một nên bị bà con trong này chê là quê, nhà văn nhà báo gì mà "quê một cục".»
Là người đã tham gia cả hai cuộc chiến chống Pháp và chống Việt Nam Cộng Hòa do Đảng Cộng sản Việt Nam phát động, Nguyễn Khải xót xa viết : « Các cuộc cách mạng xã hội ở nước ta trong suốt ba chục năm đều hỏng cả... Vả lại các cuộc cách mạng ấy chả đem lại bất cứ lợi lộc nào, cho bất cứ giai cấp nào. Chỉ có những mất mát thôi.»
Cuối cùng, đại tá cộng sản Nguyễn Khải đưa ra dự báo về nguy cơ của chế độ mà ông đã góp phần dựng nên:
« Một chế độ độc tài khi phải đối mặt với những biến động lớn thường dễ bị nứt rạn, từ nứt rạn đến tiêu vong, thời gian diễn ra rất nhanh vì nó chỉ có trụ đỡ là quyền lực của một phe đảng, không có trụ đỡ về tinh thần của cả dân tộc. »
Dian, Hải Nguyên và Tiến Văn xin kính chào tạm biệt và xin hẹn gặp lại quí vị vào giờ này tuần tới.
Tiến Văn
(13/4/2014)

No comments:

Post a Comment