Chủ Nhật 27.04.2014
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi
chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với
các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng
máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do
Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian và Hải Nguyên.
Kính chào quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm và các bạn công an, bộ đội,
Nhiều người trong chúng ta hẳn đã đọc hoặc nghe thấy cụm từ "Nhân
văn-Giai phẩm". "Nhân văn-Giai phẩm" là tên ghép của hai tờ tạp chí xuất
bản năm 1956 tại Hà Nội để gọi tên cho một phong trào sáng tác văn học,
nghệ thuật một cách tự do vào khoảng cuối những năm 1950 sang đầu những
năm 1960. Nhưng ước muốn tự do đó đã bị giới lãnh đạo cộng sản tại miền
Bắc trấn áp, thủ tiêu. Như vậy, "Nhân văn-Giai phẩm" cũng là tên gọi
của một vụ trấn áp của cộng sản Việt Nam đối với giới văn nghệ sỹ sau
khi cộng sản thắng Pháp.
Chuyên mục "Nói với người cộng sản" trong dịp này muốn giới thiệu tới
quí vị, quí bạn ba nhân vật quan trọng của "Nhân văn-Giai phẩm": Phan
Khôi, Phùng Cung và Thụy An.
Trước tiên là Phan Khôi.
Nói đến "Nhân văn-Giai phẩm", dù ở góc độ nào, là người xướng lĩnh hay là người bị trấn áp, không thể không nhắc tới Phan Khôi.
Phan Khôi còn là người lớn tuổi nhất trong "Nhân văn-Giai phẩm". Ông
sinh năm 1887 tại Quảng Nam trong một gia đình quyền thế có truyền thống
tự trọng rất cao. Ông ngoại của Phan Khôi chính là Tổng đốc Hoàng Diệu –
người đã tuẫn tiết sau khi thành Hà Nội thất thủ. Ông nội Phan Khôi là
một nhà Nho còn cha Phan Khôi là một tri phủ. Phan Khôi có ý thức xã hội
và có tinh thần phản biện, cổ xúy cho cải cách, tự do từ rất sớm.
Năm 1906 khi chưa tới hai mươi tuổi, Phan Khôi đã tham gia phong trào "Duy Tân" "Đông kinh Nghĩa thục".
Năm 1908 Phan Khôi bị tống tù khoảng 3 năm trong sự kiện chống sưu thuế tại Trung Kỳ.
Sau này qua tự học và rèn luyện, Phan Khôi nổi lên trên văn đàn Việt
Nam vào đầu thế kỷ 20 như một nhà báo với cách viết đặc sắc, với lối
nghĩ rất phản biện và luôn thể hiện sự cổ xúy nhiệt thành cho văn minh
Âu Tây, cách duy lý Âu Mỹ. Ông đã từng cộng tác với các báo nổi tiếng
khi đó như Nam Phong, Đông Tây, Phụ Nữ Tân Văn, Đông Pháp Thời Báo... và
từng tự lập ra một tờ báo lấy tên Sông Hương. Với hiểu biết thâm hậu về
Hán học và Pháp học, bản dịch Kinh thánh Công Giáo của Phan Khôi là một
bản dịch giá trị.
Trong vụ án "Nhân văn-Giai phẩm", Phan Khôi nổi tiếng ở hai sự việc.
Thứ nhất là bài viết "Phê bình lãnh đạo văn nghệ". Thứ hai, Phan Khôi là
chủ nhiệm kiêm chủ bút của tờ "Nhân Văn", ra tháng 09/1956. Tờ "Nhân
Văn" ra sau tờ "Giai Phẩm", nhưng cùng theo chiều hướng bất chấp sự áp
đặt, định khuôn tư tưởng của giới lãnh đạo cộng sản miền Bắc lúc đó.
Bài "Phê bình lãnh đạo văn nghệ" đăng trong Giai phẩm Mùa thu số
tháng 08/1956 với những chỉ trích ý nhị nhưng búa bổ vào chính quyền
cộng sản. Bài viết cũng là hé lộ lần đầu tiên để công luận biết những
diễn biến hậu trường đầy khả ố của bộ phận lãnh đạo văn nghệ trong chế
độ "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa".
Bây giờ chúng ta hãy thưởng thức lại vài đoạn trong bài viết đó của Phan Khôi.
Bằng một hành văn ẩn dụ nhưng rõ ý, Phan Khôi vạch vào hai tử huyệt
của lãnh đạo cộng sản: sợ sự thực và trò lừa mỵ "phê và tự phê". Ông
viết:
"Tôi muốn nói sự thực. Nhưng có người bảo rằng 'có những cái sự thực
không nên nói'. Tôi không tin. Đó là ở dưới chế độ nào kia, chứ ở dưới
chế độ của chúng ta, đã lấy phê bình, tự phê bình làm võ khí, thì còn có
cái sự thực nào là cái sự thực không nên nói?
Tôi muốn phê bình. Nhưng có người lại bảo rằng 'phê bình nội bộ thì
được, không nên viết trên sách báo, bên địch chúng thấy chúng sẽ xuyên
tạc ra'. Tôi cũng không tin. Cái thời kỳ "đóng cửa dạy nhau" đã qua rồi,
ngày nay chính là ngày có mâu thuẫn gì giữa nội bộ cần phải giải quyết
trước mặt quần chúng nhân dân, không nhờ ánh sáng của quần chúng nhân
dân soi dẫn cho, thì không thể giải quyết nổi. Vả lại, đã nhận rằng ăn
của nhân dân, làm việc cho nhân dân, nhân dân là chủ, có quyền kiểm tra
mọi việc, thì sao lại cứ giấu im ỉm với nhau, không cho nhân dân biết?"
Để làm bật sự hèn hạ của chế độ cộng sản, Phan Khôi lấy luôn chế độ tư bản ra làm gương:
"Ở dưới chế độ tư sản, sự đối lập là thường: nhân dân đối lập với
chính phủ, công nhân đối lập với chủ xưởng, học sinh đối lập với nhà
trường... Nhưng ở dưới chế độ của chúng ta, về mọi phương diện, yêu cầu
phải đi đến không đối lập, hễ còn có đối lập, là cái hiện tượng không
tốt, cái triệu chứng không tốt."
Sau khi đưa ra nhiều dẫn chứng, Phan Khôi kết luận:
"Chưa nói đến cá tính và nghệ thuật tính. Ngay đến ý kiến, ngôn luận
của quần chúng văn nghệ dù rất bình thường, không có gì hại, cũng bị kìm
hãm..., lãnh đạo văn nghệ của chúng ta đã đi quá trớn... Lãnh đạo đã
xâm phạm mỗi ngày một hơn vào quyền riêng nghệ thuật của văn nghệ sĩ."
Không dừng ở đó, Phan Khôi chỉ thẳng vào Hồ Chí Minh:
"Trường thi phong kiến thuở xưa, tuy có ám muội gì bên trong, chứ bên
ngoài họ vẫn giữ sạch tiếng: Một người nào có con em đi thi, thì người
ấy vẫn có được cắt cử cũng phải 'hồi tị', không được đi chấm trường. Bây
giờ cả đến chính mình đi thi mà cũng không 'hồi tị': một lẽ là ở thời
đại Hồ Chí Minh, con người đã đổi mới, đã 'liêm chính' cả rồi; một lẽ
trắng trợn vì thấy mọi cái 'miệng' đã bị 'vú lấp'. "
Đó là điều rất đau xót đối với những trí thức đầy lòng tự trọng và
khát khao tự do. Nhưng Phan Khôi không van xin, không ủy mị, không sợ
hãi, ông xác quyết và thách thức:
"Nhưng các ổng có nghệ thuật của các ổng, còn tôi có nghệ thuật của
tôi. Trong nghệ thuật ngụ cái cá tính của mỗi người một khác, do đó nghệ
thuật tính của văn nghệ của mỗi tác giả một khác. Có thế thì mới có
được cái quang cảnh 'trăm hoa đua nở'. Nhược bằng bắt mọi người viết
phải viết theo một lối với mình, thì rồi đến một ngày kia, hàng trăm thứ
hoa cúc đều phải nở ra cúc vạn thọ hết."
Dian và Tiến Văn kính chào tạm biệt quí vị, quí bạn và xin tiếp tục với nhân vật Phan Khôi vào giờ này tuần tới.
Tiến Văn
27/04/2014)
No comments:
Post a Comment