Thursday, April 24, 2014

NGƯỜI NGHÈO SỢ NHẤT ĐIỀU GÌ?

Thứ Năm, ngày 24.04.2014    
Sau gần 70 năm thấm nhuần xã hội chủ nghĩa và học tập gương đạo đức Hồ Chí Minh, hệ thống y tế CSVN tụt giốc thê thảm. Bộ trưởng y tế vô trách nhiệm. Y đức của thầy thuốc không còn. Bệnh nhân không có phong bì chỉ còn chờ chết. Toàn dân chỉ mơ ước có ngày được xuất ngoại hầu vượt thoát sự kềm kẹp của thiên đàng xã hội chủ nghĩa. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Việt Nguyễn với tựa đề: "Người nghèo sợ nhất điều gì" sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Ở Việt Nam người nghèo sợ phải đối diện nhiều thứ như: thất nghiệp, con cái thất học, vật giá leo thang, không đủ cơm ăn áo mặc..v.v... Nhưng có một điều mà người dân nghèo không dám nghĩ đến và cũng là sợ hãi nhất đó là khi thân mang bệnh tật và bất đắc dĩ phải vào bệnh viện.
Trước năm 1975 miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ngoài hệ thống bệnh viện công, tư lo cho sức khỏe người dân, còn có cả bệnh viện miễn phí mà thời đó có tên gọi là "nhà thương thí", một địa chỉ mà người nghèo trong xã hội cần tìm đến để chăm sóc sức khỏe. Sau năm 1975 dưới chế độ cộng sản, mô hình này không còn đã gây nên sự mất mát thiệt thòi cho tầng lớp dân nghèo. Thời gian gần đây ngành y tế bị chỉ trích rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, và đích nhắm là đương kim Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Phải nói rằng từ khi nắm giữ chức vụ bộ trưởng y tế, những yếu kém về y đức, trình độ chuyên môn và quản lý, trang thiết bị cơ sở vật chất bộc lộ rõ và mạnh nhất từ trước tới nay. Gần đây bệnh Sởi là một trong 6 bệnh của chương trình chích ngừa vắc-xin ban đầu cho trẻ em, được sự hỗ trợ của Tổ chức Y Tế Thế giới đã bất ngờ biến thành dịch sởi ở Việt Nam, cướp đi sinh mạng của 121 em nhỏ cùng 8521em khác đang phải điều trị. Được biết Việt Nam đã cam kết với Tổ chức Y tế Thế giới là sẽ thanh toán dịch sởi vào năm 2017 bằng văn bản, và đã nhận tiền tài trợ.... Cần nhắc lại là cũng theo chương trình tiêm chủng vắc-xin nhiều căn bệnh cho trẻ gồm: bạch hầu, uốn ván, ho gà, lao, sốt bại liệt, bệnh sởi, viêm gan siêu vi B ..v..v... cũng đã gây tử vong cho nhiều trẻ nhỏ trên cả nước mà vẫn không thể tìm ra nguyên nhân vì sao. Khi bị chất vấn vụ việc 3 trẻ sơ sinh tại Quảng Trị tử vong ngày 20/7/2013, bà bộ trưởng y tế Kim Tiến đã trả lời rằng: "Sẽ không có bao che, mà công khai, minh bạch nguyên nhân. Trách nhiệm của ai sẽ xử lý người đó. Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin; lỗi do người tiêm, xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật". Người dân thật sự hoang mang với cách trả lời vấn đề của bà bộ trưởng y tế, nó không chỉ mang đậm tính chất vô trách nhiệm của các quan chức, mà còn cho thấy cách phát ngôn bừa bãi, cẩu thả, hách dịch của kẻ có chức quyền khi đòi xử tội cả... "vắc-xin" là vật vô tri vô giác. Việc quá tải bệnh nhân tại các bệnh viện ở các thành phố lớn ngày càng trầm trọng từ nhiều năm nay, nhưng ngành y tế hầu như bó tay chịu trận. Người dân bất luận bệnh tình nặng nhẹ ra sao, đều tìm đến bệnh viện chứ không phải các trạm hay trung tâm y tế tại địa phương. Lý do đơn giản là bệnh nhân không tin tưởng tay nghề các bác sỹ tại địa phương, vì nếu người dân có đến khám tại đây thì cũng tiền mất tật mang có khi mất cả mạng, hơn nữa những ông bác sỹ ở tuyến đầu này không có kinh nghiệm xử trí các bệnh nguy cấp và sợ trách nhiệm, nên thường khuyên bênh nhân đến bệnh viện điều trị. Chính điều này đã làm cho kế hoạch giảm tải cho các bệnh viện bị phá sản. Có dịp vào thăm các bệnh viện sẽ thấy bệnh nhân nằm hai ba người một giường, bệnh nhân nằm cả dưới gầm giường, kê ghế bố nằm la liệt cả ngoài hành lang bệnh viện. Nhìn thấy cảnh này thì người không bệnh cũng phát bệnh, người bệnh nhẹ cũng chuyển thành bệnh nặng... Khi bị báo chí chất vấn tình trạng quá tải bênh viện, bà bộ trưởng đã thẳng thắn trả lời là nên hỏi nhà nước, chứ bà không có quyền hạn gì. Người dân giờ mới biết là bà Kim Tiến ngồi ghế bộ trưởng y tế để chẳng làm gì cả, nên công luận đang lên tiếng yêu cầu bà từ chức. Nhưng xét cho cùng thì khi ngồi ghế bộ trưởng mà bà ta còn chẳng làm được việc gì cho ra hồn, thì khi người dân yêu cầu bà từ chức là một việc rất khó thực hiện nên bà ta sẽ không có khả năng làm đâu. Bà bộ trưởng y tế còn như vậy thì nhân viên dưới quyền bà còn tệ đến đâu. Ở Việt Nam nếu ai từng nằm bệnh viện sẽ ít nhiều có kinh nghiệm làm "từ thiện". Từ ông bác sỹ cho đến cô y tá, bà điều dưỡng cho đến bác thay ra giường, bênh nhân cần phải có sẵn phong bì để làm "từ thiện" cho bác sỹ, y tá, dấm dúi ít tiền cho bà điều dưỡng, lao công để nhận được thái độ phục vụ "Lương y như từ mẫu". Còn nếu vì nghèo mà không có tiền thì bệnh nhân sẽ phải đối diện với những khuôn mặt "Lương y như mẹ ghẻ" hay tệ hơn là "Lương y như hổ báo". Thật là bất nhẫn! Chưa hết tiền viện phí, thuốc men và các dịch vụ y tế tăng chóng mặt, khiến dân nghèo thà chết ở nhà còn hơn vào nằm viện để khỏi mang công mắc nợ. Với những loại thuốc thông thường tuy là đắt nhưng người bệnh còn có thể chịu đựng được, nhưng với những loại thuốc đặc trị mà một mũi thuốc có giá vài triệu, cho đến hàng chục triệu đồng thì không phải ai cũng có thể đủ sức chi trả nếu không phải là nhà giầu.
Đối với dân nghèo Việt Nam đói thì ăn rau, còn đau thì uống thuốc. Nhưng nếu chẳng may mắc phải bệnh nan y khó chữa, thì bệnh nhân nghèo có khi ao ước một liều độc dược, hay bằng cách nào đó để quyên sinh đỡ khổ cho người thân còn ở lại. Một sự thật quá đỗi phũ phàng!
Việt Nguyễn.

No comments:

Post a Comment