Thứ Bảy ngày 01.03.2014
Trong chuyên mục Những Vấn Đề Của
Chúng Ta tuần này, chúng tôi mời quí thính giả theo dõi buổi thảo luận
của chúng ta qua đề tài Điện Hạt Nhân tại Việt Nam, diễn giả cũng là
khách mời của chúng tôi là Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn.Ông Phùng Liên Đoàn
là một chuyên gia về nguyên tử và môi trường, đã làm việc hơn 40 năm tại
Mỹ cạnh tranh với nhiều người khác kiếm các dịch vụ an toàn và an ninh
cho các chương trình nguyên tử, và tẩy uế phóng xạ tại các trung tâm
nguyên tử của Mỹ. Từ năm 2009, ông Đoàn có ý kiến là Việt Nam không nên
xây nhà máy Điện Hạt Nhân không những vì các giả thiết cho chương trình
này tại Việt Nam là sai, mà còn vì ngân sách hạn hẹp của Việt Nam cần
phải chú ý vào việc hun đúc nguyên khí quốc gia một cách toàn diện qua
bẩy yếu tố an ninh của con người; đó là an ninh thực phẩm, sức khỏe,
giáo dục, cá nhân, cộng đồng, môi trường và cơ chế.Ông Đoàn có bằng thạc
sĩ và tiến sĩ về ngành kỹ thuật nguyên tử tại trường đứng vào hạng nhất
thế giới là Massachusetts Institute of Technology, tại Hoa Kỳ gọi tắt
là MIT
Hải Nguyên: Sự kiện mới nhất trong tuần là các cơ
quan truyền thông Hoa Kỳ cho biết là tổng thống Barack Obama đã đệ trình
để Quốc Hội chấp thuân việc giao thương với Việt Nam về ĐHN, ông nghĩ
sao về vấn đề này?
TS Phùng Liên Đoàn: Đây là một vấn đề nặng chính trị
hơn là kinh tế, kỹ thuật. Nó rất quan trọng về tính cách địa chính trị
của Việt Nam, nhưng nó không có nghĩa lý gì về phương diện kinh tế và
khoa học kỹ thuật cho Việt Nam..
Hải Nguyên: Ông vừa cho biết sự kiện trên là một vấn
đề nặng về chính trị hơn là kinh tế và kỹ thuật. Xin Ông có thể nói rõ
hơn cho quí thính giả đài ĐLSN biết về sự kiện này ?
TS Phùng Liên Đoàn: Việt nam có một vị trí rất quan
trọng trong bàn cờ quốc tế mới, trước sự bành trướng kinh tế và quân sự
của Trung Quốc. Một mặt, VN là đồng chí môi hở răng lạnh, 16 chữ vàng
của Trung Quốc; một mặt VN sẽ là nước đầu tiên bị hại nếu TQ nhất quyết
muốn chiếm biển ĐNA là của mình. Đối với Mỹ, cường quốc dẫn đầu các nước
khác đối mặt với các đe dọa của Trung Quốc như trước kia đã kìm hãm ý
đồ bành trướng của Hitler trong chiến tranh thế giới II và ý đồ bành
trướng của Stalin trong chiến tranh lạnh, Mỹ cần lôi kéo Việt Nam làm
tiền đồn trong phòng tuyến bao vây Trung Quốc, gồm cả Nga, Nhật, Hàn,
Phi, Mã Lai, Indonesia, Ấn, và Úc, và nói chung, toàn Thái Bình Dương.
Chiến lược đối nghịch giữa TQ và Mỹ sẽ kéo dài nhiều chục năm, cho tới
khi hoặc có chiến tranh nóng, hoặc có sự cư xử văn minh và hòa bình của
TQ. Vietnam là con chốt đầu; cả Mỹ, Nga, Ấn và Âu Châu đều quan tâm. ĐHN
là một cái cớ khiến một nước nghèo và đi sau như Việt Nam có thể giao
thiệp dưới chiêu bài "hợp tác" với các nước lớn; và các nước lớn cũng
đồng ý dùng chiêu bài này cho "danh chính ngôn thuận" trong nỗ lực dẫn
TQ tới cách cư xử văn minh, hòa bình.
Còn như về kinh tế và khoa học kỹ thuật, thì ý đồ ĐHN tại Vietnam chỉ
là một cái thùng rỗng, được bao che bởi nhiều huyền thoại gây hỏa mù
cho cả người dân lẫn giới khoa học kỹ thuật. Tôi không biết nhiều về địa
chính trị nhưng tôi biết rất rõ về kỹ thuật và kinh tế của ĐHN. Nếu có
thời giờ tôi sẽ trình bày về 5 huyền thoại về ĐHN tại Việt Nam là lý do
tôi khuyến cáo 2009 là ĐHN không có lợi cho kinh tế và đời sống con cháu
của chúng ta. Nhưng nếu vấn đề địa chính trị là quan trọng để chính phủ
dùng ĐHN đi vay với các cường quốc thì tôi có một kế thay vì hại lại có
lợi cho kinh tế và kỹ thuật của nước Việt Nam trong 50 - 70 năm tới
Hải Nguyên: Theo Ông vừa trình bày thì ý đồ của ĐHN
tại Việt Nam chỉ là cái thùng rỗng được bao che bởi nhiều huyền thoại
hỏa mù cho người dân và giới khoa học kỹ thuật. Vậy xin ông cho biết các
huyền thoại để quí thính giả tiện theo dõi ?
TS Phùng Liên Đoàn: Huyền thoại thứ nhất là ĐHN rất
an toàn, ngay cả sau biến cố Fukushima. Huyền thoại thứ hai là ĐHN rất
kinh tế, ngang ngửa với các dạng khác như than, dầu khí, tái tạo. Huyền
thoại thứ ba là Việt Nam sẽ cần rất nhiều điện kể cả ĐHN để phát triển
kinh tế. Huyền thoại thứ tư là Việt Nam có nhiều nhân tài và công nhân
khéo tay, cần cù chịu khó. Huyền thoại thứ năm là ĐHN sẽ là một cú hích
quan trọng cho việc phát triển khoa học kỹ thuật Việt Nam trong tương
lai.
Hải Nguyên: Ông có thể cắt nghĩa tại sao huyền thoại thứ nhất là điện hạt nhân rất an toàn ?
TS Phùng Liên Đoàn: Sự an toàn hay nôm na là nguy
hiểm của ĐHN đã là đầu đề của mọi tranh cãi về ĐHN trên thế giới và dĩ
nhiên tại Việt Nam. Người ủng hộ như chính phủ và các chuyên gia do
chính phủ trả lương thì cả quyết ĐHN rất an toàn ngay cả sau biến cố
nóng chẩy Fukushima. Người chống đối thì dẫn chứng những khốc hại của
các tai nạn như Chernobyl và Fukushima, rồi diễn giải thêm về những nguy
hiểm cả nghìn năm cho thế hệ mai sau. Theo tôi, cả hai phía đều đi quá
trớn trong trận địa dành lá phiếu của người dân trong các xã hội tự do
dân chủ. Trong khi Nga, Trung Quốc hoặc United Arab Emirates (UAE) quyết
định xây là xây vì họ có tiền và người dân không được hỏi ý kiến, thì
ĐHN đã bị dân bầu phiếu bỏ để loại bỏ dần tại Thụy Điển vào những năm
1990s, nay đang xét lại; đã bị biểu quyết bỏ tại Ý; đã bị biểu quyết bỏ
dần tại Đức và Nhật, nhưng cũng đang được xét lại. Nghĩa là, người dân
phản ứng theo cảm tính và chính phủ tại các nước dân chủ tự do hành động
theo ý dân đến khi dân thấy quyết định này tốn kém quá thì lại xét lại.
Tôi biết rất rõ sự nguy hiểm hay an toàn của ĐHN vì tôi đã làm trong
nghề này trên 40 năm tại Mỹ và đã đích thân tham gia thiết kế 4 nhà máy
làm điện, nhanh hơn và rẽ hơn ĐHN.
Tóm lại, ĐHN là một huyền thoại mà cả người ủng hộ lẫn người chống
đối ĐHN đã dùng làm căn bản cho lập trường của mình. Họ đều không trình
bầy sự thực một cách công bình, biến "an toàn" thành một huyền thoại
hoặc rất tốt theo người ủng hộ, hoặc rất xấu theo người chống đối.
Mặc dầu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố vào tháng 1 năm 2014 là
hoãn xây nhà máy ĐHN vì "không an toàn thì ta không xây", nhưng trong
thực tế, ta hoãn Ninh Thuận I và có thể cả một chùm các nhà máy ĐHN tiếp
nối là vì ta không có tiền và hoạch toán 2011 về việc ta cần điện năm
2020 -2030 là đã quá phóng đại hoặc chưa phải là mối quan tâm quan trọng
nhất cho Việt Nam trong lúc này.
Hải Nguyên: Xin cám ơn Tiến sĩ Phùng Liên Đoàn đã
dành thời gian cho Đài trơng cuộc hội luận. Xin hẹn Ông vào thứ Bảy tuần
sau chúng ta sẽ thảo luận tiếp về đề tài Điện Hạt Nhân tại Việt Nam.
Cám ơn quí thính giả đã theo dõi chương trình.
No comments:
Post a Comment