Thứ Bảy 22.03.2014
Kính thưa quý thính giả, Một "Lưỡng
quốc Trạng nguyên" nổi tiếng trung thực và thanh liêm, hết lòng vì dân
vì nước, đến lúc về hưu chỉ có căn từ đường nhỏ bé, sống thanh bạch,
giản dị như những người dân bình thường. Trong tiết mục "Danh nhân nước
Việt" tối nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Tể tướng Mạc
Đĩnh Chi" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh.
Thanh thiên nhất đóa vân,
Hồng lô nhất điểm tuyết.
Thượng uyển nhất chi hoa,
Dao trì nhất phiến nguyệt.
Y! Vân tán, tuyết tan, hoa tàn, nguyệt khuyết!
Tạm dịch:
Một đóa mây giữa trời xanh,
Một giọt tuyết trong lò lửa.
Một cành hoa giữa vườn thượng uyển,
Một vầng trăng trên mặt nước hồ.
Ôi! mây tản, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!
Đó là bài điếu văn của Mạc Đĩnh Chi khi đi sứ sang Tàu gặp lúc công
chúa nhà Nguyên qua đời. Khi tế vong, quan nhà Nguyên ra đề chỉ một chữ
"Nhất" để ông viết bài văn tế. Bài văn này đã khiến triều đình nhà
Nguyên khâm phục về văn tài của ông, về sau phong cho ông làm "Lưỡng
quốc Trạng nguyên" (tức Trạng nguyên hai nước Trung Hoa và Đại Việt).
Mạc Đĩnh Chi tự là Tiết Phu, sinh năm 1280 tại làng Lũng Động, huyện
Chí Linh (nay thuộc xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Ông mồ
côi cha từ nhỏ, nhà nghèo nhưng rất thông minh, sống với người mẹ trong
cảnh nghèo khổ, bị người đời khinh rẻ, nên ông cố gắng học hành. Nhờ có
nghị lực, chẳng bao lâu Mạc Đĩnh Chi nổi tiếng là thần đồng của xứ Hải
Đông.
Khoa thi Hội năm Giáp Thìn (1304), Mạc Đĩnh Chi đỗ Hội nguyên và khi
thi Đình, ông đỗ Trạng Nguyên. Nhưng khi vào triều ra mắt vua Trần Nhân
Tông, nhà vua thấy ông tướng mạo xấu xí, không muốn cho ông đỗ đầu. Biết
ý, ông đã làm bài "Ngọc tỉnh liên phú" bằng chữ Hán để gửi gắm chính
khí, đề cao phẩm chất trác việt và phong thái cao quý của một chính nhân
quân tử. Ông dùng hình tượng một bông sen trong giếng ngọc ở núi Hoa
Sơn do một vị đạo sĩ hái mang xuống cõi trần. Vua xem xong, khen ông là
thiên tài và cho đậu Trạng nguyên.
Sau khi từ Trung Hoa trở về, nhà vua cho vời Mạc Đĩnh Chi vào cung để
bàn việc chính trị, vua rất hài lòng, ban cho ông chức Hàn lâm Học sĩ,
sau thăng dần đến chức Thượng thư.
Năm Đại Khánh, vua nhà Nguyên sai sứ sang phong vương cho vua Trần
Minh Tông, Mạc Đĩnh Chi được cử làm Chánh sứ sang đáp lễ. Trong khi đi
sứ, ông biểu hiện tài năng xuất sắc về ngoại giao khiến triều đình nhà
Nguyên vô cùng kính phục.
Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi sống rất liêm khiết và thanh bạch. Vì vậy,
tuy làm quan lớn nhưng vẫn nghèo. Vua Trần Minh Tông biết rõ sự tình,
sai người đem 10 quan tiền bỏ trước nhà ông vào lúc ban đêm. Sáng sớm
khi thức dậy, ông thấy số tiền không chủ liền mang nộp cho triều đình.
Vua khen ông là người trong sạch và liêm khiết.
Mạc Đĩnh Chi làm quan trải qua 3 triều vua:
-Trần Anh Tông (1293 - 1314).
-Trần Minh Tông (1314 - 1329).
-Trần Hiếu Tông (1329 - 1341).
Triều vua Trần Hiếu Tông, ông giữ chức Tể tướng, nổi tiếng vì tấm
lòng yêu dân thương nước. Đến khi về hưu, ông chỉ có căn từ đường nhỏ
bé, thường ngày ra ngồi nơi quán lá uống nước và chuyện trò thân mật với
dân làng. Ông sống thanh bạch, giản dị như những người dân bình thường
và mất vào năm 1346.
Để tưởng nhớ công lao của ông, dân chúng thiết lập đền thờ ở Hải
Dương. Tại Sài gòn, Hà Nội có nhiều đường phố và trường học mang tên Mạc
Đĩnh Chi.
* * *
Trong dòng lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc Việt, có rất nhiều vị
quan nổi tiếng về đức tính thanh liêm và tấm lòng vì dân vì nước, đặc
biệt là trong hai triều đại cực thịnh là Lý, Trần. Nổi bật trong số đó
là Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đỉnh Chi, người đã được cả nước Tàu khâm
phục vì văn tài và sự khẳng khái của ông.
Cụ Mạc Đĩnh Chi được hậu thế đánh giá là một kẻ sĩ đích thực của nước
Việt, nhưng quan trọng hơn hết là mức độ thanh liêm hiếm có của ông,
mặc dù ông xuất thân bần hàn và có cuộc sống cơ cực từ tấm bé. Chính vì
thế, không ai ngạc nhiên khi lịch sử ghi nhận một giai đoạn thịnh thế
của xã hội VN dưới thời cầm quyền của Tể tướng Mạc Đĩnh Chi qua câu tán
tụng "vàng rơi ngoài đường không ai thèm lượm" . Và dĩ nhiên, người ta
không mấy ngạc nhiên về tình trạng tham nhũng cao độ hiện nay của xã
hội, dưới sự cầm quyền của ông Thủ tướng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Tấn
Dũng.
Tiền nhân Việt có câu nói bất hủ là "thượng bất chính, hạ tắc loạn".
Một tập đoàn lãnh đạo tham nhũng thối nát thì không thể nào có được một
xã hội tốt đẹp. Và thực tế cho thấy là nếu muốn thoát khỏi vũng lầy suy
thoái về đạo đức hiện nay, Việt Nam cần phải có những vị quan tài ba và
đức độ như cụ Mạc Đĩnh Chi, chứ không phải những kẻ "mua danh bán chức"
và thực chất chỉ là những con sâu dân mọt nước, đang đẩy cả dân tộc vào
vòng nô lệ của triều đình Hán Cộng!
Việt Thái
No comments:
Post a Comment