Chủ Nhật, ngày 16.03.2014
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi
chuyên mục Nói Với Người Cộng Sản. Đây là diễn dàn để trình bày với các
đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy
công an và bộ đội của chế độ hiện hành. Nói Với Người Cộng Sản do Tiến
Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian
Kính chào quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm và các bạn công an, bộ đội,
Chế độ độc tài cộng sản đã và đang tạo ra cho đất nước chúng ta rất
nhiều hậu quả tai hại. Nguy hiểm hơn nữa là có những hậu quả chúng ta
không dể dàng nhận ra được ngay, ví dụ như việc Đảng Cộng sản Việt Nam
ngay vào năm 1958 đã ký một công hàm công nhận lãnh hải của Trung Cộng
gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta, nhưng mãi tới tận
khoảng năm 2007, tức phải 50 năm sau, chúng ta mới được biết tới công
hàm đó, và lại do chính Trung Cộng tiết lộ chứ không phải Đảng Cộng sản
Việt Nam cho chúng ta biết. Không những thế, cho đến tận hôm nay Đảng
Cộng sản Việt Nam vẫn cố giữ một thái độ lặng thinh hòng lảng tránh, che
giấu hành vi bán nước đó.
Thưa quí vị, quí bạn, đất nước ta đã sống khá lâu dưới chế độ độc tài
cộng sản. Nếu chỉ kể riêng miền Bắc, từ năm 1954, thì đã được 60 năm.
Còn đối với miền Nam thời gian cũng đã 39 năm rồi, kể từ năm 1975. Do
vậy, đối với từng cá nhân mỗi con người chúng ta, những người đã phải
sống trong chế độ cộng sản lâu như thế, chắc chắn, dù ít nhiều, đều bị
ảnh hưởng, tác động bởi những đặc tính, những hệ lụy của chế độ độc tài
cộng sản. Nguy hiểm hơn nữa là có những điều chúng ta bị tác động, ảnh
hưởng một cách âm thầm. Nói cách khác là chúng ta, dù ít nhiều, đều đã
bị nhiễm những nguy hại, những thói xấu của chế độ cộng sản mà chúng ta
hoàn toàn không biết. Ví dụ như hiện nay trong chúng ta nhiều người vẫn
rất tự nhiên và hồn nhiên dùng những từ ngữ, những khái niệm rất sai do
Đảng Cộng sản Việt Nam tạo ra.
Nhiều người trong chúng ta vẫn dùng từ "Ngụy" để chỉ sĩ quan, binh
lính, viên chức của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Hay nhiều
người trong chúng ta vẫn dùng từ "Đảng ta", "Đảng mình" để chỉ Đảng Cộng
sản Việt Nam trong khi người nói hay người nghe lại hoàn toàn không
phải là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thưa quí vị, quí bạn, những thói quen dùng từ ngữ sai lầm như thế,
xem qua có thể là vô hại, là những việc không quan trọng, là lời nói gió
bay. Nhưng thực ra những thói quen đó không chỉ không vô hại mà chúng
còn có những hệ quả rất xấu cho cả xã hội nói chung và cho từng cá nhân
của chúng ta nói riêng.
Đối với xã hội nói chung, việc dùng từ ngữ không chính xác là đồng
nghĩa với việc góp phần làm cho toàn xã hội tiếp tục duy trì một nhận
thức sai lầm đối với vấn đề liên quan. Ví dụ ở đây, khi dùng từ "Ngụy"
tức là chúng ta đang duy trì một nhận thức sai về một chế độ chính trị
có tính nhân bản, tính dân chủ và tính ưu việt hơn hẳn chế độ cộng sản.
Trong khi đó, từ "Đảng ta" hay "Đảng mình" là một khái niệm chỉ có thể
dùng trong nội bộ giữa những người là đảng viên đảng cộng sản mà thôi,
nhưng khi được dùng tràn lan nó sẽ có tính mặc định thể hiện sự tôn
trọng và thừa nhận sự thống trị duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngoài ra, tùy thuộc vào từng từ ngữ hay khái niệm, việc dùng sai từ
ngữ còn gây ra nhiều hệ lụy khó lường khác. Ví dụ việc dùng từ "Ngụy" để
chỉ hệ thống nhân sự của chế độ Việt Nam Cộng Hòa còn làm gia tăng nguy
cơ chia rẽ và làm trầm trọng sự chia rẽ, vốn đã rất nặng nề, trong lòng
dân tộc Việt Nam chúng ta. Trong khi đó bất kỳ một sự chia rẽ nào giữa
người dân chúng ta với nhau cũng chỉ có lợi cho những kể cầm quyền độc
tài hiện nay mà thôi.
Đối với mỗi cá nhân chúng ta, dù quí vị, quí bạn vẫn là đảng viên
cộng sản hay không, cách dùng những từ ngữ thậm xưng, thiếu chính xác
như "Ngụy", "Đảng ta", "Đảng mình" còn khiến cho mỗi cá nhân chúng ta
khó thoát khỏi lối nghĩ dập khuôn, phụ thuộc, làm cho chúng ta khó có
được cách tư duy độc lập, chính xác, sáng tạo – là những điều rất cần để
có một cuộc đời tự lập, tự do, có phẩm giá đúng nghĩa.
Nói một cách ngắn gọn, những kẻ độc tài luôn muốn chúng ta chỉ suy
nghĩ, chỉ nói đúng theo những khuôn mẫu, những khái niệm do chúng tạo ra
và có lợi cho chúng. Còn chúng ta muốn có tự do, muốn có nhân phẩm,
chúng ta phải làm ngược lại.
Vậy, chúng ta hãy cùng nghe một đoạn truyện ngắn sau đây:
"Hồi còn Liên-Xô, nhiều thanh niên Việt Nam được sang Nga học nhưng
bị các cán bộ đảng cộng sản kiểm soát, coi chừng rất dữ. Một lần, một bà
cán bộ to từ Hà Nội được cử sang Mát-cơ-va để thị sát tình hình sinh
viên Việt Nam. Bà cán bộ này đến một ký túc xá và thấy một anh chàng
sinh viên Việt Nam ta đang oang oang giữa đám bạn: "Này, các cậu biết
không, mấy thằng Tây ở khoa tao học thì cũng thường thôi nhưng chúng
uống Vodka thì vô địch nhớ.' Bà cán bộ nghe thế liền đi ngay tới, lên
giọng: 'Này cháu, sao cháu lại gọi bạn của chúng ta là 'thằng Tây', phải
gọi là 'mấy bạn Liên-Xô' của chúng ta chứ.' Nhưng anh chàng sinh viên
cũng lên giọng và hỏi lại bà cán bộ: 'Ô, vậy từ nay trở đi chúng cháu
phải gọi khoai Tây là "khoai Liên-Xô' à?' Cả đám sinh viên cười ồ lên.
Còn bà cán bộ từ Hà Nội sang đứng im, mặt ngẩn ra, không nói được câu
gì."
Dian và Tiến Văn kính chào tạm biệt quí vị, quí bạn và xin hẹn gặp lại vào giờ này tuần tới.
Tiến Văn
(16/3/2014)
No comments:
Post a Comment