Thứ Năm, ngày 27.03.2014
CSVN không những đã bán nước trong
quá khứ mà vẫn còn tiếp tục bán nước trong tương lai. Bằng chứng hùng
hồn nhất là tuy bề mặt tỏ vẻ trung lập, nhưng trong thực tế, họ bênh vực
cho lập trường của Nga sát nhập vùng Crimea của Ukraine, gián tiếp gây
ra một tiền lệ quốc tế cho Trung Quốc, xâm chiếm và sát nhập các vùng
đất, đảo và biển của Việt Nam. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của
Nguyễn Hưng Quốc với tựa đề: "Ukraine, Nga, Trung Quốc và Việt Nam" sẽ
được Hương Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm
nay
Trong sinh hoạt chính trị thế giới từ đầu năm 2014 đến nay, sự kiện
Nga xâm lược bán đảo Crimea của Ukraine chắc chắn là sự kiện quan trọng,
thu hút sự chú ý và gây nên nhiều phản ứng nhất. Các phản ứng ấy có thể
chia ra làm ba loại: Một, phê phán Nga; hai, bênh vực Nga; và ba, dè
dặt hoặc né tránh một thái độ rõ ràng dứt khoát.
Phản ứng đầu tiên chiếm đa số. Hầu hết các tổ chức siêu quốc gia
(supranational) từ Liên Hiệp Âu Châu (European Union) đến Hội Đồng Âu
Châu (Council of Europe), Hội đồng an ninh Liên Hiệp Quốc (UN Security
Council), NATO đều tuyên bố Nga vi phạm chủ quyền của Ukraine. Hầu hết
các quốc gia Tây phương cũng đều lên án hành động lấn chiếm phi pháp của
Nga.
Những nước ủng hộ Nga rất ít. Hầu như chỉ có ba nước công khai ủng hộ
Nga: Cuba, Syria và Trung Quốc. Cuba và Syria thì ra tuyên cáo ủng hộ
Nga và lên án Mỹ cũng như khối NATO một cách kịch liệt. Còn ở Trung Quốc
thì, một mặt, Bộ ngoại giao kêu gọi các bên tìm cách giải quyết tranh
chấp một cách hòa bình; mặt khác, Chủ tịch Tập Cận Bình lại điện thoại
cho Putin thông báo là ông ủng hộ Nga.
Lưng chừng ở giữa là một số nước, như Armenia, Colombia, Ấn Độ,
Kazakhstan, Macedonia, Pakistan, Slovenia, và Việt Nam: Tất cả đều bày
tỏ sự "quan tâm" của họ trước sự căng thẳng tại Crimea và kêu gọi các
bên giữ bình tĩnh và tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của công pháp quốc
tế.
Việc Cuba và Syria công khai lên tiếng bênh vực và ủng hộ hành động
lấn chiếm Crimea của Nga thì không có gì đáng ngạc nhiên. Các nhà bình
luận chính trị trên thế giới quan tâm nhiều nhất đến phản ứng của Trung
Quốc. Họ đặt vấn đề: Tại sao Trung Quốc lại đồng ý với Nga trong việc
xâm lấn này?
Theo James R. Holmes, lý do chính là Trung Quốc muốn biến hành động
xâm chiếm Crimea của Nga thành một tiền lệ trong sinh hoạt chính trị thế
giới để sau đó họ có thể dùng bạo lực để xâm chiếm Đài Loan, hơn nữa,
một số quốc gia láng giềng khác ở Đông Nam Á. Thì cũng nhân danh việc
cứu giúp những người đồng chủng. Thì cũng dùng vũ lực để đặt thế giới
vào cái thế đã rồi. Nếu mọi người chấp nhận việc Nga cướp Crimea từ tay
của người Ukraine thì tại sao lại lên án Trung Quốc nếu Trung Quốc, một
ngày nào đó, đổ quân lên Đài Loan hoặc một số hòn đảo đang tranh chấp
với các nước khác?
Andong Peng thì cho Trung Quốc xem Crimea như một cái bẫy để làm cho
Mỹ sa lầy vào đó và không còn khả năng để quay lại châu Á. Với Trung
Quốc, đó cũng là nơi làm tiêu hao quyền lực mềm của Mỹ: nếu Ukraine bất
lực trước Nga và Mỹ cũng như NATO không giúp được gì Ukraine trong hoàn
cảnh tuyêt vọng ấy, các nước nhỏ khác sẽ không còn tin tưởng ở Mỹ nữa.
Đó là những tính toán chiến lược của Trung Quốc. Nhưng còn Việt Nam?
Tại sao Việt Nam lại có vẻ đồng tình với Nga? Thiếu tướng Lê Văn Cương,
nguyên Viện trưởng Viện chiến lược thuộc Bộ Công an, cho hành động xâm
lược của Nga ở Crimea là "phù hợp với các hiệp định song phương được ký
giữa Nga và Ukraine" và "không trái với Hiến chương Liên Hợp Quốc". Hơn
nữa, ông còn cho những đe dọa trừng phạt Nga của Mỹ và Tây phương chỉ là
"chém gió".
Trên các diễn đàn mạng, các dư luận viên của Hà Nội cũng đồng loạt
bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với việc Nga dùng vũ lực để chiếm đóng
Crimea. Họ cho đó là điều hợp lý bởi hai lý do: Một, về phương diện lịch
sử, đó vốn là đất của Nga, chỉ được Tổng bí thư Liên Xô Nikita
Khrushchev tặng cho Ukraine năm 1954; và hai, về phương diện dân số, hơn
một nửa dân số Crimea là người Nga.
Việc ủng hộ một động thái của một nước khác, nhất là khi nước ấy lại là một cường quốc, bao giờ cũng là một lựa chọn chính trị.
Ở đây có hai lựa chọn chính: Một là lựa chọn đồng minh và hai là lựa chọn cách thế hành xử.
Khi Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ Nga, một cách mặc nhiên, họ chọn thái
độ đối lập với Mỹ và Tây phương nói chung. Trong thời Chiến tranh lạnh,
đó là một chọn lựa dễ hiểu. Nhưng nó sẽ lại trở thành khó hiểu ở thời
điểm hiện nay khi Việt Nam đối diện với những nguy cơ lớn từ phía Trung
Quốc, và, theo những gì một số nhân vật lãnh đạo muốn người ta hiểu,
đang tìm mọi cách để cân bằng áp lực đến từ Trung Quốc. Nếu chiến lược
ấy có thật thì Nga chỉ là một trong những lựa chọn, nhưng đó không phải
là một lựa chọn tối ưu vì, thứ nhất, thành thực mà nói, hiện nay, trừ vũ
khí nguyên tử, Nga không còn đủ sức mạnh để có thể giúp Việt Nam thoát
khỏi hiểm họa từ Trung Quốc; và thứ hai, Nga không có lý do gì để vì
Việt Nam mà phải đối đầu với Trung Quốc.
Về phương diện cách thế hành xử, rõ ràng Việt Nam hoàn toàn không có
lợi gì, nếu không muốn nói chỉ có hại khi ủng hộ hành động một nước lớn
xâm chiếm toàn bộ hoặc một phần lãnh thổ của một nước nhỏ khác. Giáo sư
Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam của Úc, đã nhận thấy điều đó khi
liên hệ vụ Crimea với vụ Hoàng Sa của Việt Nam: Cả hai đều bị một nước
lớn cưỡng chiếm; và ở cả hai trường hợp, nước nhỏ và yếu hơn đành thúc
thủ, hơn nữa, càng ngày càng thúc thủ ngay cả về phương diện pháp lý.
Nhưng Hoàng Sa chỉ là một việc thuộc về quá khứ. Vấn đề quan trọng
hơn là những gì thuộc về tương lai. Những gì xảy ra ở Hoàng Sa trước kia
hoặc Crimea hiện nay cũng có thể xảy ra ở Trường Sa hoặc bất cứ một
mảnh đất nào trên lãnh thổ Việt Nam chỉ với những lý do bâng quơ, ví dụ,
đó là đất ngày xưa (ví dụ thời Bắc thuộc) thuộc Trung Quốc hay là để
bảo vệ người Hoa ở đó.
Ở Tây phương, một trong những lý do chính để người ta phản đối hành
động xâm lược của Nga ở Crimea là vì thế. Thứ nhất, phần lớn biên giới
giữa các quốc gia hiện nay không còn trùng hợp với biên giới ngày trước,
do đó, yếu tố lịch sử không còn đủ sức thuyết phục. Ví dụ, nhân danh
yếu tố lịch sử, Campuchia có thể đòi lại phần đất thuộc phía Nam của
Việt Nam hoặc Pháp có thể đòi lại toàn bộ lãnh thổ của ba nước Việt Nam,
Lào và Campuchia với lý do cả ba đều thuộc vùng Đông Dương của Pháp
(vấn đề ở đây là người ta đẩy cái gọi là lịch sử ấy đến thời nào). Thứ
hai, phần lớn biên giới các quốc gia hiện nay không còn đồng nhất với
biên giới sắc tộc và/hoặc ngôn ngữ. Nếu nhân danh yếu tố sắc tộc và ngôn
ngữ để đòi chủ quyền thì Anh có thể lấy lại đất của Úc, của Tân Tây
Lan, thậm chí, của Canada và Mỹ; Pháp có thể đánh chiếm Quebec của
Canada.
Những ví dụ vừa nêu có vẻ như quái gở. Nhưng nếu đồng ý với việc Nga
chiếm Crimea thì người ta cũng đồng thời mở ngỏ cho vô số những khả năng
quái gở như vậy.
Nguyễn Hưng Quốc
No comments:
Post a Comment