Thứ Ba 11.03.2014
Không có sự hy sinh nào lớn lao
bằng hy sinh tính mạng để bảo vệ dân tộc và cũng không có sự hèn hạ nào
lớn lao bằng một chính quyền bày những trò lố bịch hầu ngăn cản người
dân có lương tri tưởng niệm công ơn của những con dân nước Việt, vị quốc
vong thân, trong trận chiến chống Bắc Phương xâm lược năm 1979. Mời quý
thính giả nghe phần Bình Luận của Phạm Trần với tựa đề: "Ai Ô Nhục –
Hèn Hạ – Tay Sai Trung Cộng ở Việt Nam?" sẽ được Song Thập trình bày để
kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Ngày 16 tháng 02 năm 2014, tại Thủ đô Hà Nội đã có những lãnh đạo
đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam bị lên án "ô nhục", "hèn hạ" và "tay
sai ngoại bang". Họ cũng là những người bị cáo buộc đã đạo diễn hai cuộc
nhảy múa vô liêm sỉ để chà đạp lên xương máu của 60,000 quân-dân đã hy
sinh trong cuộc chiến chống Trung Cộng xâm lược 35 năm trước đó.
Nhưng họ là ai?
Không ai biết tên người giấu mặt, nhưng ở Việt Nam việc gì cũng phải
do 16 người của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam quyết định.
TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI?
Họ là các ông Nguyễn Phú Trọng, Phạm Quang Nghị, Trần Đại Quang và Đinh Thế Huynh.
Tại sao?
- Bởi vì việc gì của đảng, dù lớn hay nhỏ có liên quan đến Trung Cộng
cũng phải được bàn thảo và chấp thuận bởi Bộ Chính trị. Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng, người có tiếng "thân Bắc Kinh" có quyết định sau cùng.
- Người thứ hai, ở chức vụ Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội, ông Phạm
Quang Nghị, phải được báo cáo từ cấp dưới và tán thành cho áp dụng các
kế họach của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội. Không thể ông không biết
gì về việc cho công an trá hình công nhân thực hiện "màn kịch cắt đá thi
công" tại tượng đài Lý Thái Tổ ngày 19/01/2014 để phá lễ 40 năm kỷ niệm
và tri ân 74 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong trận chiến
chống quân Trung Cộng cưỡng chiếm Hoàng Sa ngày 19/01/1974.
Người thứ ba có trách nhiệm là Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang. Ông
đã cho phép Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung – Giám đốc CATP Hà Nội huy động
hàng trăm công an, cảnh sát chìm nổi đến chụp hình, quay phim, phóng
loa phá rối, dồn ép, nói năng hồ đồ, giở giọng phản bác chụp mũ người
dân yêu nước để phá tan buổi lễ như họ đã phá lễ kỷ niệm 40 năm
(19/01/1974 – 19/01/2014) Hoàng Sa bị Trung Cộng cưỡng chiếm.
- Người thứ bốn phải gánh trách nhiệm là Trưởng Ban Tuyên giáo Trung
ương, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Đinh Thế Huynh. Ông Huynh
cũng đã từng nói trong một số lần về chuyện "đất nước cần ổn định để
phát triển", hay "mọi việc đã có đảng lo" khi có dân nổi lên biểu tình
chống Trung Cộng. Ông cũng là người đã chỉ thị cho các Ban Tuyên giáo
không để cho báo chí đăng những bài viết "nhậy cảm" làm phương hại đến
mối giao hảo Việt-Trung.
- Người thứ năm "có trách nhiệm liên đới" làm giảm tinh thần yêu nước
trong hai lần kỷ niệm Hoàng Sa và chiến tranh 1979 là chủ tịch Ủy ban
Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân. Ông Nhân còn là Chủ tịch Ủy
ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung.
CÁC ÔNG THANH - DŨNG – SANG THÌ SAO?
- Người thứ sáu là Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cũng phải
chịu trách nhiệm đã "vô ơn bạc nghĩa" không hương khói cho những người
lính đã hy sinh tại 6 tỉnh dọc biên giới Việt-Trung trong suốt 10 năm
kháng chiến chống quân xâm lược Trung Cộng từ ngày 17 tháng 02 năm 1979
đến tháng 9 năm 1989, sau các trận đánh đẫm máu tại Huyện Vị Xuyên, Tỉnh
Hà Giang.
Từ 35 năm qua các Binh đoàn từng tham chiến ở biên giới không có bất
cứ việc làm nào để tưởng niệm các đồng đội hay trả ơn các gia đình tử sĩ
nhân ngày 17/2.
- Đến phiên người thứ bảy là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Khi có người
nhắc đến biến cố Trung Cộng chiếm Hoàng Sa năm 1974 thì ai cũng nghe ông
nói "phải kỷ niệm" ở buổi họp với Hội Khoa học Lịch sử ngày 30/12/2013.
Ông Dũng nói: "Phải kỷ niệm. Nhưng kỷ niệm thế nào để ổn định. Rồi
còn biên giới Tây Nam thế nào. Chứ không phải Bộ Chính trị không quan
tâm".
THỦ TƯỚNG DŨNG NÍN THINH
Rồi ngày 17/02/2014 cũng "lạnh nhạt" qua đi im rơ sau màn nhảy nhót
"cực kỳ phản động" của đám "người Việt lạ dòng" diễn ra trước mắt tượng
vua Lý Thái Tổ.
Bỗng dưng đến ngày 19/02/2014, ông Dũng lại nói vuốt đuôi như "đinh
đóng cột" rằng: "Đảng, Nhà nước không bao giờ quên công lao của đồng
chí, đồng bào chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến
tranh biên giới xâm lược của Trung Quốc".
Thủ tướng của CSVN đã nói như thế tại cuộc họp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, hiện tất cả các liệt sĩ hy sinh đều
được quy tập ở các nghĩa trang để hương khói tưởng nhớ. "Song kỷ niệm
thế nào để có lợi nhất cho đất nước. Bộ Chính trị đã nghe 2 phiên về đề
án biên giới phía Bắc và Trường Sa - Hoàng Sa. Bộ Chính trị chỉ đạo chặt
chẽ về các vấn đề này, với tinh thần vì lợi ích cao nhất của đất nước,
chứ Đảng, chính phủ, đất nước và dân tộc Việt Nam không sợ ai. Chúng ta
đã có đề án, phân công nhiệm vụ cụ thể về vấn đề này" .
Nhưng "chỉ đạo chặt chẽ" của Bộ Chính trị là làm gì mà chưa thấy thi hành, hay đến bao giờ mới thi hành?
Phải chăng vì phải đặt lợi ích Việt-Trung lên "tầm cao chiến lược"
mới, phải luôn luôn vì "đại cục" và phải giữ lời hứa thi hành nghiêm
chỉnh phương châm 16 chữ và 4 tốt theo lệnh của Trung Cộng là "láng
giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai"
và "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt"?
Còn Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh
Hùng có trách nhiệm gì quanh hai chuyện tưởng niệm Hoàng Sa và cuộc
chiến biên giới 1979 không?
Tại sao lại "lạnh như tiền" đến thế, hỡi những người Cộng sản Việt
Nam? Hay là vì, như tiết lộ của Thiếu tướng - nguyên Đại sứ CSVN tại Bắc
Kinh Nguyễn Trọng Vĩnh tiết lộ: "Tại Hội nghị Thành Đô, do phía ta nhu
nhược bị phía TQ áp đặt. Từ đó, họ tùy tiện can thiệp vào nội bộ ta, ép
ta về nhiều mặt, lấn ta, phá kinh tế của ta... Họ ngăn ta không được
nhắc đến cuộc xâm lược của họ tháng 2/1979..." nên 60,000 quân-dân Việt
Nam vẫn chưa được thanh thản an giấc ngàn thu?
Vậy nguyên Tổng Bí thư đảng Đỗ Mười, đang còn sống tại Hà Nội là
người cùng đi Thành Đô (Tỉnh Tứ Xuyên) với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh
và cố vấn Phạm Văn Đồng dự họp với Tổng Bí thư-Chủ tịch Nhà nước Trung
Cộng Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng có dám trả lời tướng Vĩnh
không, hay sẽ giữ mãi nỗi hận lịch sử này đến cuối đời?
Phạm Trần
No comments:
Post a Comment