NHÀ ĐẤU TRANH ĐINH ĐĂNG ĐỊNH ĐANG Ở TRONG TÌNH TRẠNG NGUY KỊCH
Nhà giáo Đinh Đăng Định, một nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền
VN, vào hôm qua đã được gia đình đưa về nhà với bệnh tình ngày càng trầm
trọng vì chứng bệnh ung thư dạ dày đang ở vào giai đoạn cuối sau nhiều
ngày tháng bị giam cầm trong tù.
Theo lời kể của thân nhân thì nhà giáo Đinh Đăng Định đã bị cắt đến
ba phần tư dạ dày nhưng vẫn không ngăn chận được tế bào ung thư lan sang
các cơ phận khác. Bà Đặng Thị Dinh cho biết là chồng mình yêu cầu được
đưa về nhà để nhìn lại mái nhà xưa và có thể gặp gỡ bà con bạn bè trước
khi nhắm mắt xuôi tay.
Cần nhắc lại, ông Định là một thầy giáo ở tỉnh Đắc Nông và đã bị bạo
quyền CSVN bắt giam, sách nhiễu gia đình suốt nhiều năm qua vì những bài
viết kêu gọi đa nguyên đa đảng và vạch trần những thối nát của chế độ.
Ông Định thường xuyên bị đánh đập trong tù và bị từ chối cho đi cứu chữa
tại bệnh viện. Nhờ sự vận động mạnh mẽ của các phong trào đấu tranh
trong và ngoài nước,vào ngày 15/2 vừa qua nhà cầm quyền VN phải đưa ông
vào bệnh viện nhưng vẫn còng tay chân vào giường và có công an canh gát
chung quanh.
GIỚI TRÍ THỨC VN ỦNG HỘ VIỆC THÀNH LẬP CÁC HỘI ĐOÀN DÂN SỰ
Một số nhà trí thức vào cuối tuần qua đã lên tiếng ủng hộ việc thành
lập các hội đoàn dân sự tại VN vì cho rằng đó là một nhu cầu thực tiễn
và cấp bách của xã hội VN hiện nay.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, một cựu đại biểu quốc hội VN, và chuyên
gia kinh tế Phạm Chi Lan, vào hôm qua tuyên bố việc thành lập các hội
đoàn dân sự là một nhu cầu chính đáng của người dân và đảng CSVN phải
đáp ứng nguyện vọng này. Theo ông Thuyết thì nhà nước VN cần phải soạn
thảo các dự luật mới để giúp người dân thực hiện quyền tự do lập hội,
theo tinh thần của công ước quốc tế về nhân quyền.
Cần nhắc lại là trong mấy tháng qua, nhiều hội đoàn đã tự động hình
thành tại VN, bất chấp sự cấm đoán của bạo quyền VN. Mới nhất là Văn
đoàn VN Độc lập được thành lập vào đầu tháng này, sau khi Hội Tù nhân
Lương tâm được thành lập vào tháng trước.
DƯ LUẬN THẾ GIỚI CHÂN ĐỘNG VÌ CÁI CHẾT CỦA MỘT NHÀ ĐẤU TRANH TRUNG QUỐC
Dư luận thế giới đã bày tỏ sự xúc động trước cái chết của bà Tào
Thuận Lợi, một phụ nữ nổi tiếng trong phong trào đấu tranh đòi dân chủ
và nhân quyền ở Hoa Lục.
Bà Tào Thuận Lợi 52 tuổi đã qua đời tại một bệnh viện ở Bắc Kinh sau
nhiều ngày chống chọi căn bệnh quái ác đến từ những điều kiện giam cầm
khắc nghiệt trong nhà tù Trung Cộng. Bà Tào bị bắt giam kể từ tháng 9
năm ngoái khi bà chuẩn bị lên đường sang Thụy Sĩ để làm nhân chứng trong
buổi điều trần của LHQ về tình trạng nhân quyền tại Hoa Lục. Nguyên
nhân bắt giữ là vì bà đã tham gia vào một cuộc tuyệt thực vào tháng 6
năm ngoái, trước trụ sở bộ ngoại giao để đòi hỏi bạo quyền phải cho phép
người dân tham gia vào việc soạn thảo các báo cáo về nhân quyền.
Các tổ chức nhân quyền tuyên bố là bạo quyền Trung Cộng phải chịu
trách nhiệm hoàn toàn về cái chết của bà Tào Thuận Lợi vì họ đã từ chối
lời yêu cầu đưa bà đến bệnh viện để chữa trị khi phát giác bà bị nhiễm
bệnh lao phổi và bệnh gan.
TUẦN DUYÊN ĐÀI LOAN TRUY ĐUỔI CÁC TÀU ĐÁNH CÁ TRUNG CỘNG
Lực lượng tuần duyên Đài Loan đã áp giải một tàu đánh cá Trung Cộng,
với thủy thủ đoàn gồm 9 người, về một hải cảng ở miền bắc Đài Loan sau
một cuộc truy bắt qui mô suốt 4 tiếng đồng hồ vào hôm thứ Bảy qua.
Một giới chức tuần duyên Đài Loan xác nhận là chiếc tàu Trung Cộng
đến từ tỉnh Chiết Giang đã bị áp giải về cảng Cơ Long về tội xâm nhập
bất hợp pháp vào lãnh hải Đài Loan và tội kháng cự lực lượng chức trách.
Trong cuộc rượt đuổi này, Đài Loan đã huy động đến 5 tàu tuần duyện và
một hộ tống hạm để bắt giữ chiếc tàu cá nói trên.
Trong một biến chuyển khác tại khu vực Bắc Á đang có nhiều bất ổn là
vào hôm qua, bạo quyền Bắc Hàn đã bắn 18 phi đạn vào vùng biển Nhật Bản,
chỉ hai ngày sau khi giới tướng lãnh Bắc Hàn lên tiếng đe dọa là sẽ trả
đũa thái độ thù nghịch và khiêu khích của Hoa Kỳ.
UKRAINE BỊ TƯỚC ĐOẠT VÙNG ĐẤT CRIMEA SAU CUỘC TRƯNG CẦU DÂN Ý
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý vào cuối tuần qua cho thấy là 95% người
dân Crimea đồng ý lệ thuộc vào nước Nga và ly khai khỏi Ukraine.
Tưởng cũng nên biết rằng, Crimea là vùng nghỉ mát nổi tiếng của Liên
Xô trước đây ở bờ biền Hắc Hải, với hàng chục ngàn căn biệt thự của các
quan chức cao cấp của Liên Xô, trong số đó có cả cựu tổng thống Boris
Yeltsin và Mikhail Gorbachev. Người Nga cũng chiếm gần 60% dân số của
vùng đất này.
Khoàng 1 triệu rưỡi cử tri Crimea đã đi bầu vào cuối tuần qua, với
hai câu hỏi quan trọng là có muốn sát nhập vào nước Nga, hay là muốn trở
thành một khu tự trị riêng biệt. Tuy nhiên khối Liên hiệp Âu châu tuyên
bố cuộc trưng cầu dân ý này là bất hợp pháp và không chính danh, vì thế
khối này sẽ không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý nói trên.
No comments:
Post a Comment