Sunday, March 30, 2014

Nói Với Người Cộng Sản

Chủ Nhật, ngày 30.03.2014    
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục Nói Với Người Cộng Sản. Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. Nói Với Người Cộng Sản do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian.
Kính chào quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm và các bạn công an, bộ đội,
Hôm nay chúng ta thử cùng nhau suy niệm về một trường hợp như thế này: Có một nguời trong lúc khốn khó được chúng ta dùng tiền bạc, của cải giúp đỡ, cưu mang. Sau khi vượt qua cơn bĩ cực, ăn nên làm ra và trở thành quyền thế, người đã từng khốn khó đó quay lại gặp ta, nhưng không phải để thăm hỏi hay cảm ơn ta mà lại là để hạch tội ta vì ta đã có nhiều của cải hơn người đó, bắt ta phải nộp hết tài sản, và chưa để cho ta hiểu chuyện gì đã xảy ra, phải chăng có sự lầm lẫn chăng, thì con người đó đã giơ tay lên bổ một búa trời giáng vào đầu ta, giết chết ta luôn.
Thưa quí vị, quí bạn, trường hợp giả tưởng hết sức oái ăm và kinh hoàng vừa kể thật chỉ có ở trong trí tưởng tượng hay trong các tác phẩm văn học mà thôi. Nhưng, không, thưa quí vị, quí bạn, hoàn toàn không, có những cuộc đời thực còn đắng cay và tàn khốc hơn nhiều.
Đó là trường hợp bà Nguyễn Thị Năm – Cát Hanh Long, chúng tôi sẽ kể lại dưới đây.
Bà Nguyễn Thị Năm sinh năm 1906 là một người buôn bán có tài và thành đạt trên đất Bắc trong thời thuộc Pháp. Trước năm 1945, bà Nguyễn Thị Năm là chủ của một loạt các cửa hiệu lớn có tên Cát Hanh Long tại Hà Nội và Hải Phòng. Ngoài ra, gia đình bà Nguyễn Thị Năm-Cát Hanh Long còn sở hữu một khu đồn điền rộng lớn tại Đồng Bẩm, Thái Nguyên cùng nhiều biệt thự sang trọng tại Hà Nội và Hải Phòng. Gia đình bà Năm lúc đó còn có những chiếc xe hơi đắt tiền nhập từ Pháp.
Cũng như nhiều người Việt Nam khi đó, bà chủ Nguyễn Thị Năm – Cát Hanh Long, ngoài công việc buôn bán, làm ăn để phát triển cho bản thân gia đình, bà Năm còn muốn giúp đỡ xã hội và trợ giúp cho công cuộc giành lại độc lập cho dân tộc sau hơn 80 năm dưới sự cai quản của người Pháp. Căn cứ vào những lời tuyên truyền, vận động của các đảng viên cộng sản, bà Năm – Cát Hanh Long đã hết lòng ủng hộ Mặt trận Việt Minh.
Khu đồn điền tại Đồng Bẩm, Thái Nguyên vừa là nơi bà Năm dành cho cán bộ Việt Minh trú ngụ, ẩn náu, vừa là nơi cung cấp lương ăn cho quân Việt Minh, có lúc lên tới vài trăm người. Khu dinh thự tại Đồng Bẩm và các biệt thự sang trọng tại Hà Nội, Hải Phòng của bà Năm luôn sẵn sàng làm nơi liên lạc, ẩn náu, nuôi dưỡng cho những cán bộ Việt Minh cấp cao như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng,...
Năm 2001 chính Võ Nguyên Giáp đã xác nhận: "Bà Nguyễn Thị Năm-Cát Hanh Long là một địa chủ có tinh thần yêu nước, trong kháng chiến đã từng giúp đỡ bộ đội. Bản thân tôi và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có lúc đã ở lại nhà bà."
Không những nuôi quân, cho ăn và cho trú ẩn, bà Năm còn hiến tặng rất nhiều tiền, vàng cho Việt Minh. Tháng 05/1945 bà Năm gửi cho Việt Minh 2 vạn tiền Đông Dương, tương đương với 700 lạng vàng.
Không chỉ tiền, vàng, vật chất, bà Năm còn đồng ý để hai người con trai đi theo Việt Minh.
Đây là một biên bản xác nhận mới được bạch hóa về đóng góp của bà Năm:
"Anh Nguyễn Cát (tức Công) đã được chúng tôi tổ chức vào một trong những nhóm thanh niên cứu quốc hoạt động bí mật tại thị xã Thái Nguyên trước Tổng khởi nghỉa. Tháng 5/1945 anh Cát đưa lên chiến Khu 20 ngàn bạc Đông Dương (thời giá khi đó tương đương 700 lạng vàng) tiền của gia đình anh ủng hộ đoàn thể. Tôi đã nhận tiền và giao lại cho Ban cán sự Võ Nhai. Anh Cát thường xuyên cung cấp cho chiến khu thuốc chữa bệnh, máy đánh chữ, giấy mực và nhiều thứ khác khi chiến khu yêu cầu."
Nguyễn Cát vừa nói tới là con trai thứ của bà Nguyễn Thị Năm.
Còn Nguyễn Hanh, người con trai trưởng của bà Nguyễn Thị Năm, vào tháng 08 năm 1945 là một thành viên trong phái bộ của Hồ Chí Minh đi vào Huế để thu ấn kiếm của Hoàng Đế Bảo Đại.
Khi chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh lập ra và kêu gọi đóng góp cho "tuần lễ vàng" vì độc lập, tự do cho dân tộc, bà Năm lại đứng ra hiến công khai 100 lạng vàng.
Khi chính quyền Hồ Chí Minh xung đột với Pháp và kêu gọi tiêu thổ kháng chiến, bà Năm lại đồng lòng đồng ý cho cán bộ Việt Minh phá tan khu dinh thự của bà tại Đồng Bẩm, Thái Nguyên rồi cả gia đình bà Năm rời Hải Phòng, Hà Nội lên Việt Bắc đi theo chính quyền Hồ Chí Minh để tiếp tục đánh đuổi thực dân Pháp.
Như vậy, tới đây, chúng ta có thể thấy, sự lựa chọn và ủng hộ Việt Minh một cách hết lòng của bà Nguyễn Thị Năm là hoàn toàn chính xác, không có điều gì phải bàn thêm. Đóng góp cho sự hưng thịnh của đất nước là sự bình thường đối với bất kỳ người yêu nước nào, huống chi là một người có tấm lòng quảng đại và lại kinh doanh tài giỏi như bà Năm-Cát Hanh Long.
Nhưng, năm 1953, khi chính quyền Hồ Chí Minh thực hiện "cải cách ruộng đất", bà Nguyễn Thị Năm – Cát Hanh Long là người đầu tiên bị đưa ra xử tử, bị tịch thu hết ruộng đất, gia sản, nhà cửa vì bà Năm bị chính quyền Hồ Chí Minh xếp vào dạng: "Tư sản địa chủ cường hào gian ác".
Hai người con trai của bà Nguyễn Thị Năm – Cát Hanh Long khi đó đang ở bên Trung Quốc thì được gọi ngay về nước và được đưa thẳng vào trại tù.
Dian và Tiến Văn xin tạm dừng ở đây, kính chào tạm biệt và xin hẹn gặp lại vào giờ này tuần tới để tiếp tục với trường hợp Bà Nguyễn Thị Năm-Cát Hanh Long.
Tiến Văn
(30/3/2014)
(Chuyên mục hôm nay chúng tôi có dùng nhiều tư liệu của Nhà báo Xuân Ba hiện đang tác nghiệp tại Việt Nam.)

No comments:

Post a Comment