Chủ Nhật ngày 09.03.2014
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi
chuyên mục Nói Với Người Cộng Sản. Đây là diễn dàn để trình bày với các
đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy
công an và bộ đội của chế độ hiện hành. Nói Với Người Cộng Sản do Tiến
Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian
Kính chào quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm và các bạn công an, bộ đội,
Tuần trước chúng ta đã cùng nhau làm rõ một thủ đoạn mới của chính
quyền, tức "Phiếu tố giác tội phạm", nhằm gây chia rẽ, phá hoại sự liên
kết của chúng ta với nhau, với mục đích cuối cùng là để bảo vệ, duy trì
sự tham nhũng, vơ vét của giới quan chức đảng cộng sản.
Chúng tôi biết rất nhiều quí vị, quí bạn công an, bộ đội ở đây chưa
bao giờ phải đi kiện tụng hoặc cũng chưa bao giờ cảm thấy bị chính quyền
ức hiếp, bóc lột. Nhưng chúng tôi vẫn mạnh dạn dùng từ "Chúng Ta", nói
rằng "Phiếu tố giác tội phạm" là một thủ đoạn chia rẽ Chúng Ta. Những
nhu yếu phẩm, trang phục, trợ cấp, lương bổng, xe cộ, vũ khí mà quí vị,
quí bạn đang dùng, đang nhận hàng tháng chính là được chu cấp từ nhân
dân, từ đồng bào mình để quí vị, quí bạn đảm trách nhiệm vụ tối cao bảo
vệ an ninh, trật tự, giúp cho xã hội tiến bộ chứ không phải để bảo vệ
lợi ích hay giữ mạng sống cho những kẻ cầm quyền tham nhũng. Vì thế,
chính quí vị, quí bạn cũng đang là một nạn nhân của sự thống trị, bóc
lột hiện nay của Đảng Cộng sản Việt Nam và quí vị, quí bạn một ngày nào
đó cũng có thể sẽ trở thành dân oan thực thụ như nhiều người hiện nay.
Vì thế, mỗi việc chúng ta cùng làm để vô hiệu hóa các thủ đoạn gây
chia rẽ, phá rối từ chính quyền đều là việc vừa có ích cho xã hội vừa có
ích cho chính bản thân mỗi người chúng ta.
Vậy chúng ta cần làm gì để vô hiệu hóa "Phiếu tố giác tội phạm", để
nó không gây hại cho quyền bàn bạc, hội họp, quyền gắn bó, tổ chức với
nhau trong việc bảo vệ lợi ích của chúng ta trước những hành xử bất công
của chính quyền?
Sau đây, chúng tôi xin chia sẻ một số suy nghĩ, cách thức đã được người dân thực hiện và truyền bá cho nhau:
1. Chúng ta cần hiểu rõ rằng trách nhiệm bảo vệ trật tự, an ninh cho
xã hội là thuộc về các cơ quan công quyền, các viên chức nhà nước đã
được chúng ta giao phó nhiệm vụ và chu cấp lương bổng, phương tiện. Vì
vậy "Phiếu tố giác tội phạm" gửi cho dân chúng chỉ có tính chất cậy nhờ,
không có tính chất bắt buộc. Người dân làm hay không là do người dân
quyết định không ai có quyền áp đặt, ép buộc. Mọi sự mua chuộc hay đe
dọa để ghi "Phiếu tố giác tội phạm" đều là những việc làm mờ ám, bất
chính và phi pháp.
2. Chúng ta cần xác định rõ những quyền cơ bản của người dân, tức tất
cả những hoạt động chính mà tất cả chúng ta đều có quyền thực hiện
không cần phải xin phép ai và cũng không ai có quyền can thiệp.
Thứ nhất, đó là việc chúng ta có quyền phát biểu, bày tỏ, chia sẻ và
tìm kiếm, lĩnh hội thông tin với mọi người và bằng mọi phương tiện. Đó
gọi là quyền tự do ngôn luận. Trong trường hợp thực hiện quyền ngôn
luận, nếu chúng ta làm phiền hoặc gây khó chịu cho người khác thì chúng
ta chỉ có thể bị kiện, bị khiếu nại ra tòa dân sự để phân giải chứ không
thể bị buộc vào bất cứ tội hình sự nào.
Thứ hai, chúng ta có quyền được thăm hỏi, gặp gỡ, tụ họp với nhau để
chia sẻ, bàn bạc cùng nhau về bất cứ vấn đề gì chúng ta thấy cần thiết
cho tiến bộ của cá nhân hay tiến bộ cho xã hội, hoặc thậm chí chúng ta
gặp nhau chỉ để vui chơi, giải khuây với nhau. Những điều này gọi là
quyền tự do hội họp.
Thứ ba, chúng ta có quyền liên kết, nhóm họp, tổ chức lại với nhau
thành một cơ cấu, đoàn thể để thực hiện bất kỳ một mục tiêu chung nào
đó, miễn là không có tính chất bạo động. Quyền này gọi là quyền tự do
lập hội, tự do tổ chức.
3. Sau khi đã xác định và nhận thức được thật rõ những điều trên đây
chúng ta sẽ tự khắc nghĩ ra được vô vàn cách thức để vô hiệu những thủ
đoạn muốn chia rẽ dân chúng để thống trị dễ hơn của nhà cầm quyền hiện
nay.
Ở đây chúng tôi muốn kể một câu chuyện nhỏ:
Ông Bảy, một người sống ở quận 4 Sài Gòn, vừa uống xong miếng nước và
đang cầm tờ báo đi lên lầu nằm nghỉ thì có tiếng gõ cửa. Ổng ra thì
thấy anh công an khu vực đang cắp cặp đứng,xin phép muốn vào thăm ông.
Sau khi chủ khách đã an vị trong nhà, anh công an liền hỏi ông Bảy để dò
la về gia đình bà Năm, "Thưa chú Bảy, nhà bà Năm độ này có gì đặc biệt
không chú? Nghe nói bả sau khi đi Hà Nội về hay có nhiều người qua lắm,
phải không chú?".
Bà Năm là chủ nhà bên cạnh nhà ông Bảy, bả đã đi khiếu kiện hơn 20
năm nay về căn nhà của bả đã bị một ông cán bộ ở Bắc vào mượn hồi sau 75
rồi chiếm dụng luôn không trả. Nghe nói bà Năm đã ra Hà Nội nhiều lần,
nhưng chuyện chưa đến đâu, chỉ có chồng đơn bả lưu đã cao hơn 2 mét.
Ông Bảy nghe anh công an hỏi thế thì hỏi lại: "Thế chú thấy người ta
qua lại hỏi thăm bả hay giúp bả về việc kiện tụng là đúng hay sai?" Anh
công an thấy thế đánh lảng, rồi nói: "Vậy chú Bảy xem giúp cháu cái
""Phiếu tố giác tội phạm" chú nha." Ông Bảy lại nói: "Cái phiếu đó tôi
xem rồi, chú cứ yên tâm mà công tác cho tốt, cho đúng với chức trách của
người công an nhân dân." Nhưng thực bụng ông Bảy đã nghĩ không bao giờ
lại làm cái phiếu báo hại đó."
Dian và Tiến Văn kính chào tạm biệt quí vị, quí bạn và xin hẹn gặp lại vào giờ này tuần tới.
Tiến Văn
(9/3/2014)
No comments:
Post a Comment