Sunday, September 2, 2012

Nguyễn Đức Kiên: Đỉnh của một tảng băng sơn

Chủ Nhật ngày 02.09.2012    

Lời dẫn: Khái niệm chính quyền cởi mở và trong sáng (Open and transparent governance) như tại các quốc gia dân chủ đa nguyên, là một khái niệm hoàn toàn vắng bóng tại Việt Nam. Trong việc bắt giữ trùm tài phiệt Nguyễn Đức Kiên, CSVN đã chứng tỏ lối cai trị độc tài theo kiểu thâm cung bí sử, vô pháp vô thiên, mặc dù chúng ta chưa biết ông Kiên có tội gì hay không, hay phạm tội tới mức độ nào. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Đà Giang với tựa đề: "Nguyễn Đức Kiên: Đỉnh của một tảng băng sơn" sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB bị bắt và giam giữ ở một nơi biệt lập, nhưng chính người đứng đầu chính phủ là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại không hay biết, làm cho thị trường chứng khoán và tài chánh cả nước bị chao đảo, gây thiệt hại cho dân chúng lẫn ngân khố quốc gia, chỉ là đỉnh của một tảng băng sơn biểu hiện cho tình trạng tồi tệ của Việt Nam hiện nay.

Qua phản ứng của báo chí do đảng kiểm soát, qua việc người dân rút tiền hàng loạt ra khỏi các cơ quan tài chánh, và qua sự đấu đá kịch liệt giữa các phe nhóm trong đảng bị hé hộ, người dân có cảm tưởng rằng ông Kiên đã phạm tội hình sự tày trời. Nguyễn Đức Kiên là cánh tay mặt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, là một trong những người giàu nứt vách tại Việt Nam và có ảnh hưởng rất lớn trong guồng máy chính quyền. Thế nhưng sau khi bị bắt, không ai biết ông ta bị giam giữ nơi đâu? trong bao lâu? luật sư biện hộ cho ông là ai, thậm chí ông có luật sư biện hộ hay không? Tuy nhiên sau khi xét những sự kiện khách quan, chúng ta thấy các biện pháp mà "ai đó" đang áp đặt trên ông Kiên đã vượt quá xa tầm mức nghiêm trọng của tội phạm mà ông đang bị cáo buộc. Sở dĩ chúng ta dùng danh từ "ai đó" thay vì chính quyền, bởi chúng ta không biết chắc là chính quyền đã ra lệnh bắt ông. Nếu là chính quyền, tại sao Thủ tướng Dũng là người đứng đầu chính quyền lại không hay biết?
Thật ra tội mà ông Kiên bị cáo buộc quá khiêm nhường, vì hình thức đối xử của "ai đó" khi bắt giam ông trên nguyên tắc đã vượt khỏi giới hạn của công lý. Ông Nguyễn Đức Kiên bị cáo buộc về tội kinh doanh trái phép, chiếu theo điều 159 Bộ Luật Hình Sự (BLHS)
Điều 159 có thể được tóm lược như sau: Người nào kinh doanh mà không có đăng ký, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký, hay kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép... sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, hay bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm. Nặng hơn thì phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, ngòai ra có thể bị phạt thêm tiền từ 3 triệu đến 30 triệu đồng.
Nói vắn tắt đây không phải là một tội "trọng hình", vì mức độ phạt tiền từ 3 triệu cho đến tối đa là 50 triệu đồng Việt Nam (tức khỏang từ 150 đến 2,500 Mỹ kim). Tội nhẹ chỉ phạt cải tạo, nặng thì từ 3 tháng đến 2 năm tù. Với tài sản kết xù của ông Kiên cộng thêm uy tín của ông bao trùm cả chính phủ, không biết ông thật sự có sợ hãi hay không? nhưng dưới hệ thống pháp lý của xã hội chủ nghĩa thì luật rừng được áp dụng, nghĩa là ông Kiên coi như có tội trước khi toà án xét xử. Tuy nhiên khi đọc báo trong nước, chúng ta thấy chính người đỡ đầu cho ông Kiên là Thủ tướng Dũng đã lộ vẻ sợ hãi, và sẵn sàng bán đứng ông Kiên. Ông Dũng công khai kêu gọi hình phạt nặng nhất trong trường hợp ông Kiên, hay bất cứ công dân nào đã vi phạm luật kinh doanh. Ông Dũng là người quyền uy nhất nước nhưng tại sao lại tỏ ra sợ hãi trước sự việc này? Một vài giả thuyết được đưa ra như sau: -
1. Nguyễn Đức Kiên là cánh tay mặt của Nguyễn Tấn Dũng (NTD) chắc đã vi phạm nhiều điều nghiêm trọng hơn nữa trong BLHS khi kinh doanh cho phe nhóm NTD. Kẻ thù của phe nhóm này gồm có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và ngay cả người mà NTD tin tưởng là Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang nay đã phản thầy.
2. Ông Kiên là người đầu tiên nổi trội nhất bị bắt. Tiếp theo sẽ có nhiều người khác cùng phe của ông Dũng bị bắt. Phe nhóm ông Dũng lãnh đạo guồng máy chính quyền, đã xâm nhập và quản trị các doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân do con cháu và tay chân họ nắm giữ. |Các doanh nghiệp này bị phe NTD lợi dụng hút sạch vốn liếng, làm cho nguyên cả hệ thống ngân hàng nhà nước lẫn tư nhân đều sắp bị vỡ nợ. Chính vì lý do này mà Thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình (là người từng chịu ơn ông Kiên) đã tường trình cho quốc hội rằng, ngân hàng nhà nước cương quyết sẽ ủng hộ các ngân hàng bị dân chúng rút vốn. Dĩ nhiên ông Bình cũng biết, nếu tình trạng quá tồi tệ thì hệ thống tài chánh Việt Nam sẽ bị suy sụp, hậu quả ngân hàng nhà nước càng phải in tiền nhiều hơn để cứu giúp, cuối cùng thì giá trị đồng tiền của dân chúng dành dụm sẽ bị lạm phát không còn đáng giá 1 xu.
3. Cả 2 giả thuyết nêu trên đều đúng. Ông Kiên và đồng bọn đã phạm nhiều điều nghiêm trọng trong BLHS. Những vi phạm này đã góp phần cho nạn khủng hoảng tài chánh có nguy cơ xảy ra tại Việt Nam. Chắc chắn tỷ lệ nợ xấu trong các ngân hàng và doanh nghiệp tại Việt Nam cao đến mức độ mà nếu công khai hoá, tức thì sẽ phát sinh đại hoạ. Do đó, không những ông Kiên mà còn nhiều tay chân bộ hạ khác của NTD sẽ phải hy sinh làm những con vật tế thần.
Nguyên nhân của những tệ hại trên, thật ra không phải phát xuất từ phe Nguyễn Tấn Dũng như một "nhóm lợi ích", nói theo TBT Nguyễn Phú Trọng, mà nó phát xuất từ định hướng xã hội chủ nghĩa. Định hướng này dung túng cho sự hiện hữu của đa số doanh nghiệp nhà nước cùng một thiểu số doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp tư nhân này đã nhanh chóng trở thành phương tiện cho con cháu và tay chân của các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước chuyển vốn, biển thủ vốn, và sau đó tuyên bố vỡ nợ. Họ đã cướp đi trắng trợn tiền thuế của người dân vì bản chất của định hướng xã hội chủ nghĩa là tham nhũng. Đây cũng là lý do tại sao NTD từ lúc Đại hội Ban chấp hành Trung ương Đảng vào tháng 5 vừa qua, đã cố trì hoãn trong việc bàn giao chức vụ Trưởng ban chỉ đạo Ủy ban Phòng Chống Tham nhũng cho TBT Nguyễn Phú Trọng. Thật ra ông Dũng chỉ muốn bảo vệ quyền lợi của chính ông và đám đàn em hạm tham nhũng của ông mà thôi!
Mọi người đều biết gốc của tham nhũng là điều 4 Hiến Pháp. Các ông Trương Tấn Sang và Nguyễn Phú Trọng không trong sạch gì hơn ông Nguyễn Tấn Dũng. Họ đương nhiên biết rằng triệt tiêu tham nhũng là đồng nghĩa với việc hủy bỏ điều 4 hiến pháp, và có nghĩa là toàn bộ đảng CSVN sẽ bị diệt vong! Chắc chắn 2 ông Sang và Trọng không đủ hùng tâm tráng chí để làm công việc "vì đại nghĩa diệt thân" này! Đây chính là công việc và trách nhiệm mà toàn dân Việt sẽ đứng lên cáng đáng.
Đà Giang
27/8/2012

No comments:

Post a Comment