Công an ngăn cấm nhiều người đến ủng hộ các bloggers Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do
Sáng thứ hai 24 tháng 9, công an ngăn cấm nhiều người muốn đến ủng hộ các bloggers Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Tạ Phong Tần (Công lý Sự Thật), Phan Thanh Hải (AnhBaSàiGòn) trong phiên tòa xử những người yêu nước về tội "Tuyên truyền chống nhà nước" theo khoản 2 điều 88 do thẩm phán Nguyễn Phi Long chủ toạ. Theo phóng viên Truyền Thông Chúa Cứu Thế, anh Huỳnh Công Thuận và Châu Văn Thi bị chặn trên đường đến tòa án Sài Gòn trước 7 giờ sáng. Sinh viên Luật Trịnh Anh Tuấn đã bị bắt trước Nhà văn hóa Thanh Niên và chị Nguyễn Nữ Phương Dung bị bắt đưa về đồn công an Phường 6, Quận 3.
Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh và Giuse Đinh Hữu Thoại đã dẫn đầu cuộc tuần hành từ Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế đến trụ sở tòa án Nhân dân. Mọi người vừa đi vừa giăng biểu ngữ trên đoạn đường Điện Biên Phủ. Công an đã chận phái đoàn tại ngã tư Võ Văn Tần - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cách trụ sở tòa án vài trăm mét và tịch thu biểu ngữ. Được biết, bất chấp những hành vi sách nhiễu, đe dọa bắt bớ từ phía công an, những người từ xa như chị Bùi Thị Minh Hằng từ Vũng Tàu, và bloggers Binh Nhì, Aduku từ Hà Nội cũng cố gắng cùng mọi người tham gia phiên tòa xử các bloggers yêu nước. Vào 6 giờ 30 chiều hôm trước, một thánh lễ cầu nguyện cho 3 bloggers Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do đã diễn ra tại đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sàigòn do cha Antôn Lê Ngọc Thanh chủ sự, cha Giuse Nguyễn Thể Hiện chia sẻ Lời Chúa, cha Giuse Đinh Hữu Thoại dẫn lễ và cha Đaminh Nguyễn Văn Phương Công bố Lời Chúa.
Các cuộc biểu tình của người Hồi Giáo tiếp tục diễn ra
Từ Nigeria tới Athens, các cuộc biểu tình của người Hồi giáo xẩy ra tại nhiều nước vào chủ nhật 23 tháng 9 để chống các nước liên quan đến video clip và hình hoạt họa xúc phạm đến tiên tri Mohammad. Cờ Mỹ, Pháp và Do Thái đã bị đốt tại các nước Hồi giáo như Nigeria, Iran, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Sinh viên Iran hô vang "Tiêu diệt Hoa Kỳ và Do Thái" bên ngoài toà đại sứ Pháp ở Tehran để phản đối tạp chí châm biếm Charlie Hebdo xuất bản hình hoạt họa chế diễu tiên tri Mohammad sau khi xẩy ra cuộc biểu tình phản đối video clip làm tại Hoa Kỳ. Người Hồi giáo Shi'ite tại Nigeria đã đốt cờ trong cuộc biểu tình mà một nhà lãnh đạo tôn giáo kêu gọi tiếp tục xuống đường cho đến khi nhà sản xuất video clip trên YouTube và hình hoạt họa bị trừng phạt. Tại Athens, một số người biểu tình ném chai nước, đá và giày dép vào cảnh sát khi bị đàn áp bằng hơi cay. Có đến 15 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình tại Pakistan vào thứ sáu tuần trước. Một bộ trưởng Pakistan treo giải 100 ngàn mỹ kim cho bất cứ ai giết chết nhà sản xuất video clip. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, một nước đồng minh với Hoa Kỳ và được coi là nước giao hảo giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây, cũng có những người biểu tình đốt cờ Mỹ và Do Thái vào Chủ nhật vừa qua.
Trung Quốc hoãn tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm bang giao với Nhật Bản
Nhà cầm quyền Bắc Kinh thông báo hoãn tổ chức buổi lễ kỷ niệm 40 năm thiết lập bang giao với Tokyo vì tình hình căng thẳng từ cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Theo dự tính, buổi lễ kỷ niệm sẽ diễn ra tại Bắc Kinh vào thứ năm 27 tháng 9 sắp tới. Trong lúc một số trung tâm mua sắm của Nhật đóng cửa tại Bắc Kinh, nhiều tiệm tại khu Ginza District ở Tokyo cũng vắng bóng du khách Trung Quốc. Người bán hàng tại một tiệm mỹ phẩm hạng sang tại đây cho biết số khách Trung Quốc giảm nhiều kể từ tháng 8 khi xẩy ra những căng thẳng giữa hai nước về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhiều tiệm báng hàng trong trung tâm thương mại Tokyo có sẵn những tài liệu và bảng giá cho khách Trung Quốc ngoài những người bán hàng nói rành tiếng tàu. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất tại Nhật Bản, trong khi Nhật Bản đứng hàng thứ ba trong mức giao dịch tại Trung Quốc. Gần đây thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda cảnh báo Trung Quốc về hành động khiêu khích đối với cuộc tranh chấp lãnh thổ từ các cuộc biểu tình bạo động đến biện pháp trừng phạt thương mại có thể tiếp tục làm suy yếu nền kinh tế mong manh của Trung Quốc vì gây lo sợ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Những bế tắc ngoại giao giữa Tokyo và Bắc Kinh có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế hàng thứ hai và thứ ba trên thế giới.
Nhật phản đối 3 tàu tuần tra Trung Quốc hoạt động trong vùng biển tranh chấp
Bộ ngoại giao Nhật đã gửi công hàm phản đối đến đại sứ Trung Quốc tại Tokyo sau khi Bắc Kinh gửi 3 tàu tuần tra đến hoạt động trong vùng biển tranh chấp thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Quan chức hàng hải Trung Quốc xác nhận các tầu tuần tra được gửi đến vùng biển này để bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc. Tân Hoa Xã cho rằng các động thái gần đây của Nhật Bản tại quần đảo Điếu Ngư đã vi phạm trắng trợn chủ quyền của Trung Quốc. Được biết tàu hải giám Nhật đã liên lạc và ra lệnh cho các tàu tuần tra Trung Quốc lập tức ra khỏi khu vực nhưng không được đáp ứng. Tính đến sáng thứ hai 24 tháng 9, 9 tàu tuần tra đánh cá của Trung Quốc vẫn còn lai vãng ngoài khu vực biển tranh chấp. Cuộc tranh chấp chủ quyền giữa hai cường quốc Á Châu xảy ra đúng vào lúc có nhiều áp lực chính trị tại hai nước. Chính quyền của thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda sắp phải đối mặt với một cuộc bầu cử mà thủ tướng Noda không muốn tỏ ra lép vế Trung Quốc. Trong khi đó đảng cộng sản Trung Quốc đang bận rộn chuẩn bị thay đổi lãnh đạo và chủ tịch Hồ Cẩm Đào sắp hết quyền lực tại đại hội đảng có thể bắt đầu vào tháng 10. Thủ tướng Nhật hy vọng ngoại trưởng o hai nước sẽ có dịp gặp mặt chính thức tại kỳ họp của Liên Hiệp Quốc ở New York để xoa dịu những căng thẳng đối vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
No comments:
Post a Comment