Thứ Sáu ngày 21.09.2012
Lời dẫn: Công an CSVN quan niệm minh thị rằng: đảng còn mình còn, đảng mất mình mất. Lý do là vì cả hai thực thể cùng cộng sinh bên trên và bên ngoài luật pháp, giết dân như giết sâu bọ gà vịt. Luật pháp của xã hội chủ nghĩa là để bảo vệ đảng và công an, không phải bảo vệ nhân dân. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết của Người Buôn Gió có tựa đề: "Bình vài ý trong vụ công an đánh chết người ở Đông Anh " sẽ được Dian trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Vậy đây mới là tạm giữ, không phải tạm giam, có nghĩa chưa khởi tố vụ án. Và điều đó có nghĩa tội đánh chết người chưa được xác định. Vì sao chưa khởi tố, đơn giản là muốn khởi tố thì định tội danh. Trong trường hợp dân đối với công an thì tội danh có thể xác định ngay ở khung cao nhất, mức cao nhất rồi tuỳ cơ hạ thấp xuống hay để nguyên. Như vậy sẽ tạo được sự răn đe, nghiêm khắc trong xã hội.
Trường hợp công an đánh dân. Mọi việc phải từ từ xem xét, đưa ra một quyết định khởi tố vội vã rồi phải theo hướng ban đầu như thế không có lợi cho công an. Cho nên mới tạm giữ hành chính các công an xã Kim Nỗ và chưa định được tội danh để khởi tố là vậy.
Dư luận rộ lên phản đối. Một ngày sau công an huyện Đông Anh mới đưa ra mội tội danh là ''cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người'' để điều tra.
Một tội danh nực cười, muốn giết người thì phải gây thương tích, đâm một nhát dao, đập một nhát gậy vào đầu, nếu người ta chết thì là giết người, chưa chết là gây thương tích hoặc chủ ý giết người nhưng mục đích không đạt. Đằng này đánh cho người ta đến chết thì được gọi là ''cố ý gây thương tích gây hậu quả chết người''. Một tội danh có phần lửng lơ kiểu tội phạm chỉ muốn gây thương tích nhưng vô tinh chết khiến người chết. Chưa xử, chưa điều tra, chỉ cần thấy khởi tố là biết hồi sau thế nào rồi.
Trói người lại, dùng dùi cui đánh vào mạng mỡ, ngực. Có thể chết người không. Có thể lắm, ai cũng biết vậy. Nếu ai cũng biết là có thể chết người nếu đánh vậy thì làm sao gọi là cố ý gây thương tích.?
Bắn một phát súng hoa cải ở độ xa hàng chục mét, gây chết người không. Không thể chết được nếu quá 5 m. Chắc chắn là vậy, thế nhưng điều hiển nhiên ấy lại không được công nhận mà người ta chỉ bị từ ''súng'' làm sai lệch đi. Và tội phạm được quy ngay lập tức là ''cố ý giết người ''.
Bởi thế thực tế là Đoàn Văn Vươn bị quy tội chết người. Dù các nạn nhân của anh ta chỉ bị xướt tí da còn nhẹ hơn là gai mồng tơi đâm. Còn tội phạm đánh chết ông Thuận thì được khởi tố ''cố ý gây thương tích'' mặc dù người chết rành rành ra đấy.
Trói lại rồi đánh đến chết, còng tay vào ghế trụ sở, tội phạm đã bị vô hiệu hoá hoàn toàn. Không còn khả năng gây nguy hiểm, thậm chí còn dùng bút kẹp tay tội phạm để xoắn tra tấn thì hiển nhiên kẻ phạm tội không còn gây được nguy hiểm nào cho người điều tra. Thế mà vẫn bị đánh chết.
Bản kết luận có đoạn là ông Thuận đang trong tình trạng say rượu, bị bệnh xơ gan.
Lại một trò nữa để tung ra giảm nhẹ đầy tính toán. Người ta vẽ lên một nạn nhân hung hãn, say rượu, mang trọng bệnh để khiến thiên hạ nghĩ người này chết cũng có thể nhiều nguyên nhân. Nhưng kết luận này lại rất quan trọng cho những người hiểu luật. Nó chỉ có tác dụng là mê hoặc dư luận chứ người làm luật thì không. Bản kết luận này ý nói ông Thuận say rượu nên hành động hồ đồ nên dẫn hậu quả như vậy. Nhưng nó cũng kết luận quan trọng cho thấy dù biết ông Thuận say rượu nhưng các công an xã Kim Nỗ vẫn cố tình lấy cung, lấy lời khai, thậm chí tra tấn để lấy lời khai và bắt ký nhận.
Theo bản tin thì 13 giờ 30 công an nhận tin báo, rồi đến 16 giờ ông Thuận được đi cấp cứu. Nhưng trước đó quá trình hỏi cung đã hoàn tất khi bản tin nói ông Thuận không chịu ký nhận vào bản khai.
Vậy chưa đến 2 giờ 30 phút từ khi nhận tin ở cơ sở, cho người xuống đến nơi mời đối tượng về trụ sở, chỉ trong vòng từng ấy thời gian cuộc hỏi cung đã xong. Biên bản hỏi cung đã kết thúc. Nếu bạn nào từng làm việc với điều tra, đều biết rằng đầu tiên người ta hỏi thân nhân, gia đình, nghề nghiệp mọi thứ ấy đã mất khối thời gian vì cán bộ điều tra phải ghi đầy đủ từng người thân cha mẹ, anh chị en, vợ con làm gì, ở đâu, sinh năm bao nhiêu. Rồi hỏi kể lại chi tiết ở hiện trường bắt đầu thế nào, quần áo màu gì, có ai ở đó, nói gì, hành động gì, nguyên nhân ra sao.... đến một cái biên bản mà bạn vi phạm giao thông bình thường cũng lằng nhằng mất tiếng đồng hồ. Đừng nói chuyện biên bản một sự vụ được hỏi ở đồn công an. Nhất là ở đây điều tra còn kết luận là trong lúc làm việc ông Thuận chửi bới, lăng mạ cán bộ tức là khối thời gian đã mất vào việc đó của ông Thuận nữa.
Nếu hỏi việc hỏi cung diễn ra nhanh chóng đầy quyết liệt như thế, nhất là với một người say rượu nữa. Chỉ trong từng ấy thời gian, thì chuyện chết người ở đồn công an không phải chỉ là hôm nay.
Người Buôn Gió
No comments:
Post a Comment