Công an cưỡng chế nông dân Đông Anh
Chiều thứ hai 17 tháng 9, công an và thanh tra huyện đã đưa lực lượng xuống phá các lều trại mà nông dân Đông Anh đã dựng lên để canh giữ đất ruộng. Nông dân tại đây đã liên tục phản đối dự án sai trái do các quan chức tham nhũng vẽ ra để chiếm đất ruộng của dân viện cớ làm khu công nghiệp, nhưng sẽ chia lô cho nhau bán. Có tin cho biết vào sáng thứ ba, Ủy Ban Nhân Dân huyện Đông Anh dùng công an cưỡng chế đất đai của nông dân thôn Hà Khê, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Được biết, Đông Anh là nơi đối đầu với công an và quân đội chống lại nạn cướp đất sớm nhất nước. Dự án sân golf Thọ Đa, Kim Nỗ từ thời Phạm Thế Duyệt làm Bí thư thành ủy vào năm 1995 đã gây tiếng vang trong nước và quốc tế. Nhiều người nông dân vô tội, trong đó phần đông là phụ nữ đã bị đánh đập, tù đầy. Lúc đó trưởng phòng cảnh sát hình sự Hà Nội là ông Nguyễn Đức Bình dưới sự chỉ huy của tướng Phạm Chuyên được coi là những hung thần đối với nông dân Đông Anh. Thế nhưng sau một thời gian đi lên bằng xương máu của nhân dân, viên đại tá Công an Nguyễn Đức Bình lại được thăng chức chánh án tòa án Nhân dân Hà Nội.
Nhiều hãng Nhật tại Trung Quốc đóng cửa sau cuộc biểu tình bạo động
Sau làn sóng biểu tình tại Trung Quốc chống Nhật vào cuối tuần qua, các nhà máy Nhật tại Trung Quốc đã đóng cửa từ thứ hai như hãng Honda, Mazda, Nissan, Panasonic, và Canon. Chỉ có nhà máy của hãng Toyota vẫn hoạt động bình thường vào thứ hai. Công ty bán quần áo lớn nhất Á Châu Fast Retailing đã đóng cửa một số cửa hàng tại Trung Quốc, siêu thị Ito Yokado đã đóng cửa 13 tiệm và 198 tiệm tạp hóa "7-11" đóng cửa vào thứ ba. Tại thị trường chứng khoáng Hong Kong, giá cổ phần của các công ty Nhật giảm mạnh vào thứ hai. Công dân Nhật tại Trung Quốc được cảnh báo không ra đường, và nhiều trường Nhật tại Bắc Kinh và Thượng Hải đóng cửa nguyên tuần. Cô Sayo Morimoto, 29 tuổi, sinh viên cao đẳng tại đại học Thẩm Quyến cho biết đang ở trong nhà suốt ngày, và sẽ kêu người bạn trai Trung Quốc đến nhà bảo vệ vào ngày mai. Một người Nhật sống tại Thượng Hải kể lại việc gia đình ông ta và những người khách Nhật đã bị người biểu tình Trung Quốc đuổi ra khỏi nhà hàng gần toà lãnh sự Nhật. Thượng hải là nơi cư trú của khoảng 56 ngàn người Nhật. Hiện nay Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Nhật, trong khi Nhật là đối tác hạng ba của Trung Quốc. Mức giao thương vào năm ngoái giữa Trung Quốc và Nhật Bản lên đến 345 tỉ mỹ kim. Tình thế căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của hai nước nhất là vào lúc Trung Quốc đang phải đối mặt với nền kinh tế suy trầm.
Miến Điện thả 500 tù nhân
Vào thứ hai 17 tháng 9, chính quyền Miến Điện đã thả 500 tù nhân trong đợt ân xá trước khi tổng thống Thein Sein đến thăm trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York. Các nhóm đối lập dự đoán có ít nhất 58 tù chính trị và một số người ngoại quốc trong số tù nhân được thả vì chính quyền Rangoon không thông báo danh sách tù nhân được ân xá. Kể từ năm ngoái, khoảng 600 tù nhân đã được thả cùng lúc với những cải tổ chính trị. Ông Phil Robertson, thuộc tổ chức theo dõi nhân quyền cho rằng còn ít nhất 300 tù chính trị vẫn còn bị giam cầm. Trong số tù chính trị được thả kỳ này có ông Nay Win thuộc Liên Minh Quốc Gia vì Dân Chủ, đã bị kết án 7 năm tù vào năm 2008 về tội tố cáo quan toà tham nhũng. Khi vừa ra khỏi trại tù, ông Win tuyên bố cho dù sống sót đến ngày nay, nhưng cuộc đời kể như tan biến theo mây khói. Được biết, trong chuyến công du vận động quốc tế yểm trợ cho chính sách đổi mới, tổng thống Thein Sein sẽ ghé Trung Quốc trước khi đến thăm Liên Hiệp Quốc. Trong khi đó, dân biểu Aung San Suu Kyi đã bắt đầu chuyến công du 18 ngày tại Hoa Kỳ sau hai chục năm, và bà sẽ được trao huy chương dân sự cao qúy nhất tại quốc hội Hoa Kỳ.
Hơn 1 ngàn người Hoa biểu tình trước toà lãnh sự Nhật tại New York
Hơn 1 ngàn người Hoa tham dự cuộc biểu tình trước toà lãnh sự Nhật tại New York do người Trung Quốc tổ chức nhưng nhiều người Đài Loan cũng đến dự. Các hàng cờ Trung Quốc và Đài Loan cùng tung bay với những biểu ngữ như "Trả Lại Điếu Ngư" hoặc "Cút khỏi Điếu Ngư". Người biểu tình đã đốt xé cờ Nhật bằng giấy được truyền tay phân phát. Ông Ning Yo-ming, một người Mỹ gốc Đài Loan cho biết đã cùng vợ và thân bằng quyến thuộc đến tham gia cuộc biểu tình bảo vệ lãnh thổ. Ông Yo-ming cho rằng dù là người Trung Quốc, Hong Kong hay Đài Loan cũng đều có bổn phận bảo vệ chủ quyền của người Hoa. Trong khi đó khoảng 500 người Trung Quốc tại Washington đã biểu tình trước tòa đại sứ Nhật và đọc tuyên cáo gửi cho đại sứ Ichiro Fujisaki. Tuy nhiên không thấy nhân viên toà đại sứ Nhật ra nhận tuyên cáo. Hãng thông tấn Nhật Kyodo cho biết khoảng 1 ngàn tàu cá Trung Quốc đã kéo đến vùng quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư vào chiều thứ hai trong lúc 6 tàu hải giám Trung Quốc đã có mặt trước đó. Chính quyền Tokyo coi quần đảo Senkaku là một phần lãnh thổ Nhật trong khi Bắc Kinh và Đài Bắc đều tuyên bố chủ quyền vùng biển đảo có mỏ khí đốt.
No comments:
Post a Comment