Saturday, September 8, 2012

Trung Cộng lại làu bàu

Thứ Bảy ngày 08.09.2012    

Lời dẫn: Lãnh đạo CSTQ đang ngồi chồm hổm trên một trái bom nổ chậm. Đó là một nền kinh tế tuy có phát triển nhưng kỳ thực mang những khuyết điểm trầm trọng của một nền kinh tế chỉ đạo từ trên xuống dưới, hoàn toàn không phù hợp với nhu cầu thị trường và quyền lợi nhân dân. Trái bom chắc chắn sẽ nổ và CSTQ s ẽ cáo chung, kéo theo chư hầu là CSVN. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: "Trung Cộng lại làu bàu " sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Bà Hillary Clinton bỗng dưng làm cho Cộng sản Trung Quốc bị nhột. Một bài bình luận trên Tân Hoa Xã hỏi: "Tại sao bà Clinton lại công du đến một nước chỉ có 11,000 dân làm cái gì?"
Cái nước nhỏ bé đó là Cook Islands dân số gần 20,000 người. Một nước 20,000 dân thì không có lý do nào làm cho một nước 1,300,000,000 dân phải bị nhột và làu bàu chỉ trích nước Mỹ. Nhưng Tân Hoa Xã nhắc đến để báo động với dân Trung Hoa là chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục đẩy mạnh bao vây Trung Quốc!
Chắc chắn khi đến quần đảo Cook, bà ngoại trưởng Mỹ sẽ không lên giọng giảng giải cho chính phủ nước này phải tôn trọng nhân quyền, cũng không khuyên bảo họ phải tôn trọng chủ quyền trên biển của lân bang. Quốc gia nhỏ bé này theo chế độ dân chủ đại nghị, quyền tư pháp độc lập với ông thủ tướng và Quốc Hội, theo truyền thống Anh quốc.
Bài bình luận trên Tân Hoa Xã kể tội nước Mỹ đang bao vây Trung Quốc. Họ phân tích: "Nửa sau thế kỷ 20 và đầu thế kỷ này chiến lược của Mỹ đặt trọng tâm vào Châu Âu. Trong nhiệm kỳ của Tổng Thống George W. Bush thì ông dồn hết năng lực vào chiến tranh Afghanistan và Iraq. Nhưng trong hai năm qua chính quyền Barack Obama đã nâng cao khẩu hiệu Trở về Châu Á; năm ngoái ông Obama đã khẳng định điều đó trước Quốc Hội Australia, Úc Châu. Washington đã thắt chặt quan hệ quân sự với Nhật Bản, Nam Hàn, Úc và Philippines. Obama gia tăng số thủy quân lục chiến đồn trú ở bờ biển phía Bắc nước Úc. Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố thay đổi kế hoạch điều động hải quân. Trước kia là một nửa ở Châu Á; bây giờ là 60% sang Châu Á! Mỹ đã thao diễn quân sự với các nước Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines, Thái Lan và cả Việt Nam! Trong thời gian Trung Quốc và Nhật Bản đang cãi nhau về quần đảo Ðiếu Ngư thì Mỹ đi tập trận trên biển với Hải Quân Nhật suốt 37 ngày! Năm ngoái, số vũ khí Mỹ bán cho nước khác đã lên tới hơn 66 tỷ đô la, phần lớn bán cho các nước Châu Á. Ðầu năm 2013 tới, lần đầu tiên Mỹ sẽ điều động tới Singapore những tầu chiến cận duyên.
Nhưng , theo cơ quan thông tấn Bắc Kinh thì thế lực kinh tế của Mỹ trong vùng đang thua Trung Quốc. Vì "ganh tị" nên Mỹ đang tìm cách chia rẽ Trung Quốc với các nước trong vùng; để hưởng lợi.
Một điều mà họ không nhắc tới là chính kinh tế Trung Quốc đang trên đà xuống dốc.
Tuần trước mục này đã trình bày những sự kiện và con số cho thấy nền sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đang ứ đọng hàng hóa không bán được. Trên các mạng tư nhân của dân Trung Hoa ở lục địa đang truyền nhau một bài nhận định của Lý Tả Quân, một nhà kinh tế làm trong viện nghiên cứu chính phủ. Từ năm trước, Lý Tả Quân đã tiên đoán: "Kinh tế Trung Quốc sẽ lâm nguy" và báo động các ngân hàng, các cấp chính quyền địa phương sẽ vỡ nợ vào năm 2013. Lý Tả Quân tiên đoán giữa năm 2013 thì tình trạng này sẽ đi tới mức chịu không nổi, phải phá sản.
Một hình ảnh dễ thấy nhất là ngành sản xuất thép, mà Trung Cộng đã bơm vào không biết bao nhiêu tỷ Mỹ kim để xây dựng nhà máy, rồi thép chế ra bán không được. Nhiều công ty thép đã tự xóa bỏ các hợp đồng mua sắt quặng. Nhưng các công ty của nhà nước vẫn được lệnh chính quyền, đặc biệt là chính quyền địa phương thúc đẩy phải cho máy chạy đều đều, dù sau khi chế ra thì hàng chỉ cất vào kho.
Tại sao họ lại có hành vi lạ lùng như vậy? Vì các cán bộ sẽ được thăng thưởng nếu "tổng số sản xuất lên." Một triệu tấn thép chất đầy trong kho hay mười ngàn ngôi nhà xây xong bỏ trống; nhưng trị giá của tất cả những thứ đó vẫn được ghi trong số thống kê; đóng góp vào con số tổng sản lượng nội địa (GDP), cho thấy nó vẫn gia tăng! Năm nay, sau khi có giới lãnh đạo mới trong đảng Cộng sản, họ sẽ tính sổ các cán bộ coi anh chị nào đáng lên, anh chị nào phải xuống. Cho nên các quan địa phương càng phải "phấn đấu" cho nhà máy chạy.
Kinh tế Trung Quốc trên căn bản vẫn chưa phải kinh tế thị trường. Trên tạp chí Foreign Affairs tháng này, Giáo Sư Bùi Mẫn Hân, nhà kinh tế Trung Quốc sống ở Mỹ, nhận xét rằng: "Cảnh kinh tế trì trệ của Bắc Kinh không phải do chu kỳ kinh tế lên xuống, cũng không phải vì các nước khác bớt mua hàng. Căn bệnh của kinh tế bắt rễ sâu hơn. Ðó là vì guồng máy nhà nước phí phạm tài nguyên tiền vốn và chèn ép giới kinh doanh tư; vì từ trong hệ thống không nảy ra sáng kiến, phát minh; và vì một tầng lớp lãnh đạo tham lam chỉ nghĩ cách làm giầu cho chính họ và bảo vệ các đặc quyền của họ mãi mãi."
Ðó là tình trạng thực của kinh tế Trung Quốc, dù nước Mỹ có trở lại vùng Á Ðông hay không; dù bà Hillary Clinton có thăm quần đảo Cook hay không. Chính quyền Trung Cộng phải luôn luôn gây ồn ào về chính sách "bao vây, ngăn cản" của chính quyền Mỹ vì đó là một cách nuôi tinh thần bài ngoại. Từ gần 200 năm nay, dân Trung Hoa đã có ác cảm với người da trắng. Khơi dậy tình tự thù ghét đó là để cho dân quên đi những bất công xã hội, môi trường ô nhiễm, và những vụ đấu đá chém giết nhau để tranh giành quyền lực trong nội bộ một đảng tham ô!
Dân Trung Quốc không được tự do tìm hiểu và thảo luận về nỗi khó khăn của chính nước họ. Hai tuần trước, ông Từ Hoài Khiêm, 44 tuổi, chủ biên tạp chí Ðại Ðịa của nhật báo Nhân Dân đã nhảy lầu tự vẫn. Trong blog của ông còn để lại một lời trối trăn: "Nỗi đau đớn của tôi là vì tôi dám suy nghĩ, nhưng lại không dám nói lên. Nếu dám nói ra, tôi cũng không dám viết. Mà nếu tôi dám viết, cũng không ai đăng!"
Ngô Nhân Dụng

No comments:

Post a Comment