Công an Việt Nam cần chống thói vô cảm với nhân dân
Bộ trưởng công an Trần Đại Quang nhìn nhận nghành công an cần chống thói vô cảm làm tổn hại đến mối quan hệ với nhân dân trong hội nghị kiểm điểm và phê bình của ngành công an với sự hiện diện của chủ tịch nước và thủ tướng Việt Nam. Ông Trần Đại Quang cho rằng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá tinh thần thái độ phục vụ nhân dân, tiếp xúc và giải quyết công việc của người dân.
Được biết trong 5 ngày hội nghị từ 29 tháng 8, ban thường vụ đảng ủy công an trung ương Hà Nội muốn chứng tỏ sự lãnh đạo trong bối cảnh các vụ án kinh tế, ngân hàng đang gây xôn xao dư luận. Ngành công an Việt Nam đang bị phê phán vì dùng bạo lực gây chết người trong những vụ bắt tạm giam. Các vụ công an đánh chết dân gần đây nhất như vụ ông Nguyễn Mậu Thuận, 54 tuổi, chết bất tử chỉ vài giờ sau khi đến đồn công an Kim Nỗ làm việc hôm 30 tháng 8. Dân chúng cũng phẫn nộ trong vụ trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng vào đầu năm 2011, và vụ treo cổ tại đồn công an Bến Cát, Bình Dương năm 2011 vẫn còn nhiều nghi vấn.
Hoa Kỳ tìm mọi cách ngăn chặn chiến tranh tại Iran
Chính quyền Obama đang thực hiện một số điều để buộc Iran tỏ thiện chí trong cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân với hy vọng chận đứng một cuộc tấn công từ Do Thái. Những điều này bao gồm kế hoạch dò mìn giữa hải quân 25 nước tại Vịnh Ba Tư từ ngày 16 đến 27 tháng 9, đặt thêm hệ thống chống tên lửa mới tại Qatar, và gia tăng siết chặt nguồn lợi tức từ dầu hoả của Iran. Tổng thống Barack Obama cũng đang cân nhắc một hành động quân sự trừng phạt nhà cầm quyền Tehran, và có thể tung ra cuộc tấn công tin học làm hỏng máy ly tâm hạt nhân của Iran như trước đây. Tuy nhiên, giải pháp tấn công vào nhà máy hạt nhân tại Iran sẽ gây nhiều rủi ro so với kỳ Do Thái phá nhà máy tại Syria vào năm 2007. Quân đội hùng mạnh của Iran có thể phản công và một cuộc chiến tại Trung Đông khó lòng tránh khỏi. Giới quan sát cho rằng tổng thống Obama chắc chắn sẽ không dùng biện pháp quân sự vì không muốn ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay.
Nhật Bản ngưng trao đổi quân sự với Nam Hàn vì tranh chấp đảo Dokdo/Takeshima
Phát ngôn nhân bộ quốc phòng Nhật cho biết Nhật Bản vừa tạm ngưng một chương trình trao đổi quân sự với Nam Hàn trong bối cảnh gia tăng tranh chấp chủ quyền đảo Dokdo/Takeshima. Các quan chức không quân và hải quân Nhật Bản và Nam Hàn sẽ ngưng các chuyến công du giữa hai nước. Đây là lý do chương trình trao đổi quân sự giữa Tokyo và Seoul đã không được thực hiện vào hôm thứ hai theo như kế hoạch. Mối quan hệ giữa hai nước trở nên tồi tệ từ ngày tổng thống Nam Hàn Lee Myung-bak đến thăm đảo Dokdo/Takeshima vào đầu tháng 8. Chính quyền Nhật đã tức giận về những lời tuyên bố của ông Lee liên quan đến chủ quyền biển đảo và Nhật hoàng Akihito. Được biết Nhật đã hủy một cuộc họp cấp bộ trưởng tài chánh trong tháng này, và loan báo sẽ cân nhắc về thỏa thuận hối đoái với Nam Hàn. Tokyo có thể ngừng các kế hoạch mua trái phiếu Nam Hàn theo một thỏa thuận đã đạt được vào tháng 5. Ngược lại, Seoul từ chối lời đề nghị của Nhật về việc đưa vụ tranh chấp chủ quyền ra trước một tòa án quốc tế vào tuần trước.
Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc không nên cưỡng ép các nước Đông Nam Á trong cuộc tranh chấp Biển Đông
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton kêu gọi Trung Quốc không nên cưỡng ép các nước Đông Nam Á về chủ quyền Biển Đông. Bà Clinton đề nghị các nước cùng hợp tác hoàn tất bộ quy tắc ứng xử để giải quyết tranh chấp chủ quyền để đảm bảo hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Bà nhấn mạnh các nước tranh chấp không nên đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Ngoại trưởng Clinton đang tiếp tục chuyến công du qua 6 nước Châu Á Thái bình dương ngoài Trung Quốc và Nga. Đây có thể là dịp chính quyền Obama khẳng định quan điểm của Hoa Kỳ đối với các nước tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông trước khi cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 6 tháng 11. Washington từng khẳng định vào hai năm trước về lợi ích của Hoa Kỳ trong việc duy trì an ninh và tự do hàng hải trong vùng Biển Đông. Được biết vào thứ ba, bà Clinton sẽ gặp chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và người kế vị trong chuyến công du Bắc Kinh để thảo luận thêm về tranh chấp Biển Đông và một số vấn đề khác như cuộc nội chiến tại Syria, chương trình vũ khí hạt nhân của Iran và Bắc Hàn.
No comments:
Post a Comment