Lời dẫn: Nam Hàn chỉ cần 3 thập niên đã vươn lên từ một quốc gia nhược tiểu đến hàng cường quốc kinh tế. Bàn tay và khối óc của người dân Nam Hàn chỉ tương đương với người Việt chúng ta. Cái khác biệt là Nam Hàn có một chính quyền dân chủ còn Việt Nam thì độc tài CS. Sự yếu kém về quản trị kinh tế và tệ nạn tham nhũng của CSVN đã phung phí tâm huyết của cộng đồng người Việt Hải ngoại, hy sinh mồ hôi nước mắt chuyển hằng tỷ Mỹ Kim về VN mỗi năm. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Tâm Việt với tựa đề:"Khúc Ruột Bắt Đầu Cạn" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
"Năm 2010, với 8 tỷ 260 triệu đô-la đổ về, Việt-nam là nước nhận được nhiều ngoại-tệ từ nước ngoài gởi về đứng thứ 9 trong các nền kinh tế đang phát triển nhận được loại tiền đó.
"Năm 2011, Việt-nam nhận được 9 tỷ đô-la ở ngoài nước gởi về, giúp bù đắp đến 92% cán cân thương mại bị hụt.
"Tiền gửi từ nước ngoài về bao giờ cũng đóng một vai trò rất quan-trọng trong việc phát triển nền kinh tế quốc gia. Những con số thống-kê sơ-khởi cho thấy là ít nhất 4 tỷ 7 đã đi vào thị-trường địa-ốc ở trong nước.
"Tuy-nhiên, số tiền do người Việt hải-ngoại gởi về trong sáu tháng đầu năm 2012 đã hạ xuống đáng kể tới 23%, đánh dấu một 'mùa tiền ngoại gởi về khá bết' cho toàn năm 2012."
Trên đây là phần mở đầu của một bài báo mới đây ở trong nước viết bằng tiếng Anh trên mạng VietNamNet Bridge (ngày 5 tháng 9, 2012).
Như chúng ta đều biết, tiền người Việt hải-ngoại gởi về là tiền "rất ngon" đối với ở trong nước. Vì sao? Vì không phải làm gì mà tiền cứ như trên trời rớt xuống. Người nhà nhận được tiền đã vui, nhà nước VNCS lại còn vui hơn nữa bởi tiền thì trước sau gì cũng phải chuyển thành tiền VN không mấy giá trị trong khi đô-la gởi về thì Nhà nước thu vào ngân-hàng Nhà nước nếu chưa đi vào túi tham của các quan CS. Do đó nên quan dân đều rất "hồ hởi," dân nhắc gia-đình bạn bè ngoài này gởi về, Nhà nước ung-dung đút túi. Mà đâu phải chuyện nhỏ, bạc tỷ đấy các bạn!
Muốn thấy sự thành công của chính-sách Nhà nước CS "rút ruột... mấy khúc ruột xa ngàn dặm" này, ta chỉ cần nhìn vào mấy con số: Nếu trong những năm của thập niên 1990 thì chỉ có vài chục triệu mỗi năm thì sau khi Mỹ bãi bỏ cấm vận (1994) rồi tái-lập bang-giao (1995), con số đó đã nhảy vọt lên 1 tỷ 34 triệu đô vào năm 2000, đến 9 tỷ vào năm 2011.
Muốn biết tầm quan-trọng của số tiền đồng-bào hải-ngoại gởi về thì ta thử đem so sánh với một vài món tiền khác xem sao. Theo một nghiên cứu của tổ-chức MPI (Migration Policy Institute) thì 9 tỷ đô-la do đồng-bào gởi về trong năm 2011 tương-đương với:
Gần gấp đôi số tiền chính-thức tất cả các nước trên thế giới viện-trợ cho VN để phát triển (ODA, Official Development Assistance).
Hơn 121% số xuất cảng dịch-vụ thương mại (Commercial Services Exports).
Bằng 90% số tiền ngoại-quốc đầu tư thẳng vào VN (Foreign Direct Investment).
Bằng 12% tổng-số hàng xuất cảng trong năm, và
Bằng 7% tổng-sản-lượng quốc gia (GDP: Gross Domestic Product).
Không trách nhiều người bực mình hay đau xót với ý-thức chính-trị còn thấp kém của đa-phần người Việt hải-ngoại gởi về nhiều khi vô tội vạ để cho người trong nước phè phỡn ăn chơi (chớ không phải để giúp gia-đình hay bạn bè cho những việc thực-sự cần thiết)!
Thế tiền họ gởi về đi đâu, các bạn có thể hỏi. Không lẽ người ở trong nước lại có thể ngồi đó mà "ăn" hết số tiền bà con ngoài này gởi về, dù như người ta có câu "ăn không thì đến núi cũng lở".
Không, người Việt ngoài này cũng hiểu là ta ở xa, khó lòng mà ăn có với những tên CS lưu manh có quyền có thế ở quê nhà. Những gương tầy liếp như Trịnh Vĩnh Bình (ở Hoà-lan về) còn sờ sờ ra đó: cs để cho mình ăn một lúc rồi nó cướp mình trắng tay.
Do đó nên nhiều người cho rằng mình khôn thì mình không về, chỉ cần gởi tiền về cho người nhà đi đầu tư vào những món hời là tốt rồi. Người nhà ở tại chỗ, quen lối làm ăn chụp giựt của CS rồi, quen biết những chỗ phải bôi trơn, hối lộ thì chắc sẽ thành thạo hơn, không sợ bị "tiền mất tật mang". Nói cách khác, nếu người Việt không trực-tiếp đầu tư thì lại gián-tiếp đầu tư trong nền kinh tế đó qua trung-gian của người nhà, người quen.
Đã tưởng thế là khôn nhưng chính ra vẫn còn dại. Bởi người nhà thì cũng không qua mặt được những cái cú cáo, móc nối, phe phẩy của bọn "bán trời không văn-tự". Bỏ tiền vào thị-trường chứng-khoán ư? Nhất là khi tiền lãi nhiều khi nghe chóng mặt! Chẳng cần làm nhiều, chỉ cần bỏ vào nhà băng là cũng có tiền lời 15-16% rồi. Ai mà không ham?
Rồi nếu còn tham hơn nữa thì bỏ vào địa-ốc với giá nhà, giá đất lên vùn vụt (có chỗ ở trung-tâm Hà-nội, một thước vuông có thể đắt gấp mấy lần đất ở Tokyo) làm sao mà lỗ vốn được? Đó là lối suy nghĩ "ăn xổi ở thì" mà nhiều người cho là khôn ngoan, ăn chắc.
Bong bóng địa-ốc bể. Đó là thảm-trạng của không biết bao nhiêu người "ốm dở, khóc dở" ngày hôm nay, cả ở bên Tàu lẫn ở Việt-nam.
Có người ác miệng thì bảo "đáng kiếp!" Lúc bảo thì không nghe, đến khi tiền thành mây khói rồi thì ngồi đó mà khóc!
Ở trên ta đã thấy là tiền hải-ngoại gởi về đã xuống gần 1/4 trong sáu tháng đầu năm nay. Riêng ở Sài-gòn, tiền bà con gởi về đã sụt nửa tỷ đô trong sáu tháng đầu năm đang là một mối lo khắc khoải mà nhà cầm quyền đang chưa biết cách nào chống đỡ hay bù đắp.
Có lẽ người ở ngoài này cũng đã học được bài học khi bị bỏng tay. Nhà cầm quyền CS đang nghĩ cách bù đắp bằng cách kêu gọi tăng-cường số người du-lịch vào Việt-nam. Khổ nỗi, nếu tiền tươi bà con gởi về lên đến 9 tỷ trong năm 2011 thì cùng năm, ngành du-lịch chỉ mang về có 5 tỷ 1 thôi. Trong khi mọi nơi đều giảm xuống thì làm sao mà có thể mong du-lịch mang về chỗ thiếu hụt lúc đồng-bào đã hết tin tưởng và không còn muốn đầu tư lối dốt nát như trước đây?
No comments:
Post a Comment