Công an tỉnh Bạc Liêu đánh người dự lễ cúng 49 ngày của bà Đặng Thị Kim Liêng
Vào khoảng 3 giờ chiều chủ nhật 16 tháng 9, công an tỉnh Bạc Liêu đã đánh những người đến tham dự lễ cúng 49 ngày của bà Đặng Thị Kim Liêng, thân mẫu blogger Tạ Phong Tần đang bị giam giữ trái phép. Được biết linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh, Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, cùng chị Dương Thị Tân (vợ cũ Blogger Điếu Cày), chị Lư Thị Thu Trang, chị Tạ Khởi Phụng, anh Nguyễn Thanh Hùng và anh Đinh Chí Thiện đang trên đường ra bến xe trở về Sài Gòn sau buổi lễ giỗ 49 ngày thì bị công an và côn đồ dàn cảnh một xe máy va quẹt vào taxi để chặn xe.
Công an nhanh chóng đòi bắt người gây tai nạn. Trong lúc bắt giữ, cảnh sát 113 đã hành hung cha Thanh. Chị Tạ Khởi Phụng lên tiếng phản đối thì bị công an xông vào tát túi bụi vào mặt rồi bắt đi. Sau đó, đến lượt chị Dương Thị Tân, chị Lư Thị Thu Trang cùng những người khác tiếp tục bị hành hung và bắt về trụ sở công an phường 1, tỉnh Bạc Liêu. Linh mục Lê Ngọc Thanh cho rằng công an với côn đồ tại tỉnh Bạc Liêu là một trong phần tường thuật lại sự việc sau đây:
Chiến tranh có thể bộc phát từ Á Châu
Trên đường đến Tokyo để bắt đầu chuyến công du Á Châu - Thái Bình dương, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta quan ngại tình trạng các nước Á Châu khiêu khích nhau về tranh chấp biểu đảo tại đây có thể dẫn tới bạo lực và chiến tranh. Ông Panetta kêu gọi các nước trong vùng kiềm chế trong các xung đột liên quan tới tranh chấp chủ quyền tại biển Hoa Đông và Biển Đông. Hiện nay quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh càng xấu đi khi chính quyền Nhật mua quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ một gia đình Nhật để dễ dàng kiểm soát. Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc biển Hoa Đông, cách thành phố Naha thuộc quần đảo Okinawa của Nhật khoảng 400 cây số, và cách Đài Loan khoảng 200 cây số. Được biết bộ trưởng Panetta bàn với chính quyền Tokyo về các khu vực đóng quân của quân đội Hoa Kỳ tại Nhật và hệ thống phòng thủ chống tên lửa trước khi đi Bắc Kinh để siết chặt quan hệ giữa quân đội Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ông Panetta cho rằng quân đội hai nước có thể hợp tác với nhau trên nhiều lãnh vực để duy trì nền an ninh trong khu vực. Tuy nhiên, học giả Dean Cheng thuộc viện nghiên cứu Heritage Foundation tại Washington cho rằng nếu quân đội chỉ muốn giao tiếp với nhau thì chuyện này đã thực hiện được, nhưng nếu muốn hợp tác ngăn chặn một cuộc khủng hoảng thì khó lòng thực hiện. Ông Cheng giải thích hệ thống lãnh đạo của quân đội Trung Quốc bao gồm các đảng viên cộng sản trong khi quân đội Hoa Kỳ hoàn toàn đặt dưới quyền chỉ huy của chính quyền dân sự do dân bầu ra.
Đức Giáo Hoàng ca ngợi sự can đảm của những người Syria dám đứng lên chống bạo lực
Trong buổi nói chuyện vào ngày thứ bảy 15 tháng 9 trước khoảng 20 ngàn giới trẻ tại Beirut, Lebanon, trong đó có nhiều thanh niên nam nữ Syria đến dự, Đức Giáo Hoàng Benedic 16 đã ca ngợi sự can đảm của những người Syria dám đứng lên chống lại bạo lực gây chiến tranh. Đức Giáo Hoàng cho biết rất đau lòng trước những khốn khó xẩy ra cho người công giáo tại Syria và kêu gọi ngưng cung cấp vũ khí cho Syria. Trong ngày viếng thăm thứ hai, Đức Giáo Hoàng kêu gọi tự do tín ngưỡng và cho rằng đây là lúc người Hồi Giáo và người Kitô Giáo cần hợp tác để chống bạo lực chiến tranh. Trong lần gặp quan chức chính phủ, các nhà ngoại giao nước và lãnh đạo tôn giáo tại dinh tổng thống ở Mount Lebanon, một vùng ngoại ô phía nam Beirut, Đức Giáo Hoàng phát biểu bằng tiếng Pháp như sau: "Chúng ta đừng quên tự do tín ngưỡng là một quyền căn bản, từ đó nhiều quyền lợi khác được phát sinh." Ngài nói người Kitô hữu và người Hồi Giáo tại Lebanon đã cùng chia sẻ một không gian trong nhiều thời đại như trong một gia đình. Ngài đã đặt câu hỏi: "Nếu nhiều gia đình đã có thể cùng chung sống, thì tại sao nhiều đoàn thể lại không thể cùng sống chung?" Đức Giáo Hoàng Benedic 16 cho rằng quyền tự do tôn thờ tín ngưỡng của một người không gây hiểm họa cho đời sống và tự do của người khác, là quyền mà tất cả mọi người phải có. Được biết Lebanon là nước có số người Kitô hữu đông nhất tại Trung Đông.
Công ty Nhật chuyển sang Phi Luật Tân
Các công ty sản xuất Nhật đang chuyển các nhà máy qua Phi Luật Tân vì đây là nơi có nhân công trẻ, biết nói tiếng Anh kể từ khi đồng yen tăng cao tại Nhật, nguy cơ lũ lụt tại Thái cũng như bất ổn chính trị tại các thị trường khác trong khu vực. Các nhà phân tích cho rằng Phi có nhân công tay nghề cao với mức lương thấp hơn, và mức tăng trưởng kinh tế ổn định hơn so với Trung Quốc hay Việt Nam. Khoảng cách vận chuyển hàng từ Phi về Nhật cũng gần hơn so với Thái Lan là nơi từng được chọn để mở tầm hoạt động của các nhà máy sản xuất công nghệ. Vụ lũ lụt tại Thái đã gây khó khăn cho đường cung cấp thiết bị ngay sau 3 cuộc khủng hoảng tại Nhật Bản vào năm 2011 đã khiến các công ty đi tìm các thị trường khác thay thế. Được biết công ty điện tử Furukawa Electric và công ty sản xuất keo Cemedine là những công ty mới bỏ vốn đầu tư hơn 1 tỉ yen vào Phi Luật Tân, nâng tổng số đầu tư từ công ty Nhật vào Phi là 16,51 tỷ yen trong năm nay. Ông Toru Yoshida thuộc cơ quan Hợp Tác Kinh Tế Thế Giới cho biết mức đầu tư vào các nước Á Châu giảm mạnh vào năm 2009 vì cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu, chính quyền Manila đã khó lòng thu hút đầu tư so với các nước láng giềng. Tuy nhiên, Phi Luật Tân đã biết tận dụng tình thế nhanh chóng đáp ứng những thay đổi điều kiện toàn cầu như vấn đề lao động tại các nước sản xuất, chuỗi cung ứng bị gián đoạn do lũ lụt, giá hàng tăng theo đồng yen để sẵn sàng cung cấp môi trường sản xuất mới trong khu vực.
No comments:
Post a Comment