Phóng viên không biên đòi Việt Nam trả tự do cho nhà báo Hoàng Khương
Tổ chức Phóng viên không biên giới, trụ sở tại Paris, đã ra thông cáo bày tỏ sự phẫn nộ về bản án 4 năm tù đối với nhà báo Hoàng Khương làm việc cho tờ báo Tuổi Trẻ. Sau phiên xử sơ thẩm kéo dài hai ngày, hôm qua, Tòa án Nhân dân Sài Gòn đã tuyên án 4 năm tù đối với Hoàng Khương vì tội đưa hối lộ. Phóng viên Hoàng Khương đã bị bắt tạm giam từ đầu năm nay sau khi đăng hai bài báo tố cáo nạn ăn hối lộ của cảnh sát giao thông ở Việt Nam.
Để có chứng cứ viết những bài điều tra này, Hoàng Khương đã trực tiếp tham gia đưa hối lộ 15 triệu đồng cho cảnh sát giao thông Huỳnh Minh Đức, thuộc công an quận Bình Thạnh, để nhận lại xe vi phạm luật giao thông. Trong bản thông cáo đưa ra hôm qua, ông Christophe Deloire, tổng giám đốc Phóng viên không biên giới, viết : « Bản án này vừa bất công vừa gây phẫn nộ. Khi lên án việc điều tra của phóng viên này và việc đăng hai bài báo tố cáo các vụ tham nhũng trong hàng ngũ công an, thẩm phán Nguyễn Thị Thu Thủy ( chủ tọa phiên tòa ) đã biến một việc làm có tính chất công ích thành một tội có thể bị phạt tù. ».Tổng giám đốc Phóng viên không biên giới kêu gọi ngành tư pháp Việt Nam hũy bỏ bản án và trả tự do cho Hoàng Khương trong thời hạn sớm nhất. Theo tờ Tuổi Trẻ, nhà báo Hoàng Khương sẽ kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xét lại vụ án này.
Thêm một nạn nhân bị công an CSVN đánh chết
Ông Nguyễn Văn Hiền, 43 tuổi ngụ tại phường Ngô Quyền, tỉnh Vĩnh Phúc vừa qua đời ngày 7 tháng 9 sau một buổi làm việc với công an phường tại đây. Sự việc xảy ra sau khi công an đến mời ông Hiền và người cháu là Vũ Quang Huy lên phường giải quyết một xích mích giữa hai người. Theo lời chị Dương Thị Kim Sen, vợ ông Hiền thì trước khi ra đi chồng chị vẫn bình thường, chị kể "Lúc ra khỏi nhà, chồng tôi tự đi xe một mình, khỏe mạnh bình thường". Ông Nguyễn Văn Hiếu, em trai của nạn nhân kể lại rằng sau khi nghe tin ông Hiền có thể bị giữ tại đồn công an 24 tiếng thì ông mang chăn và quần áo đến trụ sở công an phường, đến nơi ông thấy anh trai mình mặt mũi tím tái và có dấu hiệu không bình thường, ông Hiếu nói "lúc đó hỏi cái gì anh ấy cũng gật đầu và gần như không biết gì nữa..." Tưởng anh trai bị cảm và công an phường cho về nhà, ông Hiếu đã thuê taxi đưa đi. Về nhà, thấy chồng khó thở, chị Sen hô hoán người thân đưa chồng vào Bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu. "Lúc đó, mắt chồng tôi không mở được mắt, môi chỉ mấp máy. Trong khi em trai day ngực, anh ấy cứ nắm chặt tay tôi", người vợ 42 tuổi sụt sịt. Theo chị Sen, khi bác sĩ yêu cầu đưa đi cắt tóc, thay quần áo để chuẩn bị chụp quang tuyến, gia đình mới biết trên thân thể anh Hiền có nhiều vết bầm tím ở ngực và đặc biệt ở hai đùi. Gia đình cho rằng do công an phường gây ra nên đã quay clip và chụp lại. Chiều 7/9, ông Hiền vẫn nằm cấp cứu tại bệnh viện. Nhiều công an mặc sắc phục có mặt tại đây. Phía bệnh viện từ chối trao đổi với các phóng viên về bệnh tình của anh Hiền. Khoảng 8 giờ ngày 8/9, anh Hiền đã tử vong. Theo lời trung tá trưởng công an Nguyễn Văn Minh thì hai công an hỏi cung anh Hiền là trung úy Nguyễn Văn Hòan và thiếu tá Kiều Văn Quang. Về những nghi vấn gia đình nêu ra, trung tá Minh khẳng định, trong quá trình lấy lời khai, cán bộ phường đã làm đúng phận sự. "Chúng tôi khẳng định không sử dụng bất cứ dụng cụ gì tác động đến thân thể anh Hiền", trung tá Minh nói.Khi được hỏi về những vết lạ trên cơ thể anh Hiền, trung tá Minh từ chối trả lời, nói "mọi việc phải chờ kết luận từ cơ quan điều tra".
Ngô Thanh Hải : Thượng nghị sĩ gốc Việt đầu tiên ở Canada
Thủ tướng Canada Stephen Harper hôm qua, 07/09/2012, đã loan báo quyết định bổ nhiệm 5 thượng nghị sĩ mới, trong đó có giáo sư, thẩm phán Ngô Thanh Hải. Đây là công dân Canada gốc Việt đầu tiên được bổ nhiệm vào Thượng viện nước này. Ông Ngô Thanh Hải sẽ là thượng nghị sĩ đại diện cho vùng Ottawa. Giáo sư Ngô Thanh Hải nguyên là một thuyền nhân Việt Nam vượt biên và định cư ở Canada sau năm 1975. Trả lời phỏng vấn báo chí Ottawa hôm qua, ông Ngô Thanh Hải nói : « Đây là một cơ hội để tôi đền đáp những gì mà Canada đã ban cho tôi kể từ năm 1975, khi tôi đặt chân đến Canada. Canada là một trong những quốc gia đón nhận nhiều người tỵ nạn Việt Nam, phần lớn đến định cư ở nước này trong khoảng thời gian từ năm 1978 đến 1982 và rất nhiều người hiện sinh sống ở thủ đô Ottawa.
No comments:
Post a Comment