Sunday, February 5, 2023

Việt Nam Tuần Qua

Việt Nam Tuần Qua

Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua

Bảo Trân: Thưa anh Hướng Dương, ông Nguyễn Lân Thắng, một gương mặt nổi bật trong giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam, bị bắt giam hồi tháng 7 năm ngoái nhưng đến tuần qua mới có tin là ông bị đề nghị truy tố, xin anh nói thêm về việc này. 

Hướng Dương: Thưa chị, Luật sư của ông Nguyễn Lân Thắng cho biết, cơ quan An ninh Điều tra- CA Hà Nội đã hoàn tất giai đoạn điều tra và chuyển hồ sơ lên Viện kiểm sát đề nghị truy tố ông theo điều 117 “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN”. Theo quy định được viện dẫn là của luật pháp hiện hành, các vụ án được xếp vào nhóm “xâm phạm an ninh quốc gia”, người bị tạm giam sẽ được gặp thân nhân và luật sư sau khi giai đoạn điều tra kết thúc. Được biết, bản Kết luận điều tra đã hoàn tất ngày 17/1, nhưng đến nay đã hơn hai tuần, ông Nguyễn Lân Thắng vẫn chưa được gặp luật sư hay thân nhân của ông.

Nguyễn Lân Thắng sinh năm 1975, xuất thân trong một gia đình trí thức danh giá và là cháu nội của giáo sư Nguyễn Lân, tác giả  cuốn sách nổi tiếng “Tự điển Việt Nam”. Ông Thắng là một trong những gương mặt nổi bật trong giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam. Ông bị bắt ngày 5/7/2022 giữa làn sóng đàn áp mạnh mẽ và kéo dài nhằm vào giới hoạt động nhân quyền và các cây bút chỉ trích chế độ.

Bảo Trân: Liên quan đến chiến dịch thanh trừng nội bộ của đảng csvn, lại có tin là thêm 1 nhóm lãnh đạo và cán bộ của trung tâm CDC Hà Giang bị lọt lưới, anh có tin thêm gì về việc này không? 

Hướng Dương: Vâng, tha chị vào ngày 3/2, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hà Giang đã ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 3 người là lãnh đạo, cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang (CDC Hà Giang) vì liên quan đến đại án tham nhũng Việt Á.

Phạm Thị Kim Dung – Phó giám đốc; Hoàng Thị Phượng – Kế toán CDC Hà Giang và Bùi Văn Tuyển – Phó Giám đốc Công ty Liên Hợp dược Hà Giang bị bắt và khởi tố với cùng tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 222 – BLHS. Cả ba đều bị buộc tội gây thiệt hại nhiều tỷ đồng của nhà nước trong quá trình mua Kít xét nghiệm COVID-19 của công ty Việt Á.

Trước đó, ông Nguyễn Trần Tuấn- Giám đốc và hai cán bộ dưới quyền thuộc Trung tâm này cũng đã bị bắt để điều tra về tội “nhận hối lộ”.

Nhân vật đóng vai trò chủ chốt trong vụ tham nhũng mà công luận quen gọi là “đại án Việt Á” được cho là vợ chồng ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc bị phế truất hôm 17/1. Hiện đang rộ tin đồn vợ ông này là bà Trần Thị Nguyệt Thu đã bị cấm xuất cảnh và đang bị điều tra.

Bảo Trân: và thêm một cựu viện trưởng viện nghiên cứu và phát triển cũng đã bị bắt phải không thưa anh? 

Hướng Dương: Đúng vậy thưa chị. Bộ công an VN đã quyết định bắt giam ông Nguyễn Sơn Lộ, viện trưởng viện Nghiên cứu và Phát triển, với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ để chống phá nhà nước”.

Trên trang mạng của mình, bộ công an vào tối ngày 2/2 cho biết là quyết định bắt giam và truy tố ông Nguyễn Sơn Lộ được đưa ra vào ngày 27/7 năm ngoái nhưng vì ông Lộ là người già yếu 74 tuổi cho nên mới đình hoãn đến hôm nay.

Cần biết là trước đây, ông Lộ là người có nhiều đề nghị xây dựng đảng CSVN. Ông cũng từng ký tên với tư cách viện trưởng vào một lá thư ngỏ đề ngày 9/12 năm 2015 gửi bộ chính trị CSVN, nội dung đề nghị đổi tên đảng, đổi tên nước, thay đổi đường lối đối ngoại bị cho là lệ thuộc vào Trung Cộng. Bức thư có 127 người ký tên, trong đó có những nhân sĩ trí thức nổi tiếng như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Chu Hảo…

Một bài viết của công an huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, đề cập đến viện nghiên cứu nói trên và nói thẳng rằng các đề nghị nói trên chỉ là một hình thức thể hiện quan điểm sai trái, phụ họa cho những luận điệu xuyên tạc chống đảng.


Bảo Trân: cuối cùng, thưa anh tại hội nghị tôn giáo quốc tế năm nay vấn đề đàn áp tôn giáo lại được nêu lên phải không anh? 

Hướng Dương:Đúng vậy thưa chị, Các vụ đàn áp tôn giáo ở VN, điển hình là vụ án Thiền am Bên bờ Vũ trụ, các tín đồ Công giáo bị bắt vì phản đối Formosa, đã được các nhà đấu tranh VN nêu ra tại Hội nghị Tôn giáo Quốc tế 2023.

Phái đoàn VN có khoảng 30 nhà hoạt động tôn giáo, trong tổng số 70 tổ chức tham dự hội nghị năm nay, trong số đó có nhiều nhân vật nổi tiếng như chủ tịch quốc hội Đài Loan, thủ tướng Slovak, các quan chức LHQ về tự do tôn giáo, cơ quan phát triển Hoa Kỳ, chủ tịch ủy ban đối ngoại hạ viện Hoa Kỳ và nhiều lãnh đạo khác.

Phát biểu trước hội nghị, Linh mục Nguyễn Văn Khải, thuộc Dòng chúa Cứu thế VN, cho biết là nhiều tín đồ Công giáo, như nhà báo Nguyễn Văn Hóa, đã bị bỏ tù với các bản án nặng nề khi chống đối công ty Formosa. Vị linh mục này cho biết là bạo quyền VN đã tìm cách tiêu diệt các tôn giáo không trực thuộc hệ thống quốc doanh nhưng đã thất bại.

Cũng tại hội nghị này, vụ án Thiền am Bên bờ Vũ trụ, hay còn gọi tên Tịnh thất Bồng lai, cũng bị chỉ trích dữ dội vì mức độ đàn áp tự do tôn giáo, xúc phẩm cả trẻ em và người lớn tuổi.

Bà Đinh Ngọc Tuyết, chủ tịch hội đồng quản trị cơ quan BPSOS, cho biết là mỗi năm phái đoàn VN đều cố gắng tham gia vào hội nghị Tự do Tôn giáo Quốc tế với mục đích vận động cho quyền tự do tôn giáo tại VN. Đến với hội nghị lần này, bà Tuyết nhấn mạnh, ngoài vận động cho Việt Nam, bà còn muốn kết nối, hợp tác làm việc với nhiều tổ chức hoạt động về tôn giáo quốc tế. Từ đó, thúc đẩy tự do tôn giáo trên toàn thế giới.

No comments:

Post a Comment