Monday, February 13, 2023

Nguyễn Phú Trọng và cuộc triệt hạ đồng đảng

Bình Luận

Trong con mắt của nhân dân và nhiều đảng viên CS, lò củi đối tham nhũng của ông Trọng thực sự chỉ là một công cụ để chính các người CS phản bội và thanh toán lẫn nhau.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Trương Quân với tựa đề: “Nguyễn Phú Trọng và cuộc triệt hạ đồng đảng” sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.

Trương Quân

Ý kiến nói viên đạn trong cuộc chiến chống tham nhũng vô ảnh, vô thanh mà sát thương hàng loạt. Mỉa mai thay, đối tượng của cuộc chiến mới này lại là những đảng viên lâu năm, lãnh đạo cao cấp, tướng lĩnh trụ cột trong quân đội, hậu duệ của các anh hùng đã tôi rèn trong lửa đạn chiến tranh… 

Từ khi bắt đầu “củi-lò”, có nhiều lời ca tụng ông Trọng. Nội dung cũng giống như ông tự mô tả về mình trong diễn văn nhận huy hiệu: Một người cộng sản chân chính.

Ông Trọng dường như rất kiên định và xúc động vì niềm tin tự thân này.

Nhưng với những gì quan sát được, tôi tự hỏi sự nghiệp đấu tranh mà ông Trọng đã dành trọn cuộc đời đã thực sự mang lại hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam chưa?

Độc lập, chủ quyền mà người dân Việt Nam đã giành được sau cuộc chiến trang dài đau thương là vô giá.

Nhưng cũng không thể vì thế mà xóa nhòa những đau thương khác-không hiểu sao đã đến rất sớm.

Dân oan Thủ Thiêm chỉ nhận được những lời hứa suông của lãnh đạo về việc bồi thường

Tưởng chừng nạn sưu cao thuế nặng của người dân miền Bắc thời Pháp thuộc “Nửa đêm thuế thúc trống dồn/Sân đình máu chảy đường thôn lính đầy” như Tố Hữu từng mô tả đã vĩnh viễn biến mất khi cuộc cách mạng của giai cấp công-nông thành công. Thế nhưng, nó tái hiện nhanh chóng ở nhiều nơi nhiều chỗ. Cái đêm thu thuế của Phùng Gia Lộc diễn ra vào năm 1983, chỉ tám năm sau khi thống nhất đất nước.

Đến năm 1992, làng Lạc Nhuế, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam Ninh (sau này được dựng thành phim Chuyện làng Nhô) rào làng, lập ấp chống lại quyết định cắt 75 mẫu ruộng lúa của thôn cho các thôn xã khác trong huyện. Năm 1997 gần như toàn tỉnh Thái Bình nổi dậy chống nạn lạm thu, tận thu của nông dân; người dân đốt phá trụ sở hành chính xã, huyện, tỉnh, bắt nhốt cán bộ. Năm 2002, khu đô thị mới Thủ Thiêm-TP HCM được công bố quy hoạch và di dời dân, hàng ngàn người dân bị mất trắng nhà cửa, sinh kế, tài sản oan ức.

Gần 30 năm trôi qua, đến nay người dân vẫn còn nhẫn nại đi kiện. Năm 2011, hàng trăm người dân Hưng Yên lập thành Tổ dân oan, tập trung biểu tình phản đối chính quyền trưng thu đất đai để xây dựng khu đô thị Ecopark. Năm 2012, nông dân Đoàn Văn Vươn gài mìn tự chế, cầm súng hoa cải chống lại hơn 100 cảnh sát, bộ đội xuống cưỡng chế tháo dỡ nhà và đất hợp pháp của mình…

Tại sao hòa bình lập lại nhưng hàng triệu người dân phải tức tưởi bỏ nước ra đi, làm mồi cho cá và nạn cướp bóc, hãm hiếp nơi biển khơi, trong rừng hoang, trong thùng container lạnh?


Tại sao diễn ra cuộc “đánh tư sản” mà thực chất là tước đoạt gia sản của người giàu, chỉ thông qua kiểm tra hành chính?

Nguyễn Phú Trọng chỉ “thành công” trong việc triệt hạ đồng đảng

Tại sao hàng chục vạn thanh niên trẻ khỏe, hàng chục ngàn trí thức phải hy sinh cuộc sống bên người thân, sang xứ người “học tập” và “xuất khẩu lao động” nhưng thực chất là đi buôn lậu bất chấp và lao động chân tay cấp thấp nhất chỉ nhằm mục đích nuôi sống gia đình?

Tại sao sau hàng chục năm thống nhất, người dân vẫn phải “di tản giáo dục”?

Và trước đó nhiều chục năm, đẫm máu và nước mắt cuộc Cải cách ruộng đất.

Cải cách ruộng đất được tiến hành từ 1953 đến 1956 với tám đợt giảm tô và năm đợt cải cách ruộng đất trên 3.314 xã (sau chia nhỏ thành 3.653 xã) thuộc 22 tỉnh, thành phố. Theo tài liệu thống kê trong 421 xã của các tỉnh thì có 4.777 hộ bị quy sai, được đền bù tài sản. Theo báo cáo của các khu và các tỉnh đã sửa xong thành phần thì trong số 2.033 xã có 63.113 hộ trong cải cách ruộng đất đã bị quy là địa chủ, nay sửa cho 31.844 hộ (tỷ lệ 50,4%). Những người bị quy sai này được sửa lại thành phần phần lớn thuộc tầng lớp trung nông. Số đúng là địa chủ có 31.269 hộ, chiếm tỷ lệ 2,2% tổng số hộ ở nông thôn.

Về địa chủ cường hào gian ác, trong cải cách ruộng đất đã quy 14.908 người, nay đã sửa lại còn 3.932 người.

Về địa chủ kháng chiến, trong cải cách ruộng đất chỉ có 461, nay là 2.696 người (trích Báo cáo tình hình công tác sửa chữa sai lầm về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức do ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ nhiệm Văn phòng Nội chính, Phủ Thủ tướng trình bày tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, bản lưu trữ trên Báo Nhân dân số 1290 ra ngày 20-9-1957).

Tại sao một cuộc cách mạng nhằm đem lại hạnh phúc cho người nông dân và công nhân- giai cấp tiên phong và nòng cốt của Đảng, chỉ ít năm sau khi thành công đã lại xảy ra nhiều đau khổ của người dân đến thế? Lặp lại nhiều lần đến thế?

Hạnh phúc của nhân dân-như ông Trọng khẳng định, ở đâu?

“Là vẫn còn chiến đấu quyết không thôi”

Nếu cả cuộc đời cứ phải chiến đấu mãi không thôi thì tôi đau xót và đắng cay cho ông Trọng.

Vì cuộc chiến có tiếng súng đã kết thúc gần nửa thế kỷ nhưng những người cộng sản vẫn cứ phải tiếp tục chiến đấu.

Vì cuộc chiến đấu hiện tại cân não hơn, đấu trí hiểm nguy hơn cuộc chiến tranh đã qua gấp bội lần vì không có ranh giới địch-ta.

Không còn hàng rào Mc Namara, không còn giới tuyến, nhưng trận địa bây giờ có thể là bất cứ vị trí nào, thậm chí bên bàn ăn, trên giường ngủ. Kẻ thù có thể là bất cứ ai, thậm chí là vợ con, cha mẹ, cấp trên, cấp dưới, đồng sự, anh em, bạn bè, bằng hữu.

Viên đạn của kẻ thù trước 1975 có thể nhìn thấy, nhưng viên đạn trong cuộc chiến chống tham nhũng vô ảnh, vô thanh mà sát thương hàng loạt

Mỉa mai thay, đối tượng của cuộc chiến mới này lại là những đảng viên lâu năm, lãnh đạo cao cấp, tướng lĩnh trụ cột trong quân đội, hậu duệ của các anh hùng đã tôi rèn trong lửa đạn chiến tranh… nhưng từ bao giờ đã hóa những kẻ tham tàn, ăn cướp, ăn trộm, ăn cắp của nhà nước, của xã hội, của thương gia, của bà mẹ nghèo, của người cha già, của người phụ nữ mang thai, của anh thương binh, của em bé. Đau đớn, tủi hổ đến bội phần!

Hàng triệu cuộc đời người Việt Nam đã phải chiến đấu và hy sinh để giành độc lập, để chỉ vài chục năm sau hàng triệu cuộc đời người Việt Nam khác lại tiếp tục chiến đấu với sự mục nát thối ruỗng trong chính thể chế cha ông họ đã giành lấy, dựng lên. Đó là sự phản bội bội phần ghê tởm. Một cuộc chiến rất nhiều sự tuyệt vọng mang tên giành lại niềm tin của nhân dân. Cuộc chiến cay đắng bất đắc dĩ đó có gì để tự hào?

No comments:

Post a Comment