Monday, July 8, 2019

Nghị Viện Châu Âu sẽ kêu gọi cấm vận và chế tài quan chức CSVN?

Bình Luận

Thưa quý thính giả, Một trong những biện pháp các quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ hoặc Liên Hiệp Âu Châu có thể thực thi hầu thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam là cấm vận và chế tài các quan chức CSVN. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Phạm Chí Dũng với tựa đề: “Nghị Viện Châu Âu sẽ kêu gọi cấm vận và chế tài quan chức CSVN?”sẽ được Hải Nguyên trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.

Phạm Chí Dũng
Khác nhiều với thái độ và hành động xuê xoa trước đây, EU (Liên Minh Châu Âu) đang có những hành động cứng rắn chưa từng có đối với những quốc gia còn lại trên thế giới nằm trong chế độ cộng sản.

Châu Âu không phải là nơi duy nhất đang cân nhắc tới lệnh cấm vận đối với quan chức Trung Quốc.
Trước đó, các nghị sĩ Mỹ từ cả Thượng Viện và Hạ Viện đã lên tiếng kêu gọi chính quyền cấm vận Trung Quốc vì nhân quyền. Các chuyên gia cũng đang tác động tới chính phủ Canada nhằm cấm vận các quan chức Trung Quốc theo đạo luật Magnitsky được ban hành hơn 18 tháng trước.
Úc và Liên Minh Châu Âu đã tham gia cùng Anh, Mỹ, Canada, Estonia, Latvia và Lithuania để dự lập một đạo luật Magnitsky quốc tế. Đạo luật này sẽ cho phép cộng đồng quốc tế có thể thực hiện nhiều biện pháp cấm vận các quốc gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Ý nghĩa của nó là việc cấm vận đối với chính quyền ĐCSTQ sẽ có thể xảy ra trên phạm vi toàn cầu.
Chỉ trong ít tháng gần đây, EU đã có loạt hành động phản ứng nhà cầm quyền Việt Nam gia tăng bắt bớ và xử tù nặng nề đối với những người bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền, xã hội dân sự.
Vào Tháng Năm, 2019, Phái Đoàn Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam đã phản ứng sau khi Tòa Án Nhân Dân tỉnh Đồng Nai kết án nặng nề đối với hai người bất đồng là bà Vũ Thị Dung và bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, và “mong đợi việc Bà Vũ Thị Dung và Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương sẽ được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện.”
Đến Tháng Sáu, 2019, mức độ phản ứng đã lên đến cấp EU ở Bruxelles, Bỉ (nơi đặt trụ sở của EU) đối với trường hợp kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh bị tòa án Việt Nam tuyên án 6 năm tù và 5 năm quản chế, đồng thời nhận định đây là “một sự phát triển đáng lo ngại.”
Vào lúc này, có thể những người Âu Châu đã đã rút ra được bài học xương máu như người Mỹ trong các cuộc đàm phán nhân quyền bất tận và vô nghĩa với Việt Nam: chính sách “đổi tù nhân lương tâm lấy lợi ích thương mại” của Việt Nam là cực kỳ “xuyên suốt” cho đến khi nào chính thể này còn chưa bị đẩy vào chân tường.
Đã đến lúc EU cần có một khung luật của mình như Luật Nhân quyền Magnitsky.
Nếu trước đây Luật Nhân Quyền Magnitsky chỉ áp dụng đối với Cộng Hòa Liên Bang Nga và một ít quốc gia khác, thì bộ luật này đã được Quốc Hội Mỹ chính thức thông qua vào Tháng Mười Hai, 2016 và được tổng thống Mỹ ký ban hành trong cùng tháng. Những cái tên quốc gia đặc biệt nhất nằm trong bộ luật này chắc chắn sẽ là những địa chỉ có “thành tích nhân quyền” tai tiếng nhất: Bắc Hàn, Trung Quốc, Việt Nam, Cuba…
Gieo nhân nào ắt gặt quả nấy. Giới quan chức công an trị Việt Nam – đối tượng chủ yếu và gây ra tuyệt đại đa số vụ hành hung và bức bách đến chết người dân – đã đến lúc phải trả giá, tương tự vài chục trường hợp quan chức Nga và Syria vi phạm nhân quyền đã bị Chính phủ Mỹ chế tài bằng cách cấm nhập cảnh vào Mỹ và đóng băng tài sản của họ ở Mỹ và những quốc gia đồng thuận với quan điểm chế tài của Mỹ.
Theo quy định pháp luật Việt Nam, các quan chức cấp Bộ Công An chịu trách nhiệm về chỉ đạo “ngành dọc” và chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình an ninh – trật tự trong phạm vi quốc gia. Tại các tỉnh, thành phố, cơ chế bảo đảm an ninh – trật tự cũng tương tự đối với giám đốc công an, phó giám đốc công an phụ trách an ninh và phụ trách cảnh sát của các tỉnh, thành phố này.
Hoàn toàn có thể hiểu và áp dụng rằng những quan chức có trách nhiệm bảo vệ an ninh – trật tự này cũng đồng thời phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra các vụ bắt bớ người hoạt động nhân quyền, hành hung và sách nhiễu những người hoạt động nhân quyền và dân oan đất đai, người bảo vệ môi trường…
Thậm chí ngay cả cấp trưởng phòng hay phó phòng nghiệp vụ của công an quận, huyện và cấp tỉnh, thành phố – những nhân vật thường đặt bút ký giấy triệu tập sai quy định pháp luật (công an chỉ được triệu tập người dân khi có quyết định khởi tố vụ án) – cũng sẽ phải chịu trách nhiệm liên quan, bất kể họ nhận chỉ thị từ cấp trên nào để liều mình ký giấy triệu tập như thế.
Mặc dù cho tới nay vẫn chưa có con số thống kê toàn diện nào, nhưng cần chú ý một dư luận rằng tương tự Trung Quốc, rất nhiều quan chức Việt Nam có tài sản và thân nhân ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ, Canana, Anh, Pháp, Đức, Úc… Nếu vài chục năm trước số quan chức này chủ yếu là cao cấp thì nay còn có cả quan chức trung cấp. Theo đó, dàn quan chức công an từ cấp phó giám đốc, giám đốc công an tỉnh, thành phố trở lên đều thuộc loại cao cấp, còn cấp trưởng, phó phòng nghiệp vụ của công an cấp tỉnh, thành phố và cấp quận huyện thuộc loại trung cấp, đều có thể liên quan với một khối tài sản nào đó ở nước ngoài.
Năm 2016, hồ sơ Panama đã tiết lộ có đến $19 tỷ được người Việt Nam chuyển ra nước ngoài. Rất nhiều dư luận cho rằng phần lớn trong số tiền này có nguồn gốc từ tham nhũng và được chuyển ra nước ngoài nhằm mục đích rửa tiền.
Riêng với các cơ quan tư pháp Mỹ, việc điều tra về tài sản và thân nhân của giới quan chức Việt Nam và Trung Quốc trên đất Mỹ là hoàn toàn không có gì khó khăn. Nghe nói một bản danh sách dài về giới quan chức Việt Nam có tài sản ở Mỹ đã được vài tổ chức người Việt hải ngoại lập ra với nội dung rất cụ thể…
Không loại trừ khả năng trong thời gian tới, nếu chính quyền Việt Nam vẫn gia tăng đàn áp nhân quyền hoặc không có động tác nào cải thiện nhân quyền, những gì mà Nghị Viện EU kêu gọi chế tài đối với Trung Quốc và giới chức vi phạm nhân quyền Trung Quốc sẽ được lặp lại đối với chính thể độc tài ở Việt Nam. Khi đó, những quan chức vi phạm này sẽ hết đường đi Mỹ và cả sang Châu Âu, còn tài sản của họ gửi ở các ngân hàng nước ngoài – tích góp vơ vét từ xương máu của người dân Việt – sẽ bị phong tỏa và bị tịch thu.

No comments:

Post a Comment