Sunday, February 17, 2013

Cuộc đấu giữa những nhóm quyền lợi

Thứ Năm ngày 14.01.2013     
Sự kiện đảng CSVN lên án, đổ tội và đánh phá các nhóm lợi ích không phát xuất từ những động cơ lương thiện. Họ lên án, đổ tội và đả phá vì họ cho rằng đảng của họ là nhóm lợi ích khổng lồ bao trùm chính quyền và xã hội dân sự, chuyên làm lợi cho một số cá nhân lãnh đạo đảng và bè phái từ ngân khố quốc gia. Họ tuyệt đối không chấp nhận sự hiện hữu và cạnh tranh của các nhóm lợi ích khác, ngoài vòng kiểm soát của đảng, nhất là những đảng đối lập. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: "Cuộc đấu giữa những nhóm quyền lợi" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Trong một bài mới phổ biến gần đây, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A bàn về việc sử dụng từ "nhóm lợi ích", hiện nay đảng Cộng sản đang gán cho nó một nghĩa xấu, mà theo ông thì mấy chữ đó vốn không có nghĩa xấu hay là tốt nào cả.
Nguyễn Quang A nhìn thấy hai căn bệnh lớn trong hiện tượng này. Một là bệnh theo đuôi trong giới làm báo, hai là bệnh độc quyền suy nghĩ của đảng Cộng sản. Danh từ "nhóm lợi ích" là một khái niệm mới mẻ. Ông viết: "Có sự lạ đời ở Việt Nam là, hễ có một vị lãnh đạo to nào đó, hay một người có uy tín nào đó, phát ra một thông điệp gì đó với một khái niệm 'mới' thì truyền thông ào ào 'ăn theo', giới trí thức không chịu động não để phân tích và ủng hộ hay phản bác với lý lẽ, nên nghiễm nhiên cái khái niệm 'mới' ấy được phổ biến rộng rãi, dẫu bản thân nó có thể hết sức méo mó thậm chí sai hoàn toàn".
Theo Nguyễn Quang A thì chắc có một ông "lãnh đạo" lớn nào đó lên tiếng đả kích những "nhóm lợi ích", gán cho danh từ đó một nghĩa xấu. Báo chí "ăn theo", không ai chịu suy nghĩ tìm hiểu cho rõ nghĩa, vẫn theo thói quen mà các chế độ độc tài tập cho dân chúng chỉ biết "hô khẩu hiệu". Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ông Nguyễn Quang A; nhưng thấy cần khai triển ý kiến của ông cho rõ hơn.
Thoạt nghe ai cũng biết ngay "nhóm lợi ích" là dịch danh từ "interest group" trong tiếng Anh và dịch sát từng chữ, group dịch là nhóm, interest là lợi ích. Dịch máy móc, cũng giống như một đại tá công an viết trên báo Nhân Dân đả kích: "Xã hội dân sự - một thủ đoạn của diễn biến hòa bình". Ông ta đã theo gót lãnh đạo, thấy chữ "civil society" thì dịch là xã hội dân sự, vì civil là dân sự. Không ai chịu "động não" tìm hiểu rõ nghĩa hơn để xem gốc tích các danh từ này có ý nghĩa nào.
Một người sống ở nước Mỹ, hay ở một nước tự do dân chủ, tự nhiên sẽ gia nhập rất nhiều nhóm với mục tiêu khác nhau. Mỗi ngày mở thùng thư ra có thể thấy mấy lá thư mời gia nhập hoặc xin ủng hộ của các nhóm bảo vệ môi trường, của ủy ban vận động chính trị thuộc một đảng, hay là mời ký một kiến nghị. Mỗi nhóm này gồm những người cùng theo đuổi các mục tiêu, dù là kinh tế, đạo đức, chính trị hay xã hội. Nếu dịch cho đủ nghĩa thì gọi "interest group" là "những người chung quyền lợi", chữ quyền lợi hiểu theo nghĩa rộng, không nhất thiết là quyền lợi kinh tế. Nói giản dị là "Nhóm quyền lợi".
Tiến Sĩ Nguyễn Quang A hiểu ý nghĩa của danh từ "nhóm lợi ích", cho nên ông viết: "Ðảng cộng sản Việt Nam là một nhóm lợi ích lớn ở Việt Nam hiện nay. Tập thể những người dân khiếu kiện về đất đai tạo thành một nhóm lợi ích. Giới lao động dệt may, chẳng hạn, cũng tạo thành một nhóm lợi ích. Những người bảo vệ vườn quốc gia Cát Tiên là một nhóm lợi ích". Ông thấy những luận điệu chống các "nhóm lợi ích" là vô lý. Ngược lại, ông đề nghị: "Phải tạo điều kiện để cho các nhóm lợi ích tồn tại, phát triển, tạo môi trường cho chúng thể hiện, tranh luận, phê phán và qua đó thúc đẩy các lợi ích chung phục vụ cho sự phát triển đất nước".
Ý kiến trên diễn tả một nền tảng của thể chế dân chủ tự do.
Trong một quốc gia dân chủ, người dân có một quyền bất khả xâm phạm là quyền bất đồng ý kiến với nhau, cũng như quyền không đồng ý với nhà nước. Những khẩu hiệu như "nhất trí", "đồng thuận" thường được các chế độ độc tài sử dụng, nấp sau lý tưởng "đoàn kết". Nhưng mục đích che giấu đằng sau các khẩu hiệu của họ là muốn buộc mọi người phải cùng theo một ý kiến, không được cãi, thậm chí không được bàn.
Ngược lại, bản chất của chế độ dân chủ là chấp nhận ý kiến bất đồng, ai cũng có quyền theo một chủ nghĩa, cổ động cho một chính sách mình tin tưởng. Phải cho phép các nhóm người có ý kiến khác nhau được lên tiếng, ai cũng có quyền như ai. Trong chế độ dân chủ, các "nhóm quyền lợi" giao đấu với nhau, họ tìm cách gây ảnh hưởng trên những người nắm quyền hành. Cuối cùng, chính lá phiếu của người dân sẽ quyết định kết quả cuộc giao đấu.
Nhưng muốn cho cuộc chơi công bằng, mọi người đều có quyền được góp ý kiến và được nghe ý kiến của người khác. Như vậy thì tất cả phải minh bạch công khai. Các nhóm quyền lợi đều ra mặt công khai trình bày ý kiến của mình. Báo chí và người dân có quyền biết danh sách các nhóm đang vận động quốc hội và chính phủ, và giới truyền thông tự do phổ biến các ý kiến đối nghịch. Tất nhiên, những người nắm quyền phải do dân chúng tự do bầu lên. Khi đó, các cuộc tranh luận giữa những nhóm quyền lợi góp phần xây dựng ích lợi chung, không nhóm nào độc quyền thao túng guồng máy quyết định của quốc gia.
Ðảng Cộng sản Việt Nam chắc chắn không chấp nhận cho dân được tham dự những cuộc chơi tự do dân chủ theo lối này. Cho nên họ lớn tiếng đả kích các "nhóm lợi ích" mà không biết rằng chính họ là một nhóm với nhiều đặc quyền đặc lợi nhất, trùm khắp đất nước, như Tiến Sĩ Nguyễn Quang A đã chỉ ra. Ðảng Cộng sản cũng đang nằm trong tay nhiều "nhóm lợi ích" đang chia nhau quyền hành và những lợi lộc do quyền hành sinh sản. Nhưng không có gì minh bạch, công khai cả. Các nhóm quyền lợi này đều giấu mặt, các hành động của họ cũng nằm trong hậu trường, người dân không ai có quyền biết. Nhà báo nào đi tìm hiểu, loan tin, đều bị tù.
Người Việt Nam biết tình trạng này phải chấm dứt thì đất nước mới tiến lên được. Nhưng đảng Cộng sản sẽ bảo vệ quyền lợi của họ đến cùng. Cuộc đấu sẽ còn tiếp diễn.

No comments:

Post a Comment