Wednesday, February 27, 2013

Anh Hùng Dân Tộc: Đức Ngô Quyền

Thứ Tư, ngày 27.02.2013 
Kính thưa quý thính giả,
Hôm nay Thứ Tư, 27 tháng 2 năm 2013, nhằm ngày 18 tháng Giêng năm Quý Tỵ, là ngày giỗ đức Ngô Quyền, người đã lãnh đạo quân dân nước Việt tiêu diệt đạo quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng nổi tiếng, chính thức kết thúc hơn một ngàn năm Bắc thuộc, mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ cho dân tộc.
Trong khi đó, hiện nay tập đoàn lãnh đạo Cộng sản Việt Nam ngày càng thần phục quan thầy Bắc Kinh, họ đã và đang dâng hiến thêm nhiều tài nguyên của đất nước. Hơn thế nữa, nền văn hiến và đạo sống ngàn đời của dân tộc cũng bị tập đoàn này hủy diệt. Điều này khiến cho người Việt khắp nơi đau lòng và hỗ thẹn, một số người còn thao thức đến tiền đồ của đất nước và hạnh phúc của toàn dân đã noi gương sáng của đức Ngô Quyền và thế hệ Ngô Vương, không ngại hiểm nguy, tù đày, đồng tâm hiệp lực đứng lên tranh đấu giải thể chế độ Cộng sản và chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.
Để tưởng nhớ công đức cao dầy của đức Ngô Quyền và thế hệ Ngô Vương, chúng tôi xin quý thính giả lắng tâm để nghe "Thân thế và sự nghiệp" của vị đại anh hùng của dân tộc qua giọng đọc của Hải Nguyên để nhớ đến chiến thắng Bạch Đằng lẫy lừng, để cùng nhau tiếp tay trong cuộc tranh đấu này.
Đức Ngô Quyền sinh vào năm Mậu Ngọ (898), tức niên hiệu Càn Ninh thứ 5 đời Đường Chiêu Tông của Trung Hoa. Cha là Ngô Mân, châu mục của châu Đường Lâm. Họ Ngô thuộc dòng họ hào trưởng có thế lực, thuộc giới thế gia vọng tộc của châu này.
Ngô Quyền dáng người khôi ngô, có sức mạnh phi thường, được sử sách mô tả là bậc anh hùng tuấn kiệt, trí dũng song toàn. Thời niên thiếu của Ngô Quyền cũng là thời kỳ cực suy của chế độ thống trị của nhà Đường tại An Nam. Đô hộ phủ An Nam ngày càng bất lực trong việc khống chế các thế lực bên trong và ngoài.
Người Nam Chiếu đã liên tục tấn công Giao Châu từ năm 858 đến năm 866.
Tại Trung Hoa, cuộc nổi loạn An Sử của An Lộc Sơn và vụ khởi nghĩa của Hoàng Sào, làm cho nhà Đường phải chật vật đối phó, khiến việc kiểm soát của nhà Đường đối với An Nam ngày càng suy yếu.
Năm 931, thế lực họ Dương ở Ái Châu lật đổ guồng máy cai trị của nhà Nam Hán, đánh bại Lý Tiến, Trần Bảo ở thành Đại La. Hào trưởng Dương Đình Nghệ trở thành Tiết Độ Sứ của chính quyền người Việt.
Thế lực họ Dương nắm quyền ở Đại La được sự ủng hộ của nhiều thế lực địa phương khác, trong đó có dòng họ Ngô của Ngô Quyền. Sau khi kết hôn với con gái của Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền trở thành một tướng lãnh của Dương Đình Nghệ, được giao quyền cai quản vùng Ái châu vào năm 932.
Năm 937, hào trưởng đất Phong Châu là Kiều Công Tiễn hạ sát Dương Đình Nghệ đoạt chức vị Tĩnh Hải Quan Tiết Độ Sứ. Sau vụ này, họ Kiều bị nhiều thế lực địa phương chống đối và nội bộ họ Kiều cũng bị chia rẽ trầm trọng. Trước tình thế đó, Kiều Công Tiễn vội vã cầu cứu nhà Nam Hán.
Nghe hung tin, Ngô Quyền liền tập hợp mọi lực lượng, kéo quân ra Bắc giết chết Kiều Công Tiễn và chuẩn bị cuộc quyết chiến với quân Nam Hán.
Trận Bạch Đằng
Năm 938, Ngô Quyền nhanh chóng tổ chức cuộc chiến đánh quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng.
Lợi dụng mức thủy triều lên xuống của sông Bạch Đằng, Ngài sai quân đóng cọc dưới lòng sông, đầu cọc bịt sắt nhọn. Khi thủy triều lên cao thì bãi cọc bị che khuất, Ngài dùng kế nhử quân Nam Hán vào khu vực này và đợi thủy triều rút xuống làm cho thuyền quân Nam Hán bị mắc cạn mới điều động thủy quân dùng thuyền nhỏ lao ra công hãm.
Quân Nam Hán đại bại, Thái tử Nam Hán là Lưu Hoằng Tháo thiệt mạng cùng với hơn phân nửa số quân sĩ. Kể từ đó, nhà Nam Hán phải từ bỏ giấc mộng xâm chiếm An Nam.
Chiến thắng của đức Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng vào năm 938 đã chấm dứt cuộc xâm lược của nhà Nam Hán, đồng thời cũng kết thúc luôn thời kỳ đô hộ của giặc Tàu hơn một ngàn năm.
Năm 939, đức Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa, lập ra nhà Ngô. Ngài trị vì được 6 năm, được con dân Việt xem là vị đại anh hùng của dân tộc và là vị Tổ trung hưng của nước Việt.
Ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Thìn (944), Ngô Vương băng hà, hưởng dương 47 tuổi. Sử sách gọi Ngài là Tiền Ngô Vương. Người dân Việt lập đền thờ và lăng ở Đường Lâm. Tại khu vực hạ lưu sông Bạch Đằng có hơn 30 đền và miếu thờ đức Ngài cùng thế hệ Ngô Vương./.

No comments:

Post a Comment