Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Bảo Trân & Thiên An trình bày sau đây.
1/ TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM SẼ SANG MỸ VÀO TUẦN TỚI
Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ gặp gỡ các đại diện của tập đoàn Google và Meta nhân chuyến đến Mỹ để dự Đại hội đồng LHQ tại New York từ ngày 22 đến 23/9. Ông Tô Lâm sẽ có bài phát biểu tại cuộc họp này với tư cách là chủ tịch nước Việt Nam.
Các nguồn tin giấu tên cho biết các cuộc gặp sắp tới của ông Tô Lâm với đại diện các tập đoàn Google và Meta, cùng vớimột số công ty khác vào ngày 23/9. Tuy nhiên, hai tập đoàn này chưa đưa ra lời bình luận nào về vụ gặp gỡ này.
Chuyến đi của ông Tô Lâm đến Mỹ dù chưa được thông báo chính thức nhưng theo thông tấn xã Reuters, các giới chức VN cho biết ông Lâm sẽ bay đến Mỹ vào thứ bảy tuần này và sau đó sẽ đến Cuba.Đại học Columbia đã thông báo về vụ ông Lâm đến New York vào ngày 23/9.
Hiện không rõ ông Lâm có gặp Tổng thống Joe Biden trong lần đến Mỹ này hay không. Phát ngôn nhân tòa Bạch Ốc từ chối bình luận về ông Tô Lâm nhưng cho biết tổng thống Mỹ sẽ gặp lãnh đạo nhiều quốc gia đến Mỹ lần này.
Trong khi đó, cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ đã kêu gọi tổ chức cuộc biểu tình phản đối ông Tô Lâm tại New York trong hai ngày 22 và 23/9 tới.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/to-lam-to-meet-google-meta-in-us-09182024075847.html
2/ CÔNG TY SCATER CỦA NA UY RÚT LUI KHỎI DỰ ÁN ĐIỆN GIÓ Ở VN
Công ty Scatec của Na Uy vừa quyết định bán toàn bộ cổ phần và rút khỏi dự án điện gió Đầm Nại tại tỉnh Ninh Thuận, theo thông báo đưa ra vào ngày 13/9.
Theo thông báo nói trên, công ty Scatec đã bán toàn bộ cổ phần của mình ở trang trại gió Đầm Nại cho một công ty năng lượng của Thụy Sĩ, với tổng số tiền là 40 triệu Mỹ kim.Scatec sẽ nhận trước 27 triệu Mỹ kim để chuyển nhượng 100% cổ phần, và sẽ nhận thêm 13 triệu Mỹ kim nữa khi một số điều kiện nhất định được hoàn tất trước tháng 5 năm 2026.
Giám đốc Scatec là ông Terje Pilskog được dẫn lời trong thông báo cho biết hãng ông quyết định rời Việt Nam sau khi đã vận hành trang trại điện gió Đầm Nại kể từ khi mua lại dự án này vào năm 2021.Giao dịch mua bán này dự định sẽ hoàn tất vào năm 2025, phụ thuộc vào các phê duyệt theo quy định.
Đầm Nại là dự án điện gió thuộc sở hữu nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1 ngàn tỷ đồng VN, đi vào hoạt động từ năm 2018, gồm 15 turbine cho tổng công suất hơn 39MW.
Một số các công ty điện gió nước ngoài vừa qua cũng quyết định bỏ đầu tư và rời khỏi Việt Nam bao gồm Ostend của Đan Mạch, Equinor của Na Uy và Enel của Ý. Lý do thường được đưa ra là những khó khăn trong quy định của pháp luật tại Việt Nam trong lãnh vực này.
3/ HƠN 60 CHIẾN HẠM CỦA TRUNG CỘNG CÓ MẶT TẠI BÃI SA BIN
Bạo quyền Trung Cộng đã rút khoảng một phần tư số tàu ra khỏi các khu vực tranh chấp với Philippines tại Biển Đông, nhưng vẫn duy trì hơn 60 chiếc ở khu vực bãi Sa Bin, điểm đối đầu căng thẳng nhất hiện nay.
Trả lời báo chí vào hôm 17/9, phát ngôn nhân của hải quân Philippines, chuẩn đô đốc Roy Vincent Trinidad, cho biết Trung Cộng duy trì tổng cộng 65 tàu tại khu vực bãi Sa Bin.
Theo số liệu của hải quân Philippines, số tàu chiến của Trung Cộng tại các khu vực tranh chấp với Philippines ở Biển Đông, như đảo Thị Tứ, bãi cạn Scarbourgough, bãi Cỏ Mây, trong tuần qua là 157 chiếc, giảm khoảng một phần tư so với mức cao kỷ lục 207 chiếc trong tuần lễ trước đó.
Mặc dù số tàu thuyền Trung Cộng, bao gồm tàu hải quân, tàu hải cảnh và tàu ngư quân, đã giảm sút nhưng số lượng tàu hải cảnh ngược lại tăng từ 18 lên 26 và tập trung tại ba khu vực là bãi Sa Bin với 9 tàu, bãi Cỏ Mây 10 tàu và bãi cạn Scarbourgough với 6 tàu.
Về bãi Sa Bin, phát ngôn nhân hải quân Philippines nhấn mạnh là bất chấp lực lượng đông đảo, phía Trung Cộng chưa thể kiểm soát được khu vực này.Các lực lượng Philippines vẫn đang tiếp tục thực thi nhiệm vụ là ngăn chặn “sự hiện diện bất hợp pháp” của Trung Cộng.
Chuẩn đô đốc Trinidad nhấn mạnh là Manila “đã chuẩn bị và có các kế hoạch dự phòng” nếu Trung Cộng có hành động lấn lướt nhằm kiểm soát Bãi Sa Bin, như đã xảy ra với bãi cạn Scarbourgough vào năm 2012.
Trong khi đó vào hôm 17/9, Philippines có thể chấp nhận đề nghị của Mỹ về việc yêu cầu lực lượng Mỹ hộ tống các đoàn tiếp tế cho các tàu thuyền ở những khu vực tiền đồn tại Biển Đông.
4/ IRAN TỐ CÁO DO THÁI CHO NỔ HÀNG LOẠT MÁY NHẮN TIN CỦA HEZBOLLAH
Vào khoảng 3 giờ rưởi chiềungày 17/9, tại Lebanon, các máy nhắn tin được Hezbollah xử dụng trên khắp cả nước đã đồng loạt phát nổ, làm ít nhất 9 người chết và gần 3 ngàn người bị thương.
Phe Hezbollah ở Lebanon đã cùng đồng minh Iran lên tiếng tố cáo Do Thái là thủ phạm vụ này. Vào sáng 18/9, bộ ngoại giao Iran ra thông cáo lên án Do Thái đứng sau vụ kích nổ hàng loạt các máy nhắn tin của Hezbollah, được nhập từ Đài Loan và coi đó là hành động khủng bố.
Mặc dù người xử dụng chủ yếu là các thành viên của Hezbollah, vụ các máy nhắn tin phát nổ đồng loạt trên khắp cả nước là sự kiện chưa từng có, gây hoảng loạn trong dân chúng tại Lebanon.
Phe Hezbollah đã tố cáo đích danh Do Thái đứng sau vụ tấn công chưa từng có này và hứa sẽ đáp trả thích đáng. Quy mô của vụ này đã khiến chính phủ Lebanon cho các trường họcđóng cửa và một số cơ quan chính phủ cũng tạm ngưng hoạt động.
Các bệnh viện đã theo lời kêu gọi của chính phủ nhằmgiải quyết tình trạng bỗng nhiên cùng một lúc gần 3 ngàn người bị thương phải nhập viện. Đa số người là bị thương ở phần bụng, tay và mặt. Hai trăm người trong tình trạng nguy kịch và hàng chục người bị mất thị lực.
Trong khi đó, phát ngôn nhân bộ ngoại giao Mỹ xác nhận Hoa Kỳ đang tập hợp thông tin về vụ này, đồng thời nhấn mạnh Mỹ không can dự gì vào vụ này.
Giới chức Mỹ và các nước khác khẳng định là Do Thái đã cài đặt một lượng thuốc nổ nhỏ vào các máy nhắn tin của Hezbollah và sau đó kích nổ từ xa. Các nguồn tin ẩn danh trên cho biết, hơn 3 ngàn máy nhắn tin đã được Hezbollah đặt hàng với công ty Gold Apollo của Đài Loan.
No comments:
Post a Comment