Sunday, September 22, 2024

Tin Tức: Chủ Nhật 22.09.2024

Tin Tức

Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Khánh Ngọc & Miên Dương

1) VIỆT NAM TRẢ TỰ DO CHO NHÀ HOẠT ĐỘNG MÔI TRƯỜNG HOÀNG THỊ MINH HỒNG VÀ TIẾN SĨ HOÀNG NGỌC GIAO

Việt Nam vừa trả tự do cho ba nhà hoạt động trước thềm chuyến đi Mỹ của Chủ tịch nước, Tổng Bí thư đảng Cộng Sản Tô Lâm.

Ngoài ông Trần Huỳnh Duy Thức, Hà Nội đã phóng thích nhà hoạt động môi trường nổi tiếng Hoàng Thị Minh Hồng. Tin tức về vụ thả bà Hồng được loan ra bởi blogger, cựu TNLT  Phạm Thanh Nghiên, khoảng hơn một tiếng trước khi các trang báo khác đưa tin.

Bà Hoàng Thị Minh Hồng, là một nhà hoạt động môi trường nổi tiếng. Năm 2019, tạp chí Forbes đã bình chọn bà là một trong 50 phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất tại Việt Nam. Theo trang wikipedia thì bà Hồng là người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên Nam Cực vào năm 1997. Bà Hồng là sáng lập viên của tổ chức CHANGE và bị bắt hồi tháng 5/2023 ở Sài Gòn. Cuối tháng 9/2023, bà bị kết án 03 năm tù giam với cáo buộc “trốn thuế”, một tội danh ngụy tạo mà Hà Nội thường sử dụng để đàn áp các nhà bảo vệ môi trường.

Bà Hồng được trả tự do sớm 20 tháng và về nhà vào ngày 21/9.

Một nguồn tin riêng nói với đài ĐLSN, tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao cũng đã được thả sau 21 tháng bị cầm tù. Ông Giao được trả tự do nhân dịp 2/9, ngày mà người cộng sản gọi là “Quốc khánh”. Không có thông tin về phiên tòa của tiến sĩ Giao.

Bà Hồng và ông Thức được trả tự do chỉ vài giờ trước khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Mỹ và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc, Khóa 79 ở New York.

 

2. DÂN BIỂU MỸ STEEL KÊU GỌI TRẢ TỰ DO CHO NHÀ BÁO PHAN VÂN BÁCH

Dân biểu Liên bang Michelle Steel hôm 20/9 hối thúc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken can thiệp để trả tự do cho nhà báo độc lập Phan Vân Bách, người vừa bị kết án 5 năm tù giam hôm 16/9.

“Sức khỏe của ông Phan Vân Bách đang xấu đi”, bà Steel nêu trong bức thư gửi ông Blinken hôm 20/9.

Bà nói rằng ông Bách là một nạn nhân nữa “của chính quyền Việt Nam chống lại quyền tự do ngôn luận”.

Bà Steel hối thúc Bộ trưởng Blinken “phải sử dụng hết khả năng ngoại giao” của ông để “can thiệp dẫn đến việc trả tự do ngay lập tức” cho ông Phan Vân Bách và “phải có lập trường kiên quyết về nhân quyền tại Việt Nam”.

Bà Steel là nữ dân biểu đại diện khu vực bầu cử số 45 của tiểu bang California, nơi có đông đảo người Mỹ gốc Việt sinh sống.

Ông Phan Vân Bách, 49 tuổi, một nhà báo độc lập, cựu cộng tác viên của kênh YouTube CHTV (Chấn Hưng TV) ở Hà Nội, bị bắt vào ngày 29/12/2023 với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”.

Sức khỏe của ông đã suy giảm nghiêm trọng kể từ khi bị bắt và bị sụt gần 30 ký tính đến ngày ra tòa.

 

3. BÀ NGUYỄN PHƯƠNG HẰNG RA TÙ TRƯỚC THỜI HẠN

Bà Nguyễn Phương Hằng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam đã được trả tự do hôm 19/9, trước thời hạn ba tháng so với bản án đã tuyên.

Bà Hằng được giảm án 3 tháng với lý do đã “cải tạo tốt”.

Bà Nguyễn Phương Hằng, nổi tiếng qua những buổi livestream trên các nền tảng truyền thông xã hội như Youtube, Facebook vì tố cáo những gian lận trong việc làm từ thiện của một số ngôi sao giải trí. Bà bị cáo buộc đã xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín của ca sĩ Vy Oanh, Đàm Vĩnh Hưng, nghệ sĩ Hoài Linh, vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên, nhà báo Hàn Ni, nhà báo Đức Hiển...

Bà bị tuyên án ba năm tù về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Điều 331 Bộ luật hình sự. Phiên phúc thẩm vào tháng 4 vừa qua đã giảm án cho bà Hằng xuống còn hai năm chín tháng. Ngoài bà Hằng, có ba người liên quan đến vụ án cũng bị bắt giam và kết án theo Điều 331.

Nhà báo Hàn Ni, người tố cáo bà Hằng cũng bị bắt và hiện đang thi hành án tù.

 

4.PHNOM PENH RÚT KHỎI THỎA THUẬN KINH TẾ CAM BỐT- VIỆT NAM-LÀO

Thủ tướng Hun Manet, hôm 20/09 cho hay biết Cam Bốt đã rút khỏi thỏa thuận phát triển kinh tế khu vực kéo dài hàng thập kỷ với Việt Nam và Lào, trong bối cảnh dấy lên dư luận lo ngại nước này đánh mất lãnh thổ vào tay các nước láng giềng.

Hãng AFP trích dẫn bài đăng của ông Hun Manet trên trang facebook rằng cả Việt Nam và Lào đều đã được thông báo về quyết định trên.

Thỏa thuận phát triển khu vực tam giác nằm giữa Cam Bốt-Việt Nam-Lào (CLV-DTA) được ký kết năm 1999 nhưng vấp phải sự phản đối gay gắt của những nhà đối lập tại hải ngoại vì cho rằng thỏa thuận có thể “gây tổn hại cho đất nước mình”.

Theo các tổ chức nhân quyền, kể từ tháng 7, chính quyền Cam Bốt đã bắt giữ gần 100 người, trong đó có một số trẻ em với cáo buộc họ “có ý định tham gia các cuộc biểu tình ở Phnom Penh dự định chống lại thỏa thuận” nói trên. Thỏa thuận được ký kết nhằm mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế và thương mại giữa các tỉnh đông bắc Cam Bốt với các tỉnh lân cận của Việt Nam và Lào.

 

No comments:

Post a Comment