Saturday, September 14, 2024

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển

Danh Nhân Nước Việt

Thưa quý thính giả,

Một nhạc sĩ tài hoa của xứ Quảng, một con người khiêm tốn, đầy tâm huyết với nghệ thuật và nặng lòng với quê hương. Ông đã đi tiên phong trong việc sáng tác nhạc với lời ca thuần túy Việt Nam. Ông xem Bạc Liêu là quê hương thứ hai, những sáng tác của ông làm cho người nghe tưởng chừng như ông là người sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong chuyên mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển tên thật là Võ Hợi sinh ngày 12/2/1947 tại Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

-Năm 1965, ông vào Sài Gòn học Đại học Sư phạm (ban Hán - Việt) và Đại học Văn khoa (ban Triết học Đông phương).

-Năm 1970, tốt nghiệp Đại học. Thi hành lệnh động viên, ông nhập ngũ và theo học khóa Sĩ Quan Trừ Bị tại trường Bộ Binh Thủ Đức. Sau khi mãn khóa, ông được Bộ Giáo Dục can thiệp cho về dạy học, và ông nhận nhiệm sở tại Trường Trung học Công lập Bạc Liêu, dạy môn kim văn, cổ văn và triết học cho đến năm 1975.

-Sau biến cố 30/4/1975, ông về làm việc tại phòng Giáo dục Nhà Bè.

-Năm 1985, ông trở về Bạc Liêu. Trong thời gian này, ông sáng tác hàng loạt các ca khúc về Bạc Liêu và vùng đất phương Nam, được giới mộ điệu yêu thích như: Điệu buồn phương Nam, Trở về Bạc Liêu, Trên sóng Cửu Long, Đau xót lý chim quyên, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang .v.v.

Ngoài việc sáng tác nhạc, với bút hiệu Đồ Bì, Đinh Ba, Mạc Đại, ông viết tiểu thuyết, truyện ngắn, nhất là phiếm luận về truyện kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung với tựa đề Kim Dung giữa đời tôi. Và ông còn phục dựng lại bài Dạ Cổ Hoài Lang cho nhạc sĩ Quốc Dũng hòa âm và ca sĩ Hương Lan trình diễn.

-Ngày 6/5/2020, ông từ trần tại Sài Gòn vì căn bệnh ung thư vòm họng, hưởng thọ 73 tuổi, được an táng tại nghĩa trang Bình Dương.

*****

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển ra đi, để lại hơn 300 bản tình ca, khiến nhiều người yêu mến dòng nhạc quê hương không khỏi nuối tiếc. Và khi nhắc đến Vũ Đức Sao Biển, là mọi người đều nhớ ngay đến tuyệt phẩm “Thu, hát cho người” do ông sáng tác vào năm 1968, khi ấy vừa tròn 21 tuổi.

Ông tâm sự rằng, ông sáng tác khi ngồi một mình trong một chiều thu đầy lá vàng rơi với đồi hoa sim tím. Và theo ông, bản nhạc này là một bài tình ca đẹp về giai điệu, giàu tính nghệ thuật về ca từ. Âm nhạc là một trong bảy nghệ thuật, nên ca từ của ca khúc phải đẹp, nếu không đẹp thì không phải là âm nhạc ca khúc, nên ông thích viết ca từ đẹp.

Riêng nhạc phẩm “Điệu buồn phương Nam” “Đau xót lý chim quyên” là hai trong những ca khúc nổi tiếng do ông sáng tác. Hai bài hát này ra đời năm 1994 với giai điệu buồn, khiến nhiều người thổn thức về quê hương với nhiều hình ảnh quen thuộc như cung đàn, con sáo, chim quyên, trái nhãn lòng, cá lia thia .v.v. và trong sáng tác “Đau xót lý chim quyên”, ông đã vận dụng ngũ cung nhằm tạo cảm giác gần gũi cho người nghe và nhạc phẩm này đã được nhiều người ưa thích.

Trong hành trình cuộc đời, ông dừng chân tại Bạc Liêu từ năm 1970 đến 1975, các học trò xem ông là thần tượng, luôn tôn kính. Ông phục dựng bài “Dạ cổ hoài lang” của nghệ sĩ Cao Văn Lầu ra nhạc Tây phương, sau đó dịch thuật bài nhạc này phổ biến ra khắp thế giới. Nhạc phẩm “Dạ cổ hoài lang” và bài ca “Trở về Bạc Liêu” là hai ca khúc đã đi vào lòng người mãi cho đến ngày hôm nay.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã sống và cống hiến một đời cho nghệ thuật. Ông có hoài bão lớn về cuộc đời và cuộc sống. Ông ra đi, nhưng những di sản giá trị do ông để lại cho dân chúng Bạc Liêu và các tỉnh miền Tây, cùng giới văn nghệ sĩ, đến nay vẫn còn là niềm thương tiếc.

Kính chào vĩnh biệt một nhạc sĩ tài hoa mang tên Vũ Đức Sao Biển.

No comments:

Post a Comment