Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Bảo Trân & Thiên An trình bày sau đây.
1/ THÊM 37 NGHỊ SĨ MỸ BÁC BỎ VIỆC CẤP QUY CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG CHO VN.
Một nhóm nghị sĩ của Ủy ban Thép tại quốc hội Mỹ đã bày tỏ quan ngại của họ tới bộ trưởng Thương mại về việc bộ này xem xét đưa Việt Nam ra khỏi danh sách nền kinh tế phi thị trường theo yêu cầu của VN.
Cần biết là Việt Nam bị Mỹ xác định là nền kinh tế “phi thị trường” trong hơn 20 năm qua và bộ công thương Việt Nam vào tháng 9 năm ngoái đã yêu cầu bộ Thương mại Mỹ đánh giá lại tình trạng này. Chính phủJoe Biden vào tháng 10 đã đồng ý xem xét lại tình trạng của Việt Nam và bộ thương mại Mỹ dự trù đưa ra quyết định trong vòng vài tuần nữa.
Trong bức thư gửi Bộ trưởng Gina Raimondo, 37 thành viên của Ủy ban lưỡng đảng, đại diện cho các khu vực có các nhà sản xuất thép, viết rằng Việt Nam “vẫn là một ví dụ điển hình về nền kinh tế do nhà nước kiểm soát từ trên xuống dưới và đã trở thành mối đe dọa đáng kể đối với các nhà sản xuất thép theo định hướng thị trường ở Hoa Kỳ”.
Theo các nghị sĩ này, ngành thép Việt Nam đã chuyển đổi “thành một nhà sản xuất thép lớn và là một trong những nước kinh doanh thép không công bằng tai hại nhất trên thế giới”. Trích dẫn dữ liệu từ tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, các nghị sĩ Mỹ cho biết một nửa sản lượng thép của Việt Nam là dành cho xuất cảng.
Lá thư cho biết là trong năm 2010, lượng thép VN nhập cảngvào Mỹ chưa đến 40 ngàn tấn. Đến năm 2018, lượng nhập cảng từ Việt Nam vượt qua 1 triệu tấn.
Theo cáo buộc của Ủy ban Thép tại quốc hội Mỹ, Việt Nam là nơi các công ty thép từ các quốc gia khác như Trung Cộng tìm cách dịch chuyển sản xuất đến đây để tránh các lệnh phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ. Do đó, theo lập luận của họ, trao quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam mà không xem xét đầy đủ các yếu tố được quy định trong đạo luật thuế quan Hoa Kỳ năm 1930 sẽ là “quá sớm và không chính đáng”.
Hàng chục nghị sĩ Mỹ trước đây cũng đã đưa ra quan điểm tương tự về việc bộ thương mại xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
2/ BA NGƯỜI BỊ BẮT VÌ ĐƯA NGƯỜI ĐI ÚC DƯỚI VỎ BỌC NHÀ SƯ.
Vào hôm 2/7, công an tỉnh Hà Tĩnh đã bắt giữ 3 người trong đường dây đưa người sang Úc lao động trái phép dưới vỏ bọc “nhà sư”.
Công an Hà Tĩnh vào ngày 2/7 cho biết đã truy tố vụ án này, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, cư ngụ tại Sài Gòn, về tội "tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” và "làm giả con dấu, tài liệu”, Hai người khác là bà Đậu Thị Khuyên ở tỉnh Hà Tĩnh bị bắt về tội "tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” và ông Nguyễn Văn Khánh 28 tuổi cũng bị bắt về tội "làm giả con dấu và tài liệu".
Công an Hà Tĩnh cho biết, từ cuối năm 2023, họ đã nắm được thông tin có một số nghi phạm lợi dụng việc các cơ sở Phật giáo ở Úc thường xuyên tổ chức các khóa tu học dành cho Phật tử trên toàn thế giới nên đã tổ chức cho nhiều công dân trong nước sang Úc lao động với thủ đoạn làm giả hồ sơ nhà sư. Chi phí cho mỗi người đưa đi trót lọt là 300 triệu đồng.
Cụ thể vào đầu năm nay, công an phát giác Khuyên, Hằng và Khánh tổ chức cho Hồ Văn Thìn ở Nghệ An sang Úc lao động theo đường dây trên.Theo thỏa thuận, khi Thìn sang đến Úc, nhóm của Hằng sẽ cho người quen đón Thìn và sắp xếp công việc làm nghề nông tại Úc cho ông này.
Nhóm này yêu cầu ông Thìn cạo đầu, mặc đồ tu hành đến chùa Kim Quang ở Đà Nẵng để chụp ảnh. Sau đó nhóm này liên lạc các chùa ở Úc để xin thư mời cho Thìn với pháp danh Thích Giác Ngộ.
3/ KHỐI NATO CAM KẾT VIỆN TRỢ QUÂN SỰ 40 TỶ ÂU KIM CHO UKRAINA.
Các đồng minh trong khối NATO đã đồng ý viện trợ quân sự 40
tỷ Âu kim cho Ukraina vào năm tới, theo tiết lộ của hai nhà ngoại giao Tây Âu vào
hôm qua 3/7, một tuần trước khi các nhà lãnh đạo của liên minh gặp nhau tại
Washington - Hoa Thịnh Đốn. Trong khi đó, Hoa Kỳ cũng loan báo khoản viện trợ
quân sự hơn 2 tỷ Mỹ kim cho Ukraina vào hôm qua.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã yêu cầu các đồng minh thực hiện cam kết
cho nhiều năm, để duy trì viện trợ quân sự cho Ukraina ở mức tương tự như mức
trước đây kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện Ukrainavào năm 2022.
Tính tổng cộng sẽ lên đến 40 tỷ Âu kim mỗi năm.
Mặc dù các nước thành viên NATO không ủng hộ yêu cầu ban đầu của ông Stoltenberg là cam kết viện trợ nhiều năm như vậy, nhưng thỏa thuận này bao gồm điều khoản để xem xét lại mức đóng góp của các đồng minh tại các hội nghị NATO trong tương lai.
Các nước thành viên cũng quyết định sẽ soạn thảo hai phúc trình trong năm tới để xác định nước nào cung cấp thứ gì cho Ukraina, nhằm đáp ứng yêu cầu minh bạch hơn về việc chia sẻ gánh nặng giữa các nước trong liên minh.
Cam kết tài chính này nằm trong khoản trợ giúp Ukraina lớn
hơn mà các nhà lãnh đạo NATO sẽ đồng ý khi nhóm họp tại hội nghị thượng đỉnh
Washington - Hoa Thịnh Đốn từ ngày 9 đến ngày 11/7.
Cần biết là vào tháng 6 vừa qua, các nước đã quyết định là khối NATO sẽ đảm
nhận vai trò lớn hơn trong việc điều phối vũ khí cung cấp cho Ukraina, để thay
cho Mỹ trong nỗ lực giữ cho việc này không bị ảnh hưởng khi ông Donald Trump,
người hoài nghi về khối NATO, đang tranh cử nhiệm kỳ tổng thống Mỹ thứ nhì.
Trong khi đó Hoa Kỳ thông báo khoản viện trợ quân sự mới trị giá hơn 2 tỷ Mỹ
kim cho Ukraina, trong đó có tài trợ mua thiết bị phòng không và vũ khí chống
tăng. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vào hôm 2/7 thông báo như trên với
đồng nhiệm Ukraina, Roustem Oumerov, khi đón tiếp ông tại Ngũ Giác Đài.
4/ TRUNG CỘNG BẮT GIỮ TÀU CÁ ĐÀI LOAN GẦN ĐẢO KIM MÔN.
Giới chức Trung Quốc vào cuối ngày 2/7 đã lên tàu và bắt
giữ một tàu câu mực Đài Loan đánh bắt gần bờ biển Hoa Lục và cũng gần một hòn
đảo do Đài Loan kiểm soát. Sau đó đã kéo chiếc tàu cá này đến một hải cảng của
Trung Cộng, theo loan báo của lực lượng tuần duyên Đài Loan.
Tàu câu mực này hoạt động ở gần quần đảo Kim Môn do Đài Loan quản trị, vốn nằm
gần các thành phố Hạ Môn và Tuyền Châu của Hoa Lục.Nhưng vào tối ngày 2/7 nó
lại đang đánh bắt ở vùng biển Trung Cộng và bị hai tàu kiểm ngư Trung Cộng bắt
giữ.
Tàu Đài Loan đã đánh bắt trong thời gian Trung Cộng cấm đánh cá. Tuần duyên Đài Loan cho biết là chính phủ Đài Loan sẽ liên lạc với Trung Cộng và kêu gọi họ thả những ngư dân bị bắt càng sớm càng tốt.
Giới chức tỉnh Phúc Kiến ở miền nam Trung Cộng đã bắt giữ
con tàu Đài Loan, theo thông cáo của hải cảnh Trung Cộng vì chiếc tàu này đã vi
phạm lệnh cấm đánh bắt cá vào mùa hè và đánh bắt bất hợp pháp. Cần biết là loại
lưới mà ngư dân Đài Loan xử dụng có mắt lưới nhỏ hơn nhiều mắt lưới tối thiểu
mà Trung Cộng quy định, do đó gây thiệt hại cho tài nguyên thủy sản và môi
trường biển.
Đài Loan đã khai triển tàu tuần duyên để trợ giúp và phát cảnh cáo yêu cầu
Trung Cộng thả chiếc tàu cá bị bắt, nhưng các tàu của Trung Cộng đã phát lời là
họ sẽ không đáp ứng. Các tàu của Đài Loan sau đó đã lùi lại để tránh xung đột
và chiếc tàu cá Đài Loan đã được đưa đến một hải cảng Trung Cộng. Ba trong số
năm ngư dân trên tàu là người Indonesia.
No comments:
Post a Comment