Friday, July 12, 2024

Hoa Kỳ chưa nên thừa nhận kinh tế của Việt Nam là kinh tế thị trường.

Quan Điểm

Suốt trong mấy tháng gần đây, VN tìm cách vận động để HK thừa nhận  nền kinh tế của VN là kinh tế thị trường. Về phía HK, bộ Thương Mại đang cân nhắc và sẽ  đưa ra  quyết định trong một vài tuần tới. Kính mời quí thinh giả theo dõi Quan Điểm của LLCQ về sự kiện này, qua sự trình bày của Nguyên Khải  sau đây

Thưa quí thính giả,

            Trong thời gian 20 năm, từ khi Cộng Sản VN  và Pháp thỏa thuận chia đôi đất nước ngày 20/7/1954 cho tới khi cướp được Min Nam Việt Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975, CS đã áp dụng triệt để nền kinh tế chỉ huy ở Miền Bắc, hậu quả là người dân luôn thiếu thốn lương thực và mọi nhu yếu phẩm thiết yếu cho con người.

            Sau khi cướp được Miền Nam VN năm 1975, họ lại đem phương thức kinh tế ở Min Bắc áp đặt ở Miền Nam, hậu quả là cả nước rơi vào đói nghèo thiếu thốn cùng cực. Những người trên 40 tuổi, không thể quên được những năm ở thập niên 1980,  người dân phải ăn bobo, cơm trộn khoai sắn; phải chực chờ cả ngày để được mua vài ba lạng thịt, mấy chục gram đường theo tem phiếu ấn định cho mỗi gia đình. Trong khi ruộng đất phì nhiêu ở Miền Nam thừa sức cung cấp lúa gạo cho cả nước. Nền kinh tế chỉ huy do nhà nước CS độc tài đã hoàn toàn thất bại, nên CSVN buộc phải đổi mới từ 1986.

            Từ khi mở cửa làm ăn với thế giới bên ngoài, người dân thấy dễ thở hơn  một chút, thì đất nước lại rơi vào một thảm họa mới, đó là giai cấp tư bản đỏ xuất hiện, gồm những quan chức lớn nhỏ, là đảng viên CS và thân nhân của họ. Thành phần này nắm giữ toàn bộ nguồn lực kinh tế quốc gia, dưới hình thức những công ty quốc doanh, những nhà thầu thực hiện mọi dự án. Từ dó nạn tham nhũng bè phái thối nát hoành hành trên qui mô cả nước.

            Khi VN ký kết các hiệp định song phương với các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Úc......Hay các Hiệp định đa phương  như gia nhập WTO, Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - đặc biệt là Hiệp Định Thương Mại Song Phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) ngày 13/7/2000, họ phải tuân thủ các qui luật chung mà hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới đều áp dụng, gồm qui luật giá trị sản phẩm, luật cạnh tranh đồng đều, luật cung cầu cân bằng, quy định lưu hành tiền tệ, hối đoái giữa các hệ thống ngân hàng, quy luật giá trị thặng dư giữa cung và cầu, việc sản xuất, giá cả và phân phối dựa trên sự cạnh tranh bình đẳng, không do nhà nước hoặc quyền lực nào quyết định.

            Trong khi VN vẫn ấm ớ, nửa nạc nửa mỡ, tự gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hôi chủ nghĩa”, thì tự thân nó đã mâu thuẫn rồi. Ngay cả những người CS cũng không giải thích được, nếu đã là kinh tế thị trường sao lại có thêm cái đuôi theo định hướng XHCN nữa?

            Hiện nay nhà nước CSVN đang ráo riết vận động các công ty Hoa Kỳ có làm ăn với VN, yêu cầu bộ Thương Mại Mỹ thừa nhận VN là kinh tế thị trường. Nếu thành công, hàng hóa của VN nhập vào Mỹ sẽ được giảm thuế, và không bị kiện vì bán phá giá. Nhưng mới hôm 3/7/2024 đã có thêm 37 dân biểu gửi thư kêu gọi Bộ Thương Mại tiếp tục giữ CSVN, với nền kinh tế “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong danh sách kinh tế phi thị trường. Như vậy là đã có 62 Dân Biểu và 8 Thượng Nghị Sĩ lên tiếng khuyến cáo Bộ Thương Mại.

            Trong thư gửi cho Bộ Trưởng Gina Raimondo, có đoạn như sau (Xin trích) “Chúng tôi tin tưởng rằng việc xem xét đầy đủ và công bằng các bằng chứng theo sáu yếu tố pháp lý để xác định tình trạng nền kinh tế thị trường được quy định trong Đạo Luật Thuế Quan năm 1930 sẽ khiến Bộ Thương Mại kết luận rằng làm như vậy là quá sớm và không chính đáng. Chúng tôi hiểu mong muốn rộng rãi hơn của Chính Quyền là hợp tác với các đồng minh và đối tác để giải quyết những thách thức do hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. Nhưng cả luật chống bán phá giá của Hoa Kỳ cũng như các ngành công nghiệp và người lao động phụ thuộc không thể được coi là công cụ mặc cả trong những nỗ lực đó. Sinh kế của những người Mỹ chăm chỉ, bao gồm nhiều cử tri của chúng ta, phụ thuộc vào nó.” (Hết trích)

            Ngoài việc các nhà lập pháp Mỹ cho rằng: “Việt Nam vẫn là một ví dụ điển hình về nền kinh tế do chính phủ kiểm soát từ trên xuống” . Nó còn là “mối đe dọa đáng kể đối với các nhà sản xuất thép theo định hướng thị trường ở Hoa Kỳ.” Vì số lượng sắt thép nhập vào Mỹ từ VN chính là sản phẩm của Trung Quốc. Cũng theo các nhà lập pháp Mỹ thì “Năm 2010, lượng thép nhập từ Việt Nam vào Mỹ chưa đến 40.000 tấn. Đến năm 2018, lượng thép  từ Việt Nam vượt 1 triệu tấn.” Nên các nhà lập pháp Mỹ cho rằng  VN là một trong những quốc gia kinh doanh thép không công bằng tai hại nhất thế giới.” Bên cạnh sắt thép ra, còn nhiều mặt hàng khác sản xuất tử Trung Quốc, nhưng dán nhãn VN, để nhập vào HK nữa.

            Theo các thông tin từ Bộ Thương Mại HK, thì quyết định sẽ được công bố trong vài tuần nữa. Hy vọng Bộ Thương Mại lắng nghe những khuyến cáo của các nhà lập pháp Mỹ. Nếu HK thừa nhận VN là kinh tế thị trường, thì đó là điều rất đáng buồn và thất vọng đối với những người đang đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền ở VN.

            Cảm ơn quí thính giả đã theo dõi bài QD của chúng tôi. 

LLCQ

 

 

No comments:

Post a Comment