Saturday, July 6, 2024

Tin Tức: Thứ Bảy 06.07.2024

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Mỹ Linh & Miên Dương trình bày sau đây.

1.ÔNG TRƯƠNG HỮU LỘC RA TÙ

Ông Trương Hữu Lộc, người bị kết án 8 năm tù giam chỉ vì tặng đồ ăn, nước uống cho người biểu tình chống Dự luật Đặc khu, đã mãn hạn tù hôm 14/6. Ông Lộc được về sớm 2 năm so với bản án đã tuyên.

Ông Trương Hữu Lộc sinh năm 1963, địa chỉ thường trú tại phường 6, Tân Bình, Sài Gòn. Ông Lộc bị bắt ngày 10/6/2018 khi đang trao tặng thức ăn, nước uống cho những người biểu tình ôn hòa chống Dự luật Đặc khu tại khu vực Nhà thờ Đức Bà (Quận 1- Sài Gòn).

Cáo trạng nói rằng ông Trương Hữu Lộc đã, xin trích:  “thường xuyên sử dụng mạng xã hội giao lưu và được cổ động bởi các đối tượng chống đối chính trị trong và ngoài nước, Lộc đã nhiều lần thực hiện livestream trên mạng xã hội với nội dung xuyên tạc, phỉ báng các đồng chí lãnh đạo; xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc các dự thảo Luật và các vấn đề xã hội khác; kích động nhiều người tham gia biểu tình”. Hết trích

Ông bị đưa ra tòa ngày 28/6/2019 và bị kết án 8 năm tù giam với cáo buộc “Phá rối an ninh” theo Điều 118, Bộ luật Hình sự 2015.

Sau phiên tòa, một số cơ quan nhân quyền quốc tế đã kêu gọi Hà Nội trả tự do cho ông và khẳng định ông Trương Hữu Lộc bị kết án chỉ vì sử dụng quyền tự do của mình một cách hợp pháp.

2.NHIỀU TỔ CHỨC KÊU GỌI EU GÂY ÁP LỰC LÊN HÀ NỘI TRƯỚC THỀM CUỘC ĐỐI THOẠI NHÂN QUYỀN

Tám tổ chức và cá nhân trong đó có HRW, Article 19, tiến sĩ Nguyễn Quang A đồng loạt kêu gọi EU gây áp lực lên chính phủ Hà Nội để lật ngược các bản án hình sự đối với những nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền cũng như chấm dứt mọi hành vi nhằm đàn áp quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam. Trong lá thư chung, các tổ chức nêu trên đã cáo buộc Việt Nam tiếp tục hạn chế nghiêm trọng các quyền con người và vi phạm các nghĩa vụ của mình theo luật nhân quyền quốc tế.

Lời kêu gọi được đưa ra trước thềm cuộc đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ 12 hôm 4/7 ở Brussels của Bỉ.

Phản ứng trước lời kêu chung của các cơ quan nhân quyền, người phát ngôn của EU trong cuộc trả lời phỏng vấn đài VOA qua email rằng: “Chúng tôi chia sẻ những quan ngại của xã hội dân sự về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, đặc biệt là các vụ bắt giữ và kết án những người bảo vệ nhân quyền, nhà báo và nhà vận động môi trường vì cáo buộc tội chống nhà nước hoặc trốn thuế”.

Hiện cả EU và Việt Nam đều chưa công bố thông tin về kết quả hoặc chi tiết của những thảo luận tại cuộc Đối thoại Nhân quyền hôm 4/7.

3.AN NINH CSVN NHẮM TỚI CÁC NHÀ HOẠT ĐỘNG NHÂN QUYỀN TẠI HẢI NGOẠI

Một số nhà phân tích thời sự và nhà bảo vệ nhân quyền lên tiếng cảnh báo về các hoạt động “đàn áp xuyên quốc gia” của Hà Nội khi nhắm vào những nhà hoạt động đang tị nạn chính trị tại hải ngoại.

Vụ việc mới đây nhất được nhằm vào nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên, một cựu TNLT hiện đang tị nạn tại Hoa Kỳ. Bà Nghiên cho hay, bà nhận được lời nhắn của một người tự giới thiệu là an ninh của Bộ Công an, tên Trọng, mời vợ chồng bà đi ăn vào cuối tuần. Bà Nghiên đã từ chối và sau đó đã báo cáo toàn bộ vụ việc cho Cục Điều tra liên bang (FBI) và Bộ ngoại giao Hoa Kỳ.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, người nhiều lần bị mật vụ cộng sản theo dõi công khai tại Đức nói rằng ông không ngạc nhiên về trường hợp của bà Nghiên. Ông nhận định rằng, trong khoảng thời gian kể từ năm 2019, 2020 trở về trước, Hà Nội thường tìm cách đẩy những nhà hoạt động có ảnh hưởng ra nước ngoài nhằm vô hiệu hoá hoạt động của họ, và “mục tiêu này khá thành công”. Tuy nhiên, có một số nhà hoạt động nhân quyền sau khi buộc phải đi tị nạn chính trị nhưng vẫn có nhiều hoạt động hiệu quả hơn so với khi còn ở trong nước mà bà Nghiên là một ví dụ.

Ông Đài, trong cuộc trả lời phỏng vấn đài Tiếng nói Hoa Kỳ đã khẳng định “Đối với những người không hoạt động hiệu quả hay không hoạt động nữa thì họ có theo dõi ai đâu. Họ chỉ theo dõi những người còn có những hoạt động gây nguy hại đối với sự tồn tại của chế độ ở trong nước”.

Phạm Thanh Nghiên nói rằng bà đã quen với sự đàn áp, khủng bố gần 20 năm nay. Và rằng trong suốt 4 năm tù và thời gian nguy hiểm trong nước bà còn đấu tranh được, thì không có lý do gì bà từ bỏ lý tưởng khi đã ở xứ tự do như Hoa Kỳ.

Phạm Thanh Nghiên (47 tuổi), từng bị kết án 4 năm tù giam, 3 năm quản chế vì các hoạt động nhân quyền. Chồng bà Nghiên, ông Huỳnh Anh Tú chịu bản án 14 năm tù giam. Năm 2019, căn nhà của họ ở Vườn rau Lộc Hưng bị nhà cầm quyền đập nát cùng với hơn 500 căn nhà khác để chiếm đất.

Bà Nghiên cùng chồng và con gái sang Mỹ tị nạn vào tháng 4/2023 và vẫn tiếp tục các hoạt động tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam.

 

No comments:

Post a Comment