Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Trúc Phương được đăng trên báo Người Việt với tựa đề: “Có thò tay vào bàn cờ tướng ở Ba Đình hay không Bắc Kinh vẫn thủ đắc” sẽ được Miên Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.
Trúc Phương / Người Việt.
Ít nhất hai cường quốc đang theo dõi sát diễn biến tình hình chính trị Việt Nam. Đó là Trung Quốc và Mỹ. Mọi biến động sân khấu chính trị với việc nhân vật nào đang thắng hoặc thua cũng đều được căn cứ vào đó để Bắc Kinh và Washington tính toán cho động thái duy trì hoặc thay đổi chính sách của họ. Với Trung Quốc, việc Bắc Kinh can thiệp vào vấn đề nhân sự trung ương Việt Nam chẳng phải là điều mới. Khó có thể nói lần này “thầy dùi” Trung Quốc có dính dáng gì hay không nhưng bất luận thế nào, màn long tranh hổ đấu ở Hà Nội dường như có lợi cho Bắc Kinh nhiều hơn so với Mỹ.
Với sự thắng thế của Tô Lâm, cùng với việc phe cánh Tô Lâm được sắp đặt ở những vị trí quan trọng, đưa đất nước “tiến thẳng” đến con đường công an trị, Việt Nam ngày càng khủng hoảng sâu sắc hơn về dân chủ, dù dân chủ luôn là khái niệm mơ hồ và xa với thực tế. Cách Việt Nam đang làm “công tác nhân sự” ngày càng khiến đất nước gần hơn với mô hình Trung Quốc. Cá nhân Tô Lâm dường như cũng đang biến tham vọng “một đít hai ghế” (chủ tịch nước kiêm tổng bí thư) gần với hiện thực. Những diễn biến này không chỉ người trong nước thấy mà cả giới quan sát quốc tế cũng nhận ra.
Viết trên trang web Chatham House (The Royal Institute of International Affairs), nhà bình luận quen thuộc với tình hình Việt Nam, Bill Hayton, nhận định rằng, cuộc chiến giằng co giành quyền lực khiến hai chủ tịch nước là Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng cùng với Chủ Tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ bị gục ngã rớt đài và võ sĩ Tô Lâm đoạt đai vô địch đã khiến những người vẫn hy vọng, dù mong manh, rằng Hà Nội có thể tham gia liên minh chống Trung Quốc giờ phải suy nghĩ lại.
Bill Hayton nhận xét, dù cuộc tranh giành quyền lực không liên quan đến chính sách đối ngoại nhưng kết quả của nó dẫn đến một sự chuyển hướng sang Trung Quốc và rời xa phương Tây. Có thể phe thua cuộc chưa chắc đưa Việt Nam gần hơn với Mỹ nhưng có điều rõ rằng, phe đang nắm phần thắng hiện tại đều là những kẻ thân Trung Quốc, với chủ trương nặng giáo điều và chính sách nặng hình thức công an trị.
Những người như Tô Lâm, đặt sự sống còn của chế độ thấp hơn vận mệnh tương lai quốc gia, sẽ ưu tiên cho sự tồn tại của đảng hơn là sự phát triển kinh tế. Chế độ công an trị của Tô Lâm sẵn sàng hy sinh tăng trưởng kinh tế để kiểm soát chính trị chặt hơn. Như đã biết, dưới thời Tô Lâm cai quản Bộ Công An, một chiến dịch bắt bớ rầm rộ đã được thực hiện, và mới đây nhất là bắt nhà báo Huy Đức, người được tin là thuộc cánh hẩu của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Đối với phe “bảo thủ” có khuynh hướng cứng rắn trong cai trị bằng bàn tay sắt thì không có gì đáng sợ hơn là việc đảng mất quyền kiểm soát. Tâm lý này y hệt giới lãnh đạo Trung Quốc.
***
Nói cách khác, trong khi Võ Văn Thưởng đề cập vấn đề phát triển kinh tế, ngôn ngữ của Tô Lâm lại… “sặc mùi công an.” Đây chính xác là điều “hợp gu” Bắc Kinh và là thứ mà Bắc Kinh cần. Nếu một kẻ ở Hà Nội có sẵn khuynh hướng công an trị và nhất nhất đi theo mô hình phản dân chủ thì Bắc Kinh hẳn nhiên bỏ ra ít “sức lực” hơn để lôi kéo về phía họ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Washington trở nên khó khăn hơn trong việc thúc đẩy bang giao gần gũi hơn nhằm biến Hà Nội thành đối trọng cân bằng trong cuộc giằng co tại khu vực với Trung Quốc.
Trong thực tế, Hà Nội gần như chưa bao giờ muốn tách khỏi quỹ đạo Trung Quốc. Trong chuyến công du Trung Quốc ngày 4 Tháng Tư, 2024, Bộ Trưởng Ngoại Giao CSVN Bùi Thanh Sơn đã gặp Ngoại Trưởng Vương Nghị.
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam thuật: “Hai bộ trưởng Ngoại Giao cùng khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong chính sách đối ngoại của mỗi nước; nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường phối hợp, khai triển cụ thể hóa một cách có hiệu quả các thỏa thuận và nhận thức chung cao cấp để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước không ngừng phát triển lành mạnh…”; và Vương Nghị bày tỏ việc “ủng hộ kết nối giao thông đường bộ, cùng xây dựng cửa khẩu thông minh giữa hai nước…”
Chỉ hơn một tuần sau cuộc gặp Bùi Thanh Sơn-Vương Nghị, hai nước lại tổ chức “Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc” (ngày 12 Tháng Tư, 2024), khi Bộ Trưởng Quốc Phòng CSVN Phan Văn Giang sang Vân Nam gặp Thượng Tướng Đổng Quân, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc. Đây là cuộc “giao lưu” lần thứ tám kể từ lần đầu tiên vào năm 2014.
Hơn một tháng sau (ngày 28 và ngày 29 Tháng Năm, 2024), cũng tại Vân Nam (Trung Quốc), một phái đoàn ngoại giao Việt Nam lại được “đón tiếp” để bàn về vấn đề biên giới. Cuộc gặp được thực hiện nhằm… “phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 25 năm ký hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc và 15 năm ký kết nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc…”
Cần để ý, trong các cuộc gặp vừa nhắc, tất cả đều được tổ chức trên đất Trung Quốc, như thể Việt Nam phải sang “chầu.” Và cũng cần để ý thêm, “thái thú” Trung Quốc tại Việt Nam hiện là Hùng Ba (Xiong Bo), một kingmaker có vai trò rất lớn trong việc xây dựng quan hệ Trung Quốc-Cambobia thời đương sự còn làm đại sứ tại Phnom Penh (Nam Vang từ 2016-2018). Với sự dẫn dắt của Hùng Ba, Cambodia đã đi sâu vào quỹ đạo Trung Quốc. Và dưới thời Hùng Ba, Thủ Tướng Hun Sen đã thắt chặt kiểm soát an ninh nội chính. Báo chí tự do bị xóa sổ, những gương mặt chính trị gia đối lập bị triệt hạ không nương tay và kinh tế Cambodia lệ thuộc toàn diện vào Trung Quốc.
Những ngày này, ở Việt Nam, Hùng Ba chỉ là nhà quan sát thời cuộc, tọa sơn quan hổ đấu, hay bí mật can thiệp vào cuộc chiến tranh giành quyền lực tóe lửa ở Hà Nội? Không ai có thể dám cả quyết. Hùng Ba có “cố vấn” cho Tô Lâm hay không, không người nào dám khẳng định. Nhưng chắc chắn rằng, với những diễn biến như hiện tại, Hùng Ba có thể báo cáo về Bắc Kinh rằng, Trung Quốc chẳng có gì phải lo. Việt Nam vẫn nằm trong quỹ đạo Trung Quốc, tương lai dân chủ Việt Nam vẫn chỉ là điều mà các lý thuyết gia mong mỏi, và “cây tre” Việt Nam vẫn không nghiêng về phía Hoa Kỳ. [kn]
No comments:
Post a Comment